Chuyện doanh nghiệp "khát" vốn nhưng vẫn từ chối gói hỗ trợ lãi suất 2%, vì e ngại thanh tra, kiểm toán
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Tính đến thời điểm này, gói hỗ trợ lãi suất 2% dù đặt mục tiêu 800.000 tỷ đồng nhưng mới giải ngân chưa tới 1%. Thực tế, doanh nghiệp "khát" vốn nhưng vẫn từ chối gói hỗ trợ lãi suất 2%, vì e ngại thanh tra, kiểm toán.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% dù đặt mục tiêu 800.000 tỷ đồng nhưng mới giải ngân chưa tới 1%
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Tính đến thời điểm này, gói hỗ trợ lãi suất 2% dù đặt mục tiêu 800.000 tỷ đồng nhưng mới giải ngân chưa tới 1%. Số tiền lãi được cấp bù mới đạt hơn 1 tỷ đồng. Việc tiếp cận gói cấp bù lãi suất 2% vẫn còn nhiều khó khăn vì ngân hàng vừa thiếu hạn mức và siết chặt các thủ tục, việc kiểm soát vốn chặt vào các phân khúc rủi ro của thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp trên thị trường và các ngành liên quan cũng gặp khó.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xác nhận, chỉ khoảng 1% doanh nghiệp vay được gói hỗ trợ lãi suất 2% và chỉ các doanh nghiệp vừa và lớn mới vay được gói hỗ trợ này. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải rời bỏ thị trường thời gian qua do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung lại đa số là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều thiếu các điều kiện đảm bảo, phương án kinh doanh thiếu khả thi sau đại dịch... nên khó tiếp cận tín dụng cũng là dễ hiểu. Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng cũng cần phải đảm bảo kinh doanh để không mất vốn Nhà nước và vốn của ngân hàng.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, gói hỗ trợ lãi suất này khác với gói hỗ trợ năm 2009 ở chỗ: Nguồn vốn rõ ràng (từ ngân sách), đối tượng hỗ trợ (là 13 lĩnh vực), thời hạn cụ thể (tối đa 2 năm). Ngoài ra, đối tượng thụ hưởng phải đáp ứng cơ bản các điều kiện của tổ chức tín dụng và có khả năng phục hồi.
Để đánh giá khả năng phục hồi lại của doanh nghiệp là khó. Vai trò thẩm định đánh giá của chuyên viên tín dụng là rất quan trọng cùng với sự phối hợp của các bộ có liên quan như: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Vì vậy, rất cần thúc đẩy Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Tại các địa phương, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp đều có nhưng hoạt động vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo lãnh giúp các doanh nghiệp.
Đại diện tiếng nói doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho hay, tiếp cận tín dụng ngân hàng đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện đang rất khó khăn. Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội lại có nội dung hạn chế Ngân hàng Chính sách xã hội cho chủ đầu tư vay vốn để thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Trong khi đó, doanh nghiệp đi vay tại một số ngân hàng khác lại phải áp dụng lãi suất thấp nhất 9%/năm do bất động sản không nằm trong các lĩnh vực được ưu tiên vay với lãi suất thấp. Hay Chỉ thị 03/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định không hạ chuẩn cho vay và không nới lỏng điều kiện vay. Do đó, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều không đáp ứng được điều kiện, đồng nghĩa với việc không tiếp cận được tín dụng ngân hàng.
Với gói 40.000 tỷ đồng, trong đó có gói 15.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đến nay không có sản phẩm để giải ngân. Tuy nhiên các chủ nhà trọ là những đối tương đang cần hỗ trợ. Hoặc với người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại 9%/năm nhưng nếu không tiếp cận được nguồn vốn, sẽ trở thành gánh nặng. Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, ông Châu bày tỏ mong muốn các ngân hàng thương mại cùng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và ngược lại khuyến nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cần chú trọng làm ăn kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo uy tín thương hiệu.
Ngân hàng khó đạt chỉ tiêu khi doanh nghiệp không mặn mà
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: Ngân hàng đã tạo điều kiện gần 500 khách hàng thuộc đối tượng nhận hỗ trợ nhưng tỷ lệ khách hàng đề nghị hỗ trợ rất thấp, chỉ có 30 khách hàng. Hiện TPBank mới chỉ hỗ trợ được 3 khách hàng.
TPBank được giao chỉ tiêu hỗ trợ 700 tỷ đồng, nhưng với tình hình hiện tại, lãnh đạo TPBank băn khoăn khó có thể giải ngân hết. “Nhiều khách hàng lo lắng số tiền hỗ trợ lãi suất thì không được bao nhiêu mà đến khi thanh quyết toán, kiểm toán sau này lại sẽ gặp nhiều khó khăn nên không mấy mặn mà”, ông Nguyễn Hưng bày tỏ.
