Thời gian qua, nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành chế biến, xuất gỗ Việt Nam cả về xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Bình quân, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 - 4,5 triệu mét khối gỗ quy tròn các loại, gồm các loại gỗ rừng tự nhiên với kim ngạch nhập khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.
Mặc dù ngành gỗ Việt Nam đang tiếp tục được mở rộng nhưng hội nhập thị trường quốc tế luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu. Một trong những rủi ro lớn là sự pha trộn các nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu, thường là gỗ có nguồn gốc từ một số nước tiểu vùng sông Mekong (Lào, Campuchia) và châu Phi, tác động tiêu cực và ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Việc pha trộn các nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu tác động tiêu cực và ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) ra tuyên bố chung về việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đồng thời ký cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp. Sự kiện này diễn ra tại cuộc hội thảo "Ngành Gỗ Việt Nam nói không với gỗ bất hợp pháp" diễn ra chiều 26/5 tại Hà Nội cùng sự phối hợp của tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ).
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch VIFORES, bản tuyên bố này được ký kết trong bối cảnh ngành công nghiệp chế biến gỗ nói riêng và ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung đang hội nhập sâu với kinh tế quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA FLEGT được Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và EU ký tại Brussels vào ngày 11/ 5/ 2017.
Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (gọi là mặt hàng gỗ) của Việt Nam đạt gần 7 tỷ USD, nằm trong số các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước. Các mặt hàng gỗ của Việt Nam hiện đang được tiêu thụ tại nhiều thị trường, trong đó Hoa Kỳ và EU là 2 trong số các thị trường quan trọng nhất.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa là một trong những hợp phần quan trọng của ngành gỗ Việt. Với dân số trên 90 triệu dân và một tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở nhiều địa phương, quy mô tiêu thụ các mặt hàng gỗ tại thị trường nội địa được cho là rất lớn.
Tuy nhiên ngành gỗ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó rủi ro đang phải đối mặt là sự pha trộn các nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Đó thường là gỗ có nguồn gốc từ một số quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông và Châu Phi với các nguồn gỗ nguyên liệu sạch, được nhập khẩu từ các quốc gia như Hoa Kỳ và EU.
Theo chuyên gia Tô Xuân Phúc, việc các DN ngành gỗ nói “không” với gỗ bất hợp pháp không chỉ là yêu cầu cấp bách, giúp xây dựng và phát triển thương hiệu và hình ảnh của ngành Gỗ Việt, duy trì ổn định thị trường xuất khẩu mà còn là đòi hỏi bắt buộc đối với toàn ngành gỗ bởi khi áp dụng VPA (Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ) trong tương lai đòi hỏi tất cả các mặt hàng gỗ được xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa phải là các sản phẩm hợp pháp, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường, xã hội và kinh tế.
Đề cập đến những vấn đề khó khăn khi thực thi VPA, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, nguồn cung các mặt hàng được làm từ các loại gỗ quý được xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không thể tồn tại. Việc sản xuất kinh doanh tại các làng nghề gỗ truyền thống tại Đồng Kỵ (Bắc Ninh); Liên Hà, Vạn Điểm (Hà Nội); La Xuyên (Nam Định); Hố Nai (Bình Dương) có thể bị đảo lộn.
“Đây là vấn đề rất cấp bách, đòi hỏi Chính phủ và ngành gỗ cần có những đánh giá chi tiết về các tác động từ việc thực thi VPA có thể đem lại trong tương lai, đặc biệt là các tác động tiêu cực với các làng nghề gỗ truyền thống” – ông Quyền nhấn mạnh.
Ngọc Linh