Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2019 ước tính đạt 24,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng 9/2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,5 tỷ USD, giảm 2,7%. So với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10 tăng 10,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 21,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,3%.
Ảnh minh họa
Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,6%). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 77,38 tỷ USD, giảm 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 133,16 tỷ USD, tăng 7,8%.
Như vậy, trong tháng 10, kim ngạch nhập khẩu đã có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ, cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị kế hoạch sản xuất phục vụ cho nhu cầu cuối năm. Trong 10 tháng năm 2020, có 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện đạt 51,3 tỷ USD (chiếm 24,4% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 29,8 tỷ USD, giảm 0,6%; điện thoại và linh kiện đạt 12,6 tỷ USD, tăng 4%; vải đạt 9,5 tỷ USD, giảm 13%; sắt thép đạt 6,7 tỷ USD, giảm 17%; chất dẻo đạt 6,7 tỷ USD, giảm 10,7%; sản phẩm chất dẻo đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9,6%; kim loại thường đạt 4,8 tỷ USD, giảm 8,9%; ô tô đạt 4,8 tỷ USD, giảm 21,5%; sản phẩm hóa chất đạt 4,6 tỷ USD, tăng 3,3%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 4,4 tỷ USD, giảm 10,9%; hóa chất đạt 4 tỷ USD, giảm 6%.
Nhóm hàng cần nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2020 ước đạt 186,24 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 88,45% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 20,2%; điện thoại các loại cũng tăng 4%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 9,6%; sản phẩm hóa chất tăng 3,3%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất khác lại giảm như: Vải các loại giảm 13%; sắt thép các loại giảm 17,0%; nguyên, phụ liệu dệt may giảm 10,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 3,3%...
Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chính trong nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng giảm khá mạnh so với 10 tháng năm 2019, ước đạt 13,07 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Rau quả giảm 30,5%; bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm 11,1%; ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 26,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 8%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 10 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 65,8 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 5,3%; thị trường ASEAN đạt 24,4 tỷ USD, giảm 8,5%; Nhật Bản đạt 16,5 tỷ USD, tăng 2,5%; thị trường EU đạt 11,8 tỷ USD, tăng 4,2%; Hoa Kỳ đạt 11,6 tỷ USD, giảm 2,4%.
Minh Anh