Ưu tiên các chính sách hỗ trợ
Thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Bắc Ninh đã tham gia, hưởng ứng nhiệt tình chương trình OCOP. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, đến nay, toàn tỉnh đã có 146 sản phẩm của 60 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP, đã công nhận được 75 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Sản phẩm đạt 3 sao chiếm tỷ lệ 30,7%; sản phẩm đạt 4 sao chiếm 69,3%. Các sản phẩm sau khi được công nhận đều mở rộng thị trường, phát triển hệ thống mạng lưới tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Nhằm phát huy cao hơn nữa hiệu quả của chương trình này, nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm OCOP, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phối hợp, trong đó vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển các tổ chức sản xuất được xem là giải pháp trọng tâm.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đã áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong triển khai Chương trình OCOP. Hiện nay, áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP ở Bắc Ninh đang được thực hiện rất tốt, nhất là khâu bán hàng. Hầu hết các chủ thể rất năng động, tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia nhiều kênh tiêu thụ khác nhau từ hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của tỉnh cũng như qua sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội. Để triển khai chương trình, các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia. Trong đó, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nằm trong vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và chương trình OCOP 50% chi phí đầu tư, đổi mới trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến, nghiên cứu cải tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.
Xác định Chương trình sản phẩm OCOP là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình sản phẩm OCOP, tối thiểu 150 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; triển khai 2 mô hình làng văn hoá du lịch; xây dựng 1 trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Trong đó, ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp; Có ít nhất 30% làng nghề trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề; Có ít nhất 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hành hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử;…).
Cụ thể 3 mô hình là: Mô hình sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể tại khu Viêm Xá, phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh; Mô hình sản phẩm OCOP về du lịch trải nghiệm thực tế nghề gốm Phù Lãng, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ; Mô hình sản phẩm OCOP về du lịch trải nghiệm thực tế nghề làm tranh Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành.
Tập trung phát triển theo chiều sâu
Để triển khai chương trình sản phẩm OCOP, Bắc Ninh tập trung xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP. Trên cơ sở các quy hoạch chung, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và các huyện giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tăng cường liên kết vùng, mở rộng diện tích nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ… Từ đó mời gọi, thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm OCOP hình thành các chuỗi giá trị.
Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi loại hình hoạt động của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác sang thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã. Tổ chức, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản, sản phẩm OCOP; thiết kế bao bì nhãn mác sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn.
Tiếp tục thực hiện quy trình chuẩn hóa sản phẩm theo chu trình OCOP thường niên tại Quyết định số 2132/QĐ-UBND ngày 16/11/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Xây dựng và hình thành các chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thường niên; có kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại bài bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, tập trung vào các dịp lễ hội của tỉnh, của quốc gia; phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn; tổ chức lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)…
Tiếp tục triển khai có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách của Trung ương ban hành như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các nhiệm vụ và giải pháp Chính phủ giao tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/07/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững; Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/07/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Chú trọng trong công tác xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm của các làng nghề, làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP của tỉnh; đưa thông tin về sản phẩm OCOP tích hợp vào trong hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm tỉnh Bắc Ninh (http:://check.bacninh.gov.vn); cấp tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng ứng dụng trên điện thoại smart phone.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thông tin tuyên truyền về Chương trình OCOP; xây dựng phần mềm quản lý thực hiện chương trình OCOP có các tính năng về quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, quy trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các sàn thương mại điện tử, tiếp nhận phản hồi sản phẩm OCOP từ khách hàng tới chủ thể và cơ quan quản lý Chương trình OCOP cấp tỉnh.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở các địa phương; kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP về quy trình sản xuất sản phẩm, tuân thủ tiêu chuẩn an toàn, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng biểu trưng, logo OCOP...; xử lý, thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đối với các cơ sở sản xuất không thực hiện đúng các nội dung mà Chương trình đề ra.
Đoàn Huế