Có một làng Nhân Ái
Tôi đã từng chứng kiến nhiều nỗi bất hạnh của con người. Nhưng có lẽ, nỗi khổ đau ở làng phong Chí Linh là cùng cực, triền miên và thương tâm nhất của một đời người. Những dòng viết dưới đây, tôi muốn nói về một tập thể - những y bác sỹ trọn đời dành tâm huyết, hết lòng vì bệnh nhân.
THCL Tôi đã từng chứng kiến nhiều nỗi bất hạnh của con người. Nhưng có lẽ, nỗi khổ đau ở làng phong Chí Linh là cùng cực, triền miên và thương tâm nhất của một đời người. Những dòng viết dưới đây, tôi muốn nói về một tập thể - những y bác sỹ trọn đời dành tâm huyết, hết lòng vì bệnh nhân.
Họ đáng được trân trọng, kính phục. Song, đối với họ - điều còn có ý nghĩa hơn đó là trong suốt mấy chục năm qua, đã thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu”…
Ngày xửa ngày xưa…
Vào một ngày cuối tháng 11/1969, trên một khu đồi thuộc xã Hoàng Tiến (Chí Linh, Hải Dương), mấy căn nhà cấp 4 được dựng vội. Cả thẩy 13 thầy thuốc có tấm lòng nhân ái đã tình nguyện về đây.
Họ đem theo tư trang, một số trang bị, dụng cụ y tế còn rất sơ sài; chuẩn bị nơi ăn chốn ở, lo phòng, giường, thuốc thang… để đón nhận mấy chục con người mắc phải căn bệnh hủi (bệnh phong) - quái ác từ nhiều nơi đưa về sống và điều chị tại nơi này.
Khu điều trị phong (Bệnh viện Phong) Chí Linh ra đời từ đó.
Gần ½ thế kỷ trôi qua, trong đó hơn 20 năm ngập chìm trong gian khó, bây giờ Khu điều trị được gọi là làng Nhân Ái - mỗi ngày thêm trù phú, sâu nặng nghĩa tình.
Chúng tôi đã tới thăm làng Nhân Ái - cảm nhận sâu sắc những mảnh đời bất hạnh; những nỗi vất vả, lo toan thường nhật của hết thảy đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Phong Chí Linh…
Đồi trọc hoang vu
Một cụ bà năm nay đã gần 90, tàn phế nặng, gắn bó với nơi này từ những ngày đầu tiên, kể lại: “Ngày chúng tôi đến, nơi đây tịnh không một bóng người. Lừng lững những quả đồi trọc, ảm đạm độc màu vàng hoe. Cảnh tưởng heo hút, hoang vu. Nói không phải - mấy căn nhà cấp 4 không bằng cái chuồng heo. Tường, vách mục nát, tróc lên từng mảng lớn, có chỗ dui mè đã gãy, rủ xuống trông thật hãi hùng. Ngay đến một số cán bộ còn tỏ ra ái ngại, sợ sệt, xa lánh bệnh nhân”.
Quả vậy! Ở vào thời điểm đó, không ít người là bác sỹ, y sỹ có cơ may kiếm tìm cho mình “mảnh đất thơm” là những bệnh viện, trung tâm y tế trốn thị thành thuận lợi hơn, con đường công danh vinh hoa, sán lạn hơn. Nhưng họ đã tình nguyện về nơi chồng chất khó khăn, gian khổ, lòng dặn lòng “giúp đỡ, cưu mang những mảnh đời éo le, bất hạnh miền đất núi hoang vu, trống trải - Chí Linh”.
Cũng có không ít người, khi mới đặt chân nơi mảnh đất này, đã có cảm giác ngại, thậm chí sợ sệt, rùng mình. Tâm lý ấy, hẳn là do nhìn và tiếp xúc với những khuôn hình dị dạng. Nhưng rồi dần dần các cán bộ, nhân viên hiểu rõ, chính những thân hình dị dạng kia, do những mảnh đời éo le khác nhau mang lại đã tác động, thôi thúc họ xóa dần cái sợ, nỗi mặc cảm ban đầu, để hướng tới cái tâm - dành hết tình cảm, tình thương cho người bệnh.