Phó Tổng giám đốc Agribank, ông Phạm Toàn Vượng thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, doanh số cho vay khoảng 1.900 tỷ đồng với 361 khách hàng, số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng là 1,5 tỷ đồng (tính đến ngày 31/7 là 837 triệu đồng). Dự kiến tháng 09/2022, Agribank sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế được hỗ trợ là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng và đến hết năm 2022 số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, Agribank cũng gặp một số khó khăn. Đa số khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân, chiếm 96%/tổng số lượng khách hàng. Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng/khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 3 năm kể từ ngày ký kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 01/01/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB“ trao đổi: Ngân hàng MB đã sớm ban hành quy định nội bộ, tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch. Tuy nhiên đến nay, MB mới chỉ nhận được duy nhất 1 đề nghị từ phía khách hàng với tổng dư nợ 400 tỷ đồng, tương đương mức hỗ trợ lãi suất khoảng 2,5 tỷ đồng.
Đề cập về một số tiêu chí cho vay của gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank nêu: Theo quy định, gói hỗ trợ chỉ hướng đến các đối tượng có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, cái khó là các cơ quan bộ, ngành vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể. Việc đánh giá về khả năng phục hồi và trả nợ đang là thách thức đối với ngân hàng. Mỗi ngân hàng có sự khác biệt trong việc đánh giá khách hàng suy giảm hay phục hồi ra sao. Rất nhiều khách hàng vay vốn nhiều nơi, ngân hàng này hiểu khoản vay được hỗ trợ nhưng ngân hàng khác lại không.
Mở rộng đối tượng cho vay
Để thúc đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Phạm Toàn Vượng đề xuất: Trước hết, Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan quản lý Nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.
Đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ 01/01/2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và khi thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, đề nghị NHNN, các bộ, ngành xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này.
Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan truyền thông tích cực vào cuộc, thông tin đầy đủ, rõ ràng chính sách và chủ trương của Chính phủ về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, tránh hiện tượng phản ánh không đúng khi thực tế khách hàng không đúng đối tượng, không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định.
“Trước đây, khi thực hiện chính sách cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, có khách hàng kiện Agribank lên tận Chính phủ, song khi đi kiểm tra thì khách hàng này bị nợ xấu 10 năm, tức không nằm trong đối tượng được cơ cấu nợ”, ông Phạm Toàn Vượng chia sẻ.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank kiến nghị: NHNN phải phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi và mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ, cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN đề nghị các NHTM phải phối hợp với khách hàng rà soát khoản vay ký hợp đồng và giải ngân từ 01/01/2022 đến nay. Theo đó, các ngân hàng phải đảm bảo những doanh nghiệp đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hỗ trợ lãi suất; chủ động xác định những khó khăn vướng mắc để giải quyết nhanh. Trường hợp khó khăn vượt thẩm quyền thì phải có đề xuất tháo gỡ chi tiết, cụ thể.
“Muộn nhất đầu tuần sau, NHNN sẽ thông báo tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế. NHNN cũng sẽ đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội những khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Sáng 26/08, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước nhận định, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, tâm lý của các ngân hàng thương mại và khách hàng khi tham gia chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Công Huy (t/h)
Tin mới
Ông Trump và bà Harris "đối đầu" - giá vàng lên cao kỷ lục
Trong tuần qua, giá vàng quốc tế đã lập kỷ lục mới khi tăng lên trên 2.580 USD/ounce, thu hút sự chú ý của thị trường. Bên cạnh đó, tin tức về màn đối đầu chính thức đầu tiên của ông Donald Trump và bà Kamala Harris, cũng được dư luận quan tâm, cũng như các tin tức khác về việc ECB cắt giảm lãi suất hay Apple ra mắt iPhone 16.
Đồng loạt xóa sổ thẻ từ, khách chưa đổi thẻ ATM cần ra ngân hàng ngay
Nhiều ngân hàng thông báo chính thức xóa sổ thẻ ATM công nghệ từ (thẻ từ) chuyển sang thẻ chip nhằm tăng cường bảo mật khi thông tin thanh toán của khách hàng được mã hóa bằng chip...
Tạm giữ trên 16,5 nghìn sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị vừa kiểm tra, tạm giữ trên 16,5 nghìn sản phẩm quần áo các loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Bình An, huyện Long Thành.
THACO chăm lo thiết thực cho đời sống người lao động
Bên cạnh việc tập trung sản xuất kinh doanh, THACO không ngừng chú trọng chăm lo đời sống cho hơn 60.000 CBNV toàn hệ thống, tạo điều kiện cho các nhân sự phát huy năng lực, sáng tạo và cống hiến hết mình vì mục tiêu chung.
Khẩn trương hỗ trợ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3
Bão Yagi và mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tác động đến tăng trưởng. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão - là hoạt động cấp thiết.
Đã trao hơn 16.000 túi thuốc gia đình đến bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ
16.134 túi thuốc đã được vận chuyển bằng đường hàng không và kịp thời chuyển đến sở y tế các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Cao Bằng, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thái Bình...
Câu chuyện thương hiệu
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới