THCL “Cổ đông góp vốn vào ngân hàng bằng tiền thì phải có lợi tức và chia cổ tức phải bằng tiền, chứ không cũng chia bằng cổ phiếu. Cổ đông góp vốn mà không nhận được gì thì có nói hay mấy cũng bằng không"...
MaritimeBank xin giữ lại lợi nhuận để có nguồn lực đầu tư và dự phòng rủi ro.
Tại Đại hội cổ đông ngày 28/5, một số cổ đông đã băn khoăn về kết quả kinh doanh năm 2014 bị sụt giảm của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank). Đã có lo ngại về con số lợi nhuận, trích dự phòng rủi ro, nợ xấu trên các báo cáo công bố hiện chưa phản ánh “sức khỏe” thực sự của nhà băng này?
Mặc dù hoạt động kinh doanh chưa “thoát” khó khăn, nhưng báo cáo của Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Ban kiểm soát đều có chung nhận định: “đã cải hiện hiệu quả hoạt động”.
Cổ đông MaritimeBank "nhịn" cổ tức 3 năm
Ông Tạ Ngọc Đa, Tổng giám đốc cho biết, một số chỉ tiêu tài chính năm 2014 đã bị sụt giảm nhẹ, chỉ đạt từ 85-94% kế hoạch đề ra, như: tổng tài sản chỉ đạt 104.369 tỷ đồng, tín dụng đạt 39.352 tỷ đồng, huy động vốn đạt 66.874 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 162 tỷ đồng và sau thuế còn 142,7 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ xuống 2,61% dư nợ…
Sau khi phân phối các quỹ, trích dự phòng, MaritimeBank còn lại hơn 121,3 tỷ đồng lợi nhuận. HĐQT đã đề xuất không chia số lợi nhuận này để có nguồn lực đầu tư, kinh doanh tiếp. Đồng thời, ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2015 cũng chỉ là 165 tỷ đồng, nhỉnh hơn năm trước. Và tỷ lệ cổ tức vẫn duy trì là 0%. Như vậy, cổ đông MaritimeBank đã và sẽ phải “nhịn” cổ tức 3 năm liên tục, mà cũng chưa rõ đến khi nào mới có cổ tức.
Một số cổ đông đã phản ứng khá gay gắt với tỷ lệ cổ tức 0% của MaritimeBank. Theo cổ đông, năm nào ngân hàng cũng báo lãi hàng trăm tỷ đồng và hiện có 669,7 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối của các năm mà không chia đồng nào cho cổ đông. Có ý kiến đề xuất nên trích bớt số lợi nhuận này để chia khoảng 5% cổ tức cho cổ đông và cần có lộ trình chia cổ tức.
“Cổ đông góp vốn vào ngân hàng bằng tiền thì phải có lợi tức và chia cổ tức phải bằng tiền, chứ không cũng chia bằng cổ phiếu. Cổ đông góp vốn mà không nhận được gì thì có nói hay mấy cũng bằng không. Nên tôi mong ngân hàng đừng đầu tư dàn trải, mà cần tập trung để tạo ra lợi nhuận”-Một cổ đông bày tỏ.
Một cổ đông tổ chức chất vấn về số liệu dự phòng tăng đột biến trong khi tỷ lệ nợ xấu lại giảm? Cụ thể, số trích dự phòng rủi ro tăng lên 722,5 tỷ đồng (gấp đôi mức dự phòng năm 2013 chỉ là 325,8 tỷ đồng), khiến lợi nhuận trước thuế bị “teo tóp” chỉ còn 165 tỷ đồng.
Ông Đào Trọng Khanh - Phó chủ tịch HĐQT giải thích, trước đây, nhiều ngân hàng đều tăng tín dụng mạnh nên có lãi cao, chia cổ tức tới 15-30%. Song vài năm gần đây, hoạt động kinh doanh rất khó khăn nên lợi nhuận sụt giảm. Vấn đề ưu tiên hàng đầu của ngân hàng là tập trung nâng chất lượng tài sản, trích dự phòng rủi ro, xử lý rủi ro phát sinh, giảm nợ xấu…
Do đó, “HĐQT mong cổ đông ủng hộ tiếp tục tăng trích dự phòng, giữ lại lợi nhuận để có nguồn vốn đầu tư, kinh doanh cho mục tiêu phát triển ổn định lâu dài”- Ông Khanh nói.
