Nghề rèn tại Phúc Sen phát triển mạnh, có sản phẩm đa dạng, phong phú
Nghề rèn tại Phúc Sen phát triển mạnh, có sản phẩm đa dạng, phong phú

Làng nghề truyền thống lâu đời

Làng nghề rèn Phúc Sen, một xã thuộc huyện Quảng Hòa (Quảng Uyên cũ), tỉnh Cao Bằng, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng phong cảnh non nước hữu tình, nằm trong khu vực Công viên địa chất non nước Cao Bằng.

Người dân sinh sống ở đây, chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng. Ở Phúc Sen, hiện nay vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đáng quý, tiêu biểu nhất trong số đó chính là nghề rèn dao của đồng bào nơi đây.

Tương truyền, làng nghề rèn đã có từ thế kỉ thứ XI, ban đầu là nơi sản xuất vũ khí cho Nùng Tôn Phúc và Nùng Trí Cao chống lại quân Tống. Sau chiến tranh, người dân ở đây đã chuyển sang rèn công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Nhiều gia đình làm nghề này cha truyền con nối đã hàng chục đời, sản phẩm rèn của làng làm ra luôn nổi tiếng về độ sắc và độ bền.

Trong các làng nghề truyền thống thì nghề rèn của người Nùng An hiện thu hút gần 300 lao động địa phương tham gia sản xuất. Đây là nghề phát triển mạnh, có sản phẩm đa dạng, phong phú và mang lại thu nhập cao nhất.

Hiện xã có 4 xóm: Pác Rằng, Phja Chang, Tiến Minh, Đâư Cọ làm nghề rèn với 140 lò, sản xuất theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã. Trung bình mỗi năm nghề rèn mang lại thu nhập cho địa phương hơn 18 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm nghề rèn không những tiêu thụ tại các địa phương trong và ngoài tỉnh mà còn được các hộ sản xuất theo đơn đặt hàng của phía Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển.

Theo chia sẻ của các nghệ nhân tại làng nghề, để có được một con dao hoàn chỉnh, phải trải qua qua rất nhiều công đoạn, nhưng có 4 công đoạn chính: Cắt thép và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm. Trong đó, 2 quá trình tôi thép và ram thép mới là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen nổi tiếng.

Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng và tính mài mòn cho dao, nâng cao độ bền cho dao.

Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi dưới nhiệt độ giới hạn, chỉ có những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào mầu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội.

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người dân Phúc Sen đã cải tiến một số khâu sản xuất để giảm sức lao động như sử dụng máy dập thay cho quai búa, máy mài, máy tạo khuôn… Tuy nhiên, những công đoạn quan trọng nhất vẫn phải làm thủ công.

Mặt hàng chính tại nơi đây rèn là dao, kéo, cuốc, liềm… phục vụ đời sống lao động của bà con nông dân. Chất lượng dao Phúc Sen, luôn vượt trội về độ bền và sắc bén.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng

Nằm trên cung đường lữ hành nối liền TP. Cao Bằng với thác Bản Giốc, Phúc Sen đã tận dụng được lợi thế để trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách tứ phương.

Hằng ngày, có rất nhiều đoàn khách du lịch từ trong và ngoài nước dừng chân chiêm ngưỡng kỹ năng rèn dao điêu luyện của người dân. Ai cũng thích thú, vì được tận mắt thấy những người nghệ nhân rèn ra những con dao tinh xảo, đủ mẫu mã.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng là hướng đi được xã Phúc Sen hướng đến trong giai đoạn hiện nay. Để các làng nghề đáp ứng được mục tiêu vừa bảo tồn vừa gắn kết với du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xã tiếp tục có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển làng nghề đi đôi với thực hiện Chương trình OCOP (“Mỗi xã một sản phẩm”).

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xã xác định làng nghề là một những tiềm năng, thế mạnh cần tiếp tục được đầu tư mở rộng về quy mô sản xuất.

Xã xây dựng kế hoạch phát triển gắn với du lịch cộng đồng; xây dựng môi trường du lịch văn hóa làng nghề thông qua một số hoạt động như giáo dục ý thức cho cộng đồng dân cư về văn hóa giao tiếp; phối hợp mở các lớp tập huấn nhằm trang bị cho cán bộ địa phương và Nhân dân những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong hoạt động du lịch; nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ du lịch, hoạt động sản xuất làng nghề.

Địa phương tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu để hỗ trợ người dân phát triển làng nghề; chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết cung ứng đảm bảo nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; xây dựng các mô hình làng nghề, dịch vụ du lịch cộng đồng tiêu biểu để tạo sức lan tỏa và nhân rộng tại địa phương.

Hà Trần