THCL - 2016 là một năm ghi dấu nhiều sự kiện y tế nổi bật, trong đó không thể không kể đến hệ thống y tế cơ sở - đã và đang thay da đổi thịt từng ngày.

 Nhờ những quyết sách hợp lý và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, ngành y tế đã cơ bản giảm được tình trạng quá tải ở một số chuyên khoa “nóng” cho các BV tuyến trên.

Nhiều BV tuyến huyện, tuyến tỉnh đã cứu sống các bệnh nhân “thập tử nhất sinh”, hơn nữa, các bác sỹ còn hiến máu, góp tiền giúp đỡ các bệnh nhân khó khăn... Những hành động cao đẹp đó như những mảng ghép làm nên một bức tranh cuộc sống sinh động, ý nghĩa về những người thầy thuốc trong sứ mệnh cứu người.

Y tế địa phương: Những điểm sáng - Hình 1 

 Bệnh nhân bị bắn 20 viên đạn “găm” vào lồng ngực - được các bác sỹ BVĐK Tuyên Quang cứu sống ngoạn mục

 Những ca bệnh ghi dấu trình độ bác sỹ ở địa phương

 Chiều 27/4/2016, có lẽ là ngày vô cùng đặc biệt đối với kíp bác sỹ khoa Ngoại tổng hợp - BVĐK tỉnh Tuyên Quang khi tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Và cho đến bây giờ, trong ký ức BSCKI Vương Ngọc Chắt - Khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK tỉnh Tuyên Quang vẫn không thể quên ca cấp cứu “để đời” của mình cùng kíp bác sỹ của BV khi gặp trường hợp bệnh nhân bị 20 viên đạn “găm” vào lồng ngực.

Vết đạn có ở khắp nơi ngực, bụng, chấn thương tim, bệnh nhân thì mất máu nhiều, tràn khí màng phổi, tình trạng hết sức nguy kịch. Bệnh nhân cần phải được mổ cấp cứu nếu không tính mạng khó bảo tồn.

Trước tình trạng đó, các bác sỹ Khoa Ngoại tổng hợp đã ngay lập tức thực hiện mổ cấp cứu khâu lại những vết thương tim, ruột dẫn lưu màng phổi phải, truyền máu - truyền dịch kịp thời và bệnh nhân thoát cửa tử. Ca mổ kéo dài 5 giờ liền, bằng sự tận tâm hết lòng vì người bệnh, các thầy thuốc BVĐK Tuyên Quang đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành ca phẫu thuật và bệnh nhân đã thoát cửa tử.

Sau sự việc trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kịp thời gửi thư khen ngợi kíp bác sỹ tham gia cấp cứu bệnh nhân. Và chỉ sau khi cứu sống trường hợp bệnh nhân C. chưa đầy 1 tháng thì ngày 23/5, các bác sỹ Khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK Tuyên Quang lại tiếp tục phẫu thuật thành công lấy 17 viên đạn ra khỏi cơ thể bệnh nhân Quan Văn Dựng (46 tuổi, thường trú tại K2, Thượng Lâm, Lâm Bình, Tuyên Quang…).

2016 cũng là năm rất thành công với đội ngũ bác sỹ BVĐK Trung ương Cần Thơ nói chung và Khoa Can thiệp tim mạch của BV nói riêng khi các thầy thuốc ở đây đã 3 lần giành giật với tử thần để cứu sống 3 bệnh nhân đều bị các biến chứng về tim mạch là nhồi máu cơ tim nặng. Đáng nói, cả 3 bệnh nhân khi nhập viện đều đã ngưng tim, ngưng thở, cá biệt có bệnh nhân ngưng đến 4 lần.

Bệnh nhân may mắn ngưng thở 4 lần vẫn được cứu sống là Hồ Tấn Lai (60 tuổi, ở Sóc Trăng) và Trần Văn Kha (60 tuổi, quê Vĩnh Long) cùng được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, 30 phút sau đột ngột ngưng tim, ngưng thở. BS. Nguyễn Minh Nghiêm - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BVĐK TW Cần Thơ cho biết, trong 2 tháng, các bác sỹ BV đã cứu sống 3 bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở…

Ngoài ra, còn rất nhiều ca chấn thương nghiêm trọng cũng được các bác sỹ BV cứu sống thành công. Sự tận tâm cùng với tấm lòng hết lòng vì người bệnh - đã giúp BV là điểm đến tin cậy của bà con vùng sông nước Cửu Long…

Y tế địa phương: Những điểm sáng - Hình 2 

 Bệnh nhân ngừng tim 4 lần được cứu sống

 Những chấn thương ở vùng bụng như vỡ gan, dập phổi, nát thận… trước đây hầu hết bệnh nhân phải chuyển tuyến và nguy cơ tử vong cao, tuy nhiên giờ đây, các thầy thuốc ở nhiều BV tuyến tỉnh, thậm chí tuyến huyện đã có thể xử trí rất tốt và cứu sống nhiều bệnh nhân.

Tiêu biểu như trường hợp bệnh nhân Lê Văn Hùng (41 tuổi, ngụ thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng) bị chấn thương nặng vùng bụng vỡ gan, dập phổi, đồng tử giãn…, nguy cơ tử vong rất cao. Song bệnh nhân đã được các bac sỹ của BVĐK khu vực Định Quán, Đồng Nai mổ cấp cứu và cứu sống.