Chính điều này đã tác động lại, giúp người bệnh mau chóng xóa đi sự mặc cảm - vốn dễ nảy sinh do cảnh ngộ bệnh tật.
Bác sỹ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Tầm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phong, người được coi là “linh hồn” của làng Nhân Ái tâm sự: “Những người bệnh - họ đói nghèo cơ cực, thân thể tàn tạ, bốc mùi, bệnh tật đã và đang “gặm” dần cơ thể. Nhiều người mãi mãi trở thành tàn phế, điên dại. Mùa đông, họ không có mảnh chăn đơn, manh áo ấm che thân. Bữa ăn là thứ cơm gạo mục với muối trắng mà vẫn không đủ no; còn phải chống đỡ với bệnh tật… Vậy mà họ vẫn muốn sống, vẫn thiết tha yêu đời”.
Đói khát, bệnh tật, nhưng những người bệnh vẫn không hề nản lòng, gắn mãi cuộc đời mình với nơi này. Bởi họ còn biết nương tựa vào đâu? Họ bị người đời hắt hủi, ruồng bỏ.
Những ô ruộng trũng quanh năm ngập nước, nham nhở nào đất với đá, nào bùn lầy với cỏ hoang, bệnh nhân hùa nhau xuống gieo mạ, trồng lúa. “Lá lành đùm lá rách” - người bệnh nặng nằm nhà, người bệnh nhẹ ra đồng. Cơ cực ở chỗ, phân gio không có, giống má không có ngoài ít mạ xấu tự gieo nấy.
Các mợ, các chị cùi cụt chân tay, khiếm thị lội bì bõm dưới ruộng bùn buốt giá, vất vả khổ sở cắm những cây mạ già khẳng khiu vẹo vọ. Công sức, mồ hôi đổ ra lớn như nước biển; hạt thóc hạt gạo thu về chỉ nhỏ nhoi như hạt muối. Đói vẫn hoàn đói. Kiếp sống của mấy chục cùi nhân cứ ngỡ mỏi mòn theo năm tháng…
Nhưng mà, chính trong những lúc “họa vô đơn chí” thì đã có xã hội, cộng đồng, có mái nhà nhân ái - nơi có những người thầy thuốc nhân ái với tấm lòng rộng mở vì cái tâm, cái đức đã dang tay ôm ấp, nuôi dưỡng, chăm sóc người bệnh.
Mái nhà Nhân Ái
Trách nhiệm đặt lên vai những người thầy thuốc và nhân viên Bệnh viện Phong Chí Linh thật nặng nề nhằm điều trị, khôi phục chức năng cơ học và trí tuệ cho bệnh nhân.
“Nói gì thì nói, làm gì thì làm. Nhưng trước hết phải ổn định đời sống cho người bệnh. Nôm na “Có thực mới vực được đạo” - như ông cha ta vẫn răn dạy”. Bác sỹ Tầm ôn tồn. Anh kể quãng ngày đi “xoay xở” để kiếm “miếng cơm manh áo” về cho đơn vị mới cơ cực biết nhường nào. Thôi thì, từ người giám đốc cho tới các nhân viên, ngày ngày… phơi mặt đi… “gõ cửa” các cơ quan tỉnh, các cơ quan huyện; hết khối “nhà nước” thì chuyển sang khối đoàn thể, tổ chức, hội, HTX rồi các “mạnh thường quân”… để xin, vay, mượn những thứ gì gọi là vật chất, đồ nghề phục vụ cuộc sống mưu sinh thường nhật cho mấy chục con người.
Ấy rồi cũng qua ngày đoạn tháng… Gần 50 năm qua, cuộc sống của những người bệnh, từ chỗ quạnh hưu, đói rách trở thành tổ ấm, no đủ, chứa chan tình người. Đó là cả một quá trình lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, không ngại khó, ngại khổ của những con người nơi đây.
