Bất chấp đại dịch, kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì kết quả ấn tượng
Những tháng đầu năm 2021 đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, nền kinh tế tiếp tục duy trì những kết quả quan trọng, ấn tượng và toàn diện. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng khá nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Những kết quả đạt được
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa có Tờ trình Số 3332/TTr-BKHĐT gửi Chính phủ về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, 5 tháng và dự báo 6 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, về công tác điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Trong bối cảnh khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm tiếp tục có những kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất, tỷ giá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước. CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá trong mục tiêu dưới 4% đã đề ra. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định. Tín dụng phục hồi, tăng 4,67% so với cuối năm 2020, cao hơi mức tăng cùng kỳ của năm 2020 (1,22%). Mặt bằng lãi suất cho vay giảm, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được đảm bảo. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 49,7% dự toán năm, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 5 tháng ước đạt 33,5% so cùng kỳ năm 2020.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các hoạt động đều có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2020, đặc biệt năng suất, sản lượng lúa đông xuân đều tăng, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt, sản lượng thuỷ sản tăng 2,6%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2020. Sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ 2020 là 3,2%). Hoạt động thương mại và dịch vụ trong nước đạt kết quả khả quan, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,7).
Hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công ghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ. Hoạt động thu thập, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích cực triển khai... Đây là những bước tiến mạnh mẽ, thể hiện rõ nét quyết tâm xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ số, kinh tế số, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm chỉ đạo, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Tình hình an sinh xã hội, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định, từng bước nâng lên. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hoá, đối ngoại quan trọng của đất nước. Trọng tâm là đã bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của đất nước. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc... khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng, chủ động, tích cực của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Dự báo một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm
Theo Bộ KHĐT, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 1,31 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (kịch bản là 7,11%) và thấp hơn 1,39 điểm phần trăm so với mục tiêu tăng trưởng 6 tháng theo kịch bản cập nhật thời điểm quý I/2021 (tăng 7,19%).
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản dự báo tăng trưởng khoảng 3%. Sản lượng lúa dự báo tăng cả về năng suất và sản lượng. Sản lượng thịt hơi dự báo tăng 6,3%, trong đó sản lượng thịt lợn tăng 6,1%. Sản lượng thuỷ sản dự báo tăng 2,1%.
Sản xuất công nghiệp – xây dựng dự báo tăng trưởng khoảng 7,8%. Dự báo sản lượng sản phẩm các ngành dệt may, da giày, ô tô có mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, sản lượng các sản phẩm điện tử (các sản phẩm chủ lực đóng góp hàng đầu trong hoạt động xuất khẩu) dự báo chỉ đạt mức tăng thấp hoặc giảm.
Khu vực dịch vụ dự báo tăng trưởng khoảng 5%. Dự báo tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội dự báo tăng khoảng 7,1%.
Hoạt động của doanh nghiệp dự báo còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%). Dự báo xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao.
Bên cạnh đó, Bộ KHĐT cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại như: Tốc độ tăng trưởng quý I chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI cao. Cán cân thương mại chuyển dịch từ xuất siêu sang nhập siêu, hàng hoá xuất nhập khẩu bị ùn ứ. Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 23%, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
Theo Bộ KHĐT, nhiệm vụ trước mắt và những tháng cuối năm còn rất nặng nề, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Để phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu của Quốc hội giao năm 2021, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:
Tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh.
Cần tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp.
Điều hành đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển sản xuất, ổn định thị trường, phòng ngừa rủi ro. Theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là hiện tượng tăng giá các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong thời gian qua để phân tích, dự báo, rà soát kịch bản tăng trưởng, kịp thời đề xuất các giải pháp kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá thiết yếu, ổn định giá cả thị trường. Đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, không để ảnh hưởng tới thương mại quốc gia, bảo vệ phù hợp sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng logistic, giao thông, năng lượng. Tích cực triển khai kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic Việt Nam đến năm 2025.
Phát triển đồng bộ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng phát huy giá trị văn hoá và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội...
Bùi Quyền
Tin mới
Bigo Live chung vui cùng người cao tuổi nhân dịp Tết Trung thu
Nhân dịp Tết Trung thu, nền tảng phát hình trực tiếp (live streaming) hàng đầu thế giới Bigo Live đã mang đến niềm vui ấm áp cho các cụ già tại Mái Ấm Diệu Pháp, TP. Hồ Chí Minh.
Long An: Triển vọng nhà ở cho người có thu nhập thấp
Nhiều công nhân, lao động (CNLĐ) sống tại các khu nhà trọ thiếu an ninh, an toàn, giá thuê phòng thường xuyên tăng... Vì vậy, họ mong muốn có nhà ở dành cho người có thu nhập thấp để ổn định cuộc sống, an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với địa phương. Trước nhu cầu thực tế, tỉnh Long An có những dự án (DA) phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), trong đó một số DA hoàn thành, phát huy hiệu quả.
BIDV nhận giải thưởng “Ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam”
Tại Singapore, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa được vinh danh với giải thưởng “Vietnam’s Best Digital Bank” (Ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam).
Bạc Liêu: Tăng cường công tác phòng chống ngập úng, triều cường, bảo vệ sản xuất nông nghiệp
Trước diễn biến thất thường của thời tiết, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban ban hành Công văn 3723, ngày 16/9/2024 chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương tăng cường công tác phòng chống ngập úng, triều cường, bảo vệ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Cơn bão số 4 sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Từ sáng 17/9, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9 (75-88km/h), biển động.
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh kiến nghị họp khẩn giải quyết gần 9.000 hồ sơ đất đai tồn đọng
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị khẩn đến UBND TP. Hồ Chí Minh về việc tổ chức cuộc họp để giải quyết gần 9.000 hồ sơ còn tồn đọng từ ngày 1/8/2024.
Câu chuyện thương hiệu
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM
MobiFone trao tặng hàng trăm phần quà tận tay người lao động, hỗ trợ dạy học trực tuyến mùa bão lũ
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%