Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm
Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm

Kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm

Theo đó, trong tháng 11, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố duy trì sự ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Giá xăng vẫn giữ mức bình ổn trong khi giá vàng có nhiều biến động, tăng chạm đỉnh rồi giảm nhanh, do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế toàn cầu.

Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm qua tuyến đường hàng không Nội Bài vẫn diễn ra phức tạp. Cục Hải quan thành phố phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ 25.800 gam ma túy tổng hợp.

Trên địa bàn nội địa, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, nhất là vào thời điểm cuối năm 2024. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là quần áo thời trang, tất, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng ô tô...

Điển hình, ngày 30/10, Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp Công an huyện Hoài Đức kiểm tra, phát hiện 37.000 chiếc nhãn mác, 35.450 đôi tất chân giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam; Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của Ban Chỉ đạo 389 thành phố phát hiện hành vi kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, hàng hóa tạm giữ gồm 11.900 sản phẩm tất chân giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố tiếp tục thực hiện: Kế hoạch số 111/KH-BCĐ389 ngày 22/11/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua cảng hàng không quốc tế; Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 ngày 13/09/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 9/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trọng tâm gồm các kế hoạch, văn bản: Kế hoạch số 03/KH-BCĐ389/TP ngày 29/2/2024 của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội năm 2024; Kế hoạch số 04/KH-BCĐ389/TP ngày 14/3/2024 của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố về tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024; Thông báo kết luận số 339/TB-VP ngày 29/7/2024 của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố tại Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn Hà Nội; triển khai thực hiện Kế hoạch số 10/KH-BCĐ389/TP ngày 18/10/2024 của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố về kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn...

Kết quả, trong tháng các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố thanh tra, kiểm tra 2.012 vụ, xử lý 1.801 vụ vi phạm (hàng lậu 171 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 142 vụ, gian lận thương mại 1.488 vụ); xử lý hành chính 1.795 vụ; khởi tố 6 vụ đối với 19 bị can. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 415,404 tỷ đồng.

Công chức
Công chức Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa

Đạt nhiều kết quả tích cực

Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố, Chu Xuân Kiên cho biết, trong những kết quả đạt được của các lực lượng chức năng thành phố, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, tham mưu Trưởng ban Chỉ đạo 389 Thành phố triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND Thành phố; theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, lĩnh vực và địa bàn được giao.

Trong tháng, Cục Quản lý thị trường thành phố thanh tra, kiểm tra 359 vụ, xử lý hành chính 355 vụ; xử phạt hành chính gần 3,9 tỷ  đồng; trị giá hàng vi phạm gần 3 tỷ đồng.

Công an thành phố, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng để xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm tàng trữ, sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử và các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong tháng, Công an thành phố kiểm tra 123 vụ, xử lý hành chính 131 vụ (xử lý 8 vụ tồn); xử phạt vi phạm hành chính 1,415 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế gần 16 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm 21,170 tỷ đồng. Khởi tố 6 vụ, 19 bị can.

Cục Hải quan thành phố, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, trị giá hàng hóa lớn, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển, đầu tư, gia công, sản xuất, xuất khẩu; hoạt động xuất nhập cảnh nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trong tháng, Cục Hải quan Hà Nội phát hiện, bắt giữ, xử lý 183 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 14,9 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm 11,9 tỷ đồng.

Các sở, ngành thành viên khác trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, lĩnh vực quản lý.

Nguyễn Kiên