Được biết, hiện nay, mấy trăm bệnh nhân, trong đó phần lớn là những người tàn phế nặng, phải điều trị tại nhà do cụt, rụt chân tay, khiếm thị…, tất cả đều được chăm sóc, điều trị hết vi trùng Hăng-sen, đang sống trong những căn nhà ấm cúng.
Toàn bộ khu điều trị, gồm: Khu điều trị tích cực; Khu điều trị bệnh nhân tàn phế nặng; Khu bệnh nhân nhẹ - độc thân; Khu gia đình bệnh nhân và Khu các công trình công cộng.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Điềm, nguyên Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện cho biết, làng Nhân Ái đã có hàng trăm cặp vợ chồng là bệnh nhân. Họ đến với nhau tự nguyện - rất tự nhiên bằng tình thương đồng cảm: trai bị vợ con, gia đình hắt hủi, gái bị chồng ruồng bỏ… đến đây điều trị, sinh sống rồi nên vợ nên chồng.
Mỗi cặp vợ chồng được cấp 200 m2 đất, một khoản kinh phí để họ làm nhà, tăng gia sản xuất. Nay thì các hộ dân có nhà cửa tươm tất, có công trình phụ gọn gàng sạch sẽ; trong nhà có giường, tủ, bàn ghế, tivi, radio, tủ lạnh… Gia đình nào cũng có vườn cây ăn quả trồng các loại vải, nhãn, na, cam, chanh, bích đào… đang cho thu hoạch. Rồi hộ nào cũng xây chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Từ lâu, làng đã xây dựng “Bản nội quy tự quản” gồm 55 điều - là cơ sở, chỗ dựa vững chắc cho từng bước đi của mỗi tập thể, mỗi con người. Nó được gọi là Hương ước gần gũi, gắn liền với bà con nhất để hết thảy mọi người tự lấy đó làm thước đo, phấn đấu vươn lên hoàn thiện chính mình, góp phần xây dựng làng phong như những nông thôn mới giàu đẹp, có văn hóa.
Những lớp học tình thương được mở đều đặn, do các thầy cô giáo của xã, của huyện về dạy. Làng có nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ thể dục thể thao; có chùa, miếu, nhà thờ phục vụ tự do tín ngưỡng.
Ở đây, từ lâu cũng đã thành lập các đội mộc, xây dựng, tổ thợ may, tổ điện nước…, mà người thợ đều là những bệnh nhân tự mày mò, đúc rút kinh nghiệm mà ra. Toàn khu đào được hàng chục hồ để nuôi cá, mỗi năm cho thu hàng tấn cá; có giàn máy xay xát nghiền thức ăn cho gia súc để mỗi năm xuất chuồng hàng chục tấn thịt lợn, thịt gà. Đồi hoang đất đỏ một thời tinh những cỏ lau, bùn nước, những ruộng lúa nham nhở, nay đã trở thành rừng vải hàng nghìn cây, cho thu hoạch vài trăm triệu đồng/năm.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Tầm chia sẻ: “Những người bệnh mang nặng nỗi buồn đau trong suốt cả cuộc đời, nếu họ không nhận thức đúng về bệnh phong để rồi đi khám, mong phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh. Căn bệnh này, từ xưa đã bị mặc cảm xã hội nặng nề, ngay cả người thân cũng xa lánh, hắt hủi. Người bệnh, nếu không được chữa trị kịp thời, vi trùng hăng-sen phát triển sẽ làm tê liệt thần kinh, dẫn tới teo đét, viêm xương, cụt cùi chân tay, lở loét da thịt, làm cho thân thể đau đớn và trở lên xấu xí, dễ tạo ấn tượng ghê sợ cho những người xung quanh”...
Gặp gỡ trong đời…
Tình cảm, lòng biết ơn của mấy trăm con người làng phong đối với các thầy thuốc thật là sâu đậm. Họ luôn kính trọng tất cả những ai đến với mình. Khách vào thăm, đi đến khu nào, nhà nào, mọi người đều ùa cả ra cửa, cất tiếng chào từ tốn. Có cụ cụt hết cả chân tay, mù cả 2 mắt, nết từng bước chân khó nhọc ra chờ sẵn ở cửa, hễ nghe tiếng mọi người chào, cụ chắp tay lên lạy: “Ơn các bác ạ!”.
