Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về dự thảo Luật thuế tài sản. Bộ Tài chính rất hoan nghênh, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhân dân cả nước về dự thảo luật này để trình Chính phủ. Nếu Chính phủ thông qua sẽ báo cáo Quốc hội thông qua.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đề xuất xây dựng Luật Thuế Tài sản được Bộ Tài chính xây dựng trên cơ sở các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ.
Cụ thể, đề xuất được xây dựng dựa trên cơ sở "Chiến lược cải cách thuế giải đoạn 2011-2020"; Đề án của Chính phủ về huy động, khai thác nguồn lực đất đai; Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Ngoài ra còn cả Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2016-2020, trong đó nêu rõ yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật về thuế tài sản bao gồm cả đất đai…
Đề xuất thuế tài sản được xây dựng nhằm mục tiêu "tăng cường quản lý nhà nước về tài sản, nâng cao hiệu quả, đặc biệt là đất đai, hạn chế lãng phí tài sản công, minh bạch, giải pháp phòng chống tham nhũng, mở rộng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), trong giai đoạn tiếp theo".
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: "Chúng tôi xây dựng dự thảo Luật vừa rồi để xin ý kiến nhân dân. Nó sẽ đóng góp nhiều vào công tác phòng ngừa, phòng chống tham nhũng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, hạn chế sử dụng tài sản công, nâng cao minh bạch, góp phần nâng cao NSNN, cơ cấu lại nguồn thu NSNN".
Bộ trưởng cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam phải cắt giảm một số sắc thuế quan trọng, cộng thêm giá dầu giảm sâu trong thời gian qua đặt ra yêu cầu phải mở rộng nguồn thu. Song song với đó là giải pháp tiết kiệm chi ngân sách, đặc biệt giảm chi thường xuyên để có tiền chi cho đầu tư phát triển.
"Thời gian qua, chúng ta đã tiết kiệm các khoản chi cho hội nghị, hội thảo, thực hiện khoán xe công... Thời gian tới, chúng ta phải thực hiện tinh giản bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị công lập. Để làm được như vậy phải có sự vào cuộc của các ngành, các cấp. Như vậy mới có thể có nguồn thu cho đầu tư, phát triển, an sinh xã hội", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bộ Tài chính đã làm gì để giảm chi, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đang thực hiện một số giải pháp như khoán xe công trong 2 năm qua. Cơ quan Bộ đã giảm 27 đầu xe, sắp xếp các đơn vị chức năng trong Bộ với tinh thần không tăng thêm biên chế.
Cụ thể, tiến hành rà soát, sắp xếp lại cơ quan thuộc Kho bạc Nhà nước (KBNN), năm nay sẽ giải thể, sáp nhập 43 kho bạc các tỉnh, thành phố. Về sắp xếp hệ thống thuế trong 3 năm tới, chúng tôi sẽ sắp xếp lại theo phương án liên vùng, huyện, thị xã. Năm 2018, sẽ sắp xếp từ 327 chi cục còn 154 chi cục thuế ở các huyện, thị xã. Năm 2019 sắp xếp 53 chi cục huyện, thị xã thành còn 25 chi cục. Năm 2020, sắp xếp 168 chi cục thuế quận huyện thành còn 78 chi cục.
"Trong quá trình sắp xếp thực hiện sẽ tiếp tục tinh giản đầu mối các chi cục thuế để làm sao chỉ còn Chi cục thuế theo khu vực. Quá trình thực hiện sẽ tiếp tục rà soát, số lượng chi cục thuế được sắp xếp sẽ còn lớn hơn số được duyệt", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Hương Thủy (Nguồn: VOV)