Việc Công ty TNHH ĐT&XDTM Đức Bảo (Công ty Đức Bảo) “tung hoành” đổ chất thải xuống ruộng của người dân tại xã Ngọc Liệp (Quốc Oai) khiến người dân có ruộng cũng không thể trồng cấy, ruộng đồng trở thành “ruộng chết”; không những vậy nó còn có nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây.

Chất thải đổ ngập xã Ngọc Liệp (Quốc Oai, HN) - Bài 2: Cục Cảnh sát môi trường... “vòng vo”? - Hình 1

Rác thải đổ ngập ruộng trồng lúa của người dân

Người dân “kêu cứu” về việc Công ty Đức Bảo bất chấp quy định pháp luật, tiếp tục đổ chất thải xuống ruộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Bà con cũng mong muốn - cần biết được Cục Cảnh sát môi trường đã bắt quả tang 4 xe ô tô đang đổ chất thải và ra quyết định xử phạt đơn vị cho xe đổ chất thải xuống ruộng của người dân như thế nào?

Công ty Đức Bảo phải khắc phục hậu quả đối với những người có ruộng nay không thể trồng cấy được ra sao? Bên cạnh đó, phải xử lý lượng chất thải khổng lồ này như thế nào?...

Chất thải đổ ngập xã Ngọc Liệp (Quốc Oai, HN) - Bài 2: Cục Cảnh sát môi trường... “vòng vo”? - Hình 2

Xe đổ chất thải trái phép của Công ty Đức Bảo

Nhằm làm rõ những bức xúc của người dân, PV đã liên hệ với Cục Cảnh sát môi trường để tìm hiểu sự việc. Lãnh đạo Cục Cảnh sát môi trường, giao Phòng 2 trả lời và cung cấp thông tin cho cơ quan ngôn luận. Phải sau 4 lần hẹn lịch đến làm việc, PV mới có thể tiếp cận được thông tin.

Trao đổi với lãnh đạo Phòng 2, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, ngay hôm phát hiện sự việc, đối với các xe chưa kịp đổ, Cục Cảnh sát môi trường đã yêu cầu doanh nghiệp giữ nguyên hiện trạng xe chưa đổ. Sau đó, Cục đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Đức Bảo về hành vi đổ chất thải không đúng nơi quy định.

Ông Minh Tuấn cho biết: “Ngày 23/02/2017, Cục Cảnh sát môi trường ra Quyết định số 11, do Đại tá Vũ Duyên Hải – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường ký về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Đức Bảo về 2 hành vi:

Một là, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý theo quy định. Vi phạm Điểm b Khoản 6 Điều 20 Nghị định 155.

Hai là, đổ chất thải rắn sinh hoạt từ 10.000 – dưới 20.000 kg trái quy định bảo vệ môi trường. Vi phạm Điểm G Khoản 9 Điều 20 Nghị định 155.

Áp dụng cả Điều 1 Khoản 5 Nghị định 155, tổng mức tiền phạt cho cả 2 hành vi trên là 95.000.000 đồng.

Tuy nhiên, trong quyết định xử phạt, chỉ nêu số tiền Công ty Đức Bảo phải nộp là 95 triệu đồng, mà không hề nhắc đến việc khắc phục số chất thải đó ra sao? Bên cạnh đó, Công ty Đức bảo tiếp tục tái phạm lần 2 mà khi ra quyết định không hề có tình tiết tăng nặng?

Vậy, quyết định xử phạt này có thực sự khách quan hay chưa? Người dân sẽ phải chịu đựng số rác thải này đến khi nào? Nếu chất thải này ngấm xuống nguồn nước, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?...

Được biết, trước khi ra các quyết định xử phạt, đều phải tính đến biện pháp khắc phục hậu quả của các hành vi gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường để trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà quyết định của Cục Cảnh sát môi trường lại không hề đề cập đến vấn đề trên?

Trước quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Đức Bảo, PV thấy có nhiều điểm “đáng ngờ” nên đã đưa ra để trao đổi với Đội trưởng Ninh Huy Cường - người trực tiếp xử lý, cũng như tham mưu quyết định xử phạt lên lãnh đạo của Cục Cảnh sát môi trường. Tuy nhiên, vị đội trưởng này nói: “Cái này sẽ trả lời sau" (?!).

Chất thải đổ ngập xã Ngọc Liệp (Quốc Oai, HN) - Bài 2: Cục Cảnh sát môi trường... “vòng vo”? - Hình 3

Ông Ninh Huy Cường - Đội trưởng trực tiếp xử lý vụ việc

PV không khỏi bất ngờ trước câu trả lời của ông Cường, vì là người trực tiếp xử lý vụ việc, cũng như tham mưu quyết định xử phạt cho cấp trên mà lại không thể trả lời câu hỏi liên quan trực tiếp tới vụ việc và từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.

Dư luận không khỏi thắc mắc: Phải chăng, có điều gì “khó nói” nên vị đội trưởng mới từ chối cung cấp thông tin và hẹn trả lời vào dịp khác?

PV đề nghị được xin chụp lại quyết định xử phạt, nhưng lãnh đạo ôngTuấn không đồng ý.

PV hỏi: Quyết định xử phạt hành chính có phải là tài liệu mật không thể cung cấp để dư luận biết hay không?

ÔngTuấn: “không phải là tài liệu mật, nhưng phải xin ý kiến chỉ đạo…”.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tại Điểm C, Khoản 2, Điều 25 Quyền và nghĩa vụ của nhà báo – Luật Báo chí quy định: “Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”.

 

Cao Huyền – Quang Nam