Được biết, cửa khẩu Chi Ma là cửa khẩu chính thức góp phần thực hiện chủ trương hướng các doanh nghiệp vào hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch.

Bộ Công Thương: Kiến nghị nhập dược liệu qua cả cửa khẩu quốc tế và song phương - Hình 1

Bộ Công Thương kiến nghị nhập dược liệu qua cả cửa khẩu quốc tế và song phương

Theo quy định tại khoản 7 Điều 91 Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược thì mặt hàng dược liệu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế. 

Quy định này buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Hữu Nghị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, dẫn đến chi phí tăng và về lâu dài có thể tiềm ẩn rủi ro gia tăng nhập khẩu không chính ngạch cũng như nguy cơ buôn lậu đối với mặt hàng này. 

Do đó, Bộ Công Thương vừa có văn bản số 9463/BCT-XNK gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, sửa đổi quy định tại khoản 7 Điều 91 Nghị định 54/2017/NĐ-CP theo hướng cho phép nhập khẩu dược liệu qua cả cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu song phương.

Theo văn bản của Bộ Công Thương nêu rõ: Theo công văn số 983/BND-KTTH ngày 10/10/2018 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xin thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma, Chi Ma là một trong những cửa khẩu quan trọng nhất của Lạng Sơn. Cửa khẩu này đã được đầu tư cơ sở hạ tầng và chính thức công nhận là cửa khẩu song phương Việt Nam-Trung Quốc vào ngày 10/9/2018.

Ngọc Linh