Theo ông Khanh, tỷ lệ nợ xấu 2,61% là tại ngày 31/12/2014. Còn trong năm 2014, ngân hàng đã tập trung xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp, như: bán tài sản trả nợ, giúp khách hàng cơ cấu nợ, hoặc sử dụng dự phòng bùi đắp nợ mất vốn… Hiện, nguồn quỹ dự phòng rủi ro và dự phòng tài chỉnh hơn 10.000 tỷ đồng sẽ là nguồn lực lớn để ngân hàng xử lý rủi ro.
MaritimeBank vẫn chưa bàn đến việc niêm yết cổ phiếu
Liên quan đến hai trường hợp ngân hàng bị NHNN mua lại 0 đồng, cổ đông bị mất trắng, một cổ đông đã bày tỏ lo lắng, liệu MaritimeBank có thực sự làm ăn có lãi như phản ánh trên các báo cáo không?
“Tôi cũng là cổ đông của OceanBank với số vốn đầu tư 3 tỷ đồng. Vậy mà trong phút chốc, tôi đã mất hết vì ngân hàng này bị NHNN mua lại 0 đồng. Trong khi trước đó, ngân hàng vẫn báo lãi, trả cổ tức 3% và đến năm 2014 thì báo lỗ, không công bố số liệu tài chính. Cổ đông cũng không biết bổ sung vốn thế nào”- Vị cổ đông này nói, ái ngại khi MaritimeBank vẫn báo lãi, nhưng cổ đông không có cổ tức, muốn bán cổ phần mà không ai mua, cổ phiếu rớt giá…
Có chung lo lắng, một cổ đông khác hỏi thẳng “Ngân hàng thực sự có lãi hay không có lãi mà không chia cổ tức. Nếu có lãi thì sao phải sáp nhập ngân hàng khác, mua thêm công ty tài chính?”
Ông Đào Trọng Khanh khẳng định: “Hoạt động ngân hàng có lãi và đã được kiểm toán số liệu tài chính bởi công ty kiểm toán uy tín”. Tuy nhiên, ngân hàng đề xuất giữ lại lợi nhuận để có thêm nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh sắp tới và dự phòng rủi ro. Quan điểm của MaritimeBank là thận trọng hoạt động, giữ ổn định, sử dụng vốn hiệu quả…
Về tiến độ sáp nhập, ông Khanh cho hay, ngân hàng đang trình hồ sơ lên NHNN chấp thuận sáp nhập chính thức. Dự kiến, đầu tháng 7/2015 sẽ có quyết định chấp thuận cho 2 ngân hàng hợp nhất. Khi đó, MaritimeBank sẽ tăng quy mô vốn lên 11.750 tỷ đồng, tăng tổng tài sản, mở rộng mạng lưới thêm 5.000 điểm giao dịch… Còn việc mua lại 100% vốn của Công ty tài chính CP Dệt may Việt Nam (TFC), hiện cũng đang chờ NHNN chấp thuận. TFC sẽ được chuyển thành công ty con của ngân hàng để tập trung phát triển mảng tài chính tiêu dùng.
Để kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao, ĐHCĐ đã thông qua việc từ nhiệm và bầu bổ sung 2 thành viên vào HĐQT, gồm ông Đỗ Lam Điền và bà Dương Hồng Loan (Thành viên độc lập). Trong đó, ông Đỗ Lam Điền vừa từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT MekongBank, còn bà Dương Hồng Loan cũng đã từ nhiệm chức danh Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tài chính Dệt May Việt Nam (TFC).
Như vậy, hai lãnh đạo mới của MaritimeBank đều đến từ 2 tổ chức sắp nhập về ngân hàng này, trong đó, MekongBank sáp nhập vào ngân hàng, còn TFC được mua lại và chuyển thành công ty con do ngân hàng nắm 100% vốn điều lệ.
Trước sự hối thúc các ngân hàng niêm yết từ Chính phủ và NHNN, lãnh đạo MaritimeBank cho hay, chưa bàn đến việc niêm yết cổ phiếu. Mà năm 2015-2016, ngân hàng sẽ tập trung cải tổ hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động, an toàn và ổn định hơn./.
Theo Hải Nam (TBTC)