Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã, bà Dilma Rousseff, Chủ tịch Ngân hàng phát triển mới (NDB) nhận định, các nước Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) là những nền kinh tế mạnh mẽ với tiềm năng và cơ hội tăng trưởng lớn.
Bà Rousseff cho biết, BRICS là một thị trường mới nổi quy mô lớn với năng lực kinh tế đáng kể.
Hơn 30 quốc gia đã bày tỏ quan tâm muốn gia nhập khối, bao gồm Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan.
Người đứng đầu NDB nhấn mạnh, việc thành lập thể chế tài chính này và ký kết Thỏa thuận dự trữ dự phòng BRICS (CRA) là cần thiết để các nước đang phát triển có cơ chế và công cụ tài chính phù hợp. NDB đặt mục tiêu đảm bảo đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ sở hạ tầng, xã hội, khoa học và y tế.
Ngân hàng cũng hoạt động như một nền tảng hợp tác quốc tế, củng cố vị thế của các nước trong nhóm trên trường quốc tế và đại diện cho lợi ích của họ.
Kể từ khi thành lập, NDB đã đầu tư khoảng 35 tỷ USD vào nhiều lĩnh vực và đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu.
Ngày 23/10, báo chí Trung Đông dẫn đánh giá của giới chuyên gia cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - theo đổi mục tiêu tham gia BRICS rõ ràng có động cơ kinh tế và phù hợp với mong muốn của Ankara về “quyền tự chủ chiến lược”.
Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã đề nghị gia nhập BRICS. Nếu được thừa nhận, Ankara sẽ trở thành thành viên NATO đầu tiên được kết nạp vào khối được coi là đối trọng với các cường quốc phương Tây.
Chuyên gia Sinan Ulgen tại Viện nghiên cứu Carnegie Châu Âu nhận xét: “Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục tăng cường quan hệ với các quốc gia không phải là thành viên của liên minh phương Tây, phù hợp với quyền tự chủ chiến lược mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi”.
Theo ông, một phần trong quyết định gia nhập BRICS của Ankara cũng mang mục đích kinh tế vì bước đi này được kỳ vọng sẽ tạo ra tác động tích cực đến quan hệ kinh tế song phương.
Theo Tân Hoa xã, Reuters