Thấy có khách lạ đến thăm, vợ chồng ông Nguyễn Văn L. đều là bệnh nhân, tỏ ra vô cùng xúc động. (ông là hội viên Hội đồng tự quản, phụ trách khối bệnh nhân).
Trong lúc giục vợ đi pha trà, ông nói giọng từ tốn: “Nếu các bác không ngại ngùng thì uống với vợ chồng già chén nước”.
Đôi bàn tay run run, khó nhọc nâng từng chén trà mời khách, ông L. giãi bày bằng giọng khiêm nhường, nhã nhặn: “Tôi năm nay đã ngoài 80, quê Châu Giang (Hưng Yên). Năm 18 tuổi, không may mắc phải căn bệnh quái ác này, rồi bị gia đình hắt hủi nhốt vào buồng kín, chỉ cho đục 1 lỗ nhỏ để nhìn ra ngoài. Mọi thứ sinh hoạt trên đời tất tần tật đều ở cả trong đó. Thật là chua xót, cơ cực ê chề. May mà sau này, nghe người ta mách, già tìm được đến đây.
Ơn các thầy thuốc, các cán bộ đã không ruồng rẫy, dang rộng cánh tay cưu mang, nuôi dưỡng. Đã gần 50 năm trôi qua mà cứ ngỡ mới hôm nào…”.
Ông L. huơ huơ đôi bàn tay gầy guộc với lấy cái khăn mặt cũ mèn để dưới đầu giường, lau vội 2 hàng nước mắt rớt xuống bờ mi, chảy dài trên gò má sạm đen, hốc hác bởi thời gian, bệnh tật. Bà ngồi bên ông, vội tiếp lời: “Chúng “em” đều cùng cảnh ngộ, thương nhau thì tình nguyện sống với nhau. Chưa bao giờ dám nghĩ cuộc đời mình lại có được như ngày hôm nay!”.
Gương sống của những người bệnh phong là chịu đựng khổ đau, thiếu thốn, vượt qua mọi thử thách, bệnh tật. Có những cụ ở vào tuổi 80 - 90, cùi cụt hết cả chân tay, mù cả 2 mắt, cơ thể chẳng khác gì một khúc gỗ mục. Mọi sinh hoạt tối thiểu đều phải nhờ đến người phục vụ. Vậy mà, hằng ngày các cụ vẫn thường ngâm nga truyện Kiều, kể chuyện ngày xưa và nói năng hết sức nhẹ nhàng, từ tốn. Các cụ Sen, cụ Nghị, cụ Thiệu… và biết bao nhiêu người khác đều sống cuộc đời gian khó, chắt chiu, chịu đựng mọi khó khăn thiếu thốn mà vẫn muốn sống.
Trại phong Chí Linh, không biết tự bao giờ có tên làng Nhân Ái. Xin không nêu những thành tích, danh hiệu cao quý mà đơn vị đã đạt được. Chỉ nói về làng Nhân Ái - về lòng nhân ái thôi - cũng đủ để người đời trân trọng.
Và cũng xin dẫn lời của một trong số hàng trăm, hàng nghìn khách đến thăm làng Nhân Ái: “Đâu đó trong cuộc sống, đường đời, người ta quen ngước mắt, chiêm ngưỡng những “ông hoàng”, “bà chúa”.
Giá như, ai đó có trong đời 1 lần được nhìn thấy các cụ ông, cụ bà cùi cụt cả chân tay, mắt mù… sống ăn đời ở kiếp nơi làng phong; những người trẻ tuổi không may mắc phải căn bệnh phong - hủi quái ác cũng tìm về với “mái nhà nhân ái” - thì như thấy được cởi lòng mình và tâm hồn được rửa tội…
Lòng nhân ái là vô cùng. Lòng nhân ái của tập thể cán bộ, y bác sỹ, nhân viên Khu điều trị phong Chí Linh là đáng trân trọng. Hãy cố làm được một điều gì, dù nhỏ để góp phần làm vợi đi biển khổ đời người hiện hữu này”.
