Dựa trên dữ liệu thu thập từ ngày 28/6 - 11/7, hai cơ quan trên cho biết, biến thể Delta hiện đã có mặt ở 19/28 nước châu Âu với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. Trong khi đó, biến thể Alpha chỉ chiếm 22,3% các xét nghiệm dương tính.

Trước tình hình này, WHO, châu Âu và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cùng kêu gọi, các quốc gia trong khu vực "tăng cường nỗ lực" để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể COVID-19. WHO khuyến nghị, các Chính phủ cần tăng cường khả năng tiếp cận xét nghiệm miễn phí, đẩy nhanh truy vết để phá vỡ những chuỗi lây nhiễm, đảm bảo tiêm phòng cho đối tượng có nguy cơ cao nhất và khuyến khích cách ly với các trường hợp tiếp xúc hoặc đã được xác nhận dương tính với COVID-19.

Biến thể Delta đã lây lan trên 70% lãnh thổ châu Âu
Biến thể Delta đã lây lan trên 70% lãnh thổ châu Âu.

Hiện biến thể Delta đang khiến dịch COVID-19 gia tăng trở lại trên thế giới, số ca lây nhiễm ở châu Âu tăng 26%, trong khi ở Mỹ tăng tới 60%.

Theo dự báo mới nhất do ECDC công bố hôm 23/7, số ca mắc mới ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng và có thể cao hơn gấp đôi trong 4 tuần tới, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Hiện ECDC đang đặc biệt quan tâm tới tình hình dịch bệnh ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Malta và Cộng hòa Cyprus.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Delta sẽ sớm trở thành biến thể lây nhiễm chính trên toàn cầu. Trong 2 tuần đầu tháng 8, tổng số ca nhiễm COVID-19 của thế giới được dự báo sẽ tăng lên mức trên 200 triệu người. Thống kê trong 1 tháng trở lại đây, mỗi tuần trung bình ca nhiễm mới trên thế giới tăng 12%, cao nhất là ở 2 khu vực Tây Thái Bình Dương và châu Âu.

Trong số tất cả những ca nhiễm được giải mã trình tự gene trên thế giới, 75% là biến thể Delta. Tốc độ lây nhiễm của làn sóng hiện tại nhanh hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước kia. Nguyên nhân là do biến thể mới, nới lỏng hạn chế quá sớm và cả tiêm chủng chưa đồng đều.

Trúc Mai