Trong 4 giờ phẫu thuật, kíp mổ đã tháo ổ bụng, phát hiện bệnh nhân bị vỡ gan, dập phổi, tràn máu màng phổi và dập nát thận phải, cơ hoành của bệnh nhân cũng bị vỡ.

Điều đáng nói, ban đầu bệnh nhân được chuyển từ Lâm Đồng lên thẳng BV Chợ Rẫy, tuy nhiên, khi đến địa phận huyện Định Quán (Đồng Nai) thì bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch. Vì thế, bệnh nhân được chuyển vào BVĐK khu vực Định Quán, bằng sự tận tâm và dốc lòng vì người bệnh, các bác sỹ BVĐK khu vực Định Quán đã cứu sống bệnh nhân một cách ngoạn mục trong sự khâm phục và ngỡ ngàng của gia đình.

Không chỉ chữa bệnh cứu người, các bác sỹ còn kêu gọi các nhà hảo tâm và tự mình quyên góp ủng hộ tiền để bệnh nhân chữa bệnh. Đó là hình ảnh đẹp của các bác sỹ BVĐK khu vực Cẩm Phả khi các bác sỹ của BV này đã vừa cứu sống bệnh nhân bị tai nạn giao thông sốc đa chấn thương nặng, vỡ gan, vỡ thận phải, dập phổi phải, tràn dịch màng phổi hai bên, gãy xương cẳng tay phải, mất máu nghiêm trọng…

Bệnh nhân là người dân tộc Dao, bố mẹ không biết tiếng Kinh, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Các bác sỹ của BV này đã tự nguyện hiến máu, kêu gọi ủng hộ để bệnh nhân có tiền điều trị…

Nhiều kỹ thuật cao được thực hiện thành công

Với mục tiêu tất cả người dân đều được chăm sóc sức khỏe một cách công bằng nhất, được hưởng mọi kỹ thuật cao ngay tại quê nhà. Theo đó, năm qua, hàng trăm kỹ thuật cao đã được các BV tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện thành công ở các chuyên khoa như ngoại - chấn thương chỉnh hình, ung bướu, các kỹ thuật cấp cứu nhi khoa, hồi sức tích cực…

Nếu như trước đây, kỹ thuật phẫu thuật khớp gối, khớp háng, bệnh nhân thường đặt niềm tin đặc biệt ở các bác sỹ tuyến Trung ương và thường đổ dồn về các thành phố lớn thì hiện nay, tình trạng ấy đã giảm rất nhiều.

Nhiều người bệnh đã không phải vượt đường xá xa xôi để lên tận BV Việt Đức hay BV Chợ Rẫy để xếp hàng nằm chờ được phẫu thuật, mà ngay tại địa phương họ sinh sống, các bác sỹ đã có thể thực hiện được thành thạo và thường quy.

Bên cạnh đó, nhiều BV tuyến huyện đã thực hiện được các phẫu thuật khó như phẫu thuật sọ não, phẫu thuật nội soi một lỗ, phẫu thuật thay khớp háng hoàn toàn, phẫu thuật nội soi khớp gối… như BVĐK huyện Mộc Châu, Sơn La; Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà, Quảng Ninh…

Bên cạnh đó, kỹ thuật chạy thận nhân tạo cũng về đến tuyến huyện giúp cho những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo đỡ vất vả hơn trong cuộc chiến gian nan chữa bệnh… như ở Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn; BVĐK huyện Simacai, Lào Cai, Trung tâm Y tế Đại Từ - Thái Nguyên…

Y tế địa phương: Những điểm sáng - Hình 3

 Hai cháu bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm của khu vực miền núi trung du phía Bắc

Một trong những dấu ấn quan trọng nhất của y tế địa phương là sự phát triển mạnh về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở tuyến tỉnh, tuyến huyện. Bền bỉ, kiên trì và không ngừng hi vọng đi tìm cho mình một tiếng cười con trẻ có lẽ là hành trình đầy gian nan của các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Nếu như trước đây, mọi hi vọng đổ dồn về các trung tâm sản khoa lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay BV Trung ương Huế thì giờ đây, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã không còn phải khăn gói đi xa, bởi nhiều BV sản nhi tuyến tỉnh đã bước đầu thực hiện được những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản từ đơn giản đến phức tạp.

Trong đó, rất nhiều BV địa phương đã chào đón các em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo như BV Sản nhi Bắc Ninh, BVĐK tỉnh Phú Thọ, BV Sản nhi Quảng Ninh, BVĐK huyện Mộc Châu, Sơn La…

Đáng lưu ý, đầu tháng 12/2016, BV A Thái Nguyên đã chào đón 3 em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF - đây chính là BV đầu tiên của 15 tỉnh thuộc khu vực miền núi trung du phía Bắc thực hiện thành công kỹ thuật này. Sự kiện đã mở ra niềm hy vọng mới cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn ở các tỉnh của khu vực này…

Sự nỗ lực của các bác sỹ ở tuyến dưới đã và đang mang đến niềm vui, đặc biệt là sự tin tưởng của người bệnh về trình độ tay nghề của các bác sỹ nơi địa phương mình sinh sống.

Linh Tuệ - suckhoedoisong.vn