Đôi dòng suy nghĩ
Khi tôi viết những dòng trên đây thì bác sỹ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Tầm, Giám đốc Bệnh viện Phong Chí Linh (Hải Dương) đã “gác kiếm” về với đời thường.
Dẫu thời gian trôi, dẫu điều kiện chỉ còn hạn hẹp để “hầu hạ” những người bệnh nơi “thăng trầm nghiệt ngã” như những năm nào thì trong lòng ông cũng vô cùng thanh thản.
Ông thấy mình hạnh phúc vì đã làm được những việc có ích cho đời. Lớp lớp cán bộ, y bác sỹ đi sau đang tiếp tục noi gương ông. Và còn đó những người bệnh - họ luôn biết ơn, tri ân - ghi tạc vào lòng hình ảnh những người thầy thuốc tận tâm tận tụy mà bác sỹ Nguyễn Xuân Tầm là linh hồn, là “thuyền trưởng” chèo lái con thuyền - Bệnh viện Phong Chí Linh - bừng sáng hôm nay.
Box:
Giờ đây, căn bệnh phong đã được làm sáng tỏ: Nhiều nhà khoa học trên thế giới như Prophete, Caquina, Nurit, Daniesan… đã tự tiêm, tự uống vi trùng B.H (gây bệnh phong) vào cơ thể mình để chứng minh rằng, bệnh phong là bệnh rất khó lây và ngày nay đã có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu được phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn, không để lại một di chứng nào trên cơ thể.
Ghi chép của Xuân Phong
Tin mới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Mozambique Filipe Jacinto Nyusi
Hai bên nhất trí củng cố quan hệ truyền thống giữa hai Đảng, làm nền tảng phát triển cho quan hệ hai nước, thông qua duy trì các hoạt động nghiên cứu lý luận, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ đào tạo cán bộ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của bão số 3
Những ngày qua, bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại rất nặng nề cho các quốc gia mà bão đi qua, trong đó có các tỉnh phía bắc nước ta. Tạp chí Thương hiệu và Công luận trân trọng giới thiệu nội dung thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mưa lũ và sạt lở đất ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện ở nhiều tỉnh miền Bắc
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) vừa có thông tin về tình hình mưa lũ và sạt lở đất ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện ở Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái và Lào Cai (cập nhật đến ngày 9/9/2024).
Tông vào đống rơm trên đường, một người đàn ông tử vong
Một người đàn ông ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh điều khiển xe máy trên đường về nhà thì tông phải đống rơm của người dân để trên đường dẫn đến tử vong.
Bánh Trung thu Đông Phương: Món quà ý nghĩa mang hương vị từ truyền thống đến Tết Trung thu hiện đại
Thành lập từ năm 1950 trải qua hơn 70 năm, Bánh mứt Đông Phương đã trở thành một thương hiệu yêu thích của người dân Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận. Vào mỗi mùa Trung thu, những vị khách háo hức đặt hàng từ rất sớm, xếp hàng dài trước Hiệu Bánh mứt Đông Phương, 172 Cầu Đất, thành phố Hải Phòng để sở hữu cho mình những chiếc bánh Trung thu Đông Phương.
Thái Bình: Thực hiện tốt hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” chăm lo cho người có công với cách mạng
Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 57.011 người và thân nhân người có công với cách mạng thuộc đối tượng trợ cấp ưu đãi thường xuyên trên địa bàn. Xác định được công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công là trách nhiệm tình cảm và vinh dự, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên nên cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã tích cực thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa".
Câu chuyện thương hiệu
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào
Thuơng hiệu Than Hà Lầm với công tác bảo vệ môi trường
Hành trình phát triển thương hiệu của Công ty TNHH Dược phẩm và Trang thiết bị Y tế Hoàng Đức
Thế giới số sẽ chia cổ tức 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu
Vietsovpetro góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam