Xuất khẩu năm 2023 cần theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động đánh giá các tác động đến sản xuất
Dự báo xuất khẩu cả năm 2022 vượt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra (chỉ tiêu là hơn 8%), có thể đạt 372-374 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với năm 2021, đồng thời khả năng xuất siêu cả năm có thể đạt 10-12 tỷ USD.
Đó là những nhận định của Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu năm 2022 và kế hoạch cần phải thực hiện trong năm 2023 nhằm duy trì sự tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới.
Dự báo xuất siêu đạt 10-12 tỷ USD
- Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó có hoạt động xuất, nhập khẩu. Bà có thể phân tích rõ hơn về những tác động này?
- Từ tháng 03/2022 đến nay, kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát, lãi suất tăng, sức cầu hàng hóa giảm. Ngoài ra, xung đột quân sự trên thế giới diễn ra khiến chuỗi cung ứng trên thị trường tiếp tục bị đứt gãy, đặt ra nhiều rủi ro về nguồn cung nguyên liệu, bảo đảm an ninh năng lượng. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt với các nguyên, vật liệu trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
- Dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng ấn tượng. Theo bà, những điểm sáng của hoạt động xuất khẩu 11 tháng qua là gì?
- Tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 được duy trì, trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn. Nhờ đó, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2022 ước đạt 342,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021; xuất siêu ước đạt 10,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch tích cực. Kim ngạch nhóm hàng công nghiệp, chế biến ước đạt 294,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu chung.
Tất cả các thị trường đều phục hồi so với năm 2021. Trong đó, các thị trường là đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam có tăng trưởng ở mức cao, như: Liên minh Châu Âu (EU) tăng 23,5%; khu vực Đông Nam Á tăng 23,3%…
- Xin bà cho biết kết quả nêu trên có được là do đâu? Trong đó, Bộ Công Thương đã đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn như thế nào?
- Kết quả trên có được nhờ khả năng thích nghi, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp; nhờ các bộ, ngành đồng hành tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy thực thi hiệu quả các FTA đã ký kết. Xuất khẩu tăng cao thể hiện tính đúng đắn, kịp thời của chủ trương “bình thường mới”, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 để sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội phục hồi của thị trường thế giới.
Trong đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh khai thác các FTA, phổ biến, triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung. Bộ cũng tăng cường kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Điểm mới nữa là Bộ đã định kỳ tổ chức hội nghị giao ban giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
- Bà dự báo thế nào về kết quả xuất khẩu của cả năm 2022?
- Trong quá trình điều hành, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu đạt kết quả tích cực. Dự báo xuất khẩu cả năm 2022 vượt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra (chỉ tiêu là hơn 8%), có thể đạt 372-374 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với năm 2021, đồng thời khả năng xuất siêu cả năm có thể đạt 10-12 tỷ USD.
Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng
- Trước những thách thức có thể còn tiếp diễn trong năm 2023, theo bà, bài học kinh nghiệm để hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục vượt khó là gì?
- Năm 2023, những biến động của kinh tế thế giới có thể tiếp diễn, do đó các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động đánh giá các tác động đến sản xuất, xuất, nhập khẩu của Việt Nam, để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp. Đồng thời, việc thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới; chính sách, quy định mới của các quốc gia là thị trường lớn của hàng hóa Việt Nam tiếp tục được tăng cường, để giúp doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.
Ngoài ra, tôi cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp tục khai thác các lợi thế từ FTA và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu… Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới. Các hiệp hội, ngành hàng cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế.
- Với những kết quả đã đạt được cùng kinh nghiệm mà chúng ta đã có, bà kỳ vọng gì về hoạt động xuất, nhập khẩu trong năm 2023?
- Dự báo, khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang đầu năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như diễn biến xung đột trên thế giới, tình hình kiềm chế lạm phát, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các nước lớn, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn…
Mặc dù vậy, các FTA tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tích cực sẽ tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu. Hy vọng rằng, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023.
- Để xuất, nhập khẩu Việt Nam đạt những kết quả vững chắc hơn nữa trong những năm tiếp theo, chúng ta cần tháo gỡ những nút thắt nào, giải pháp cụ thể ra sao, thưa bà?
- Xuất khẩu trong thời gian qua tăng trưởng nhanh nhưng còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững về cơ cấu thị trường, cơ cấu mặt hàng, chủ thể tham gia. Nói cách khác, xuất, nhập khẩu phát triển bền vững phải dựa trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng...
Mặt khác, phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa phải gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, sản xuất xanh - sạch, bền vững, tuần hoàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, phát triển xuất, nhập khẩu phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương.
Bộ Công Thương đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động triển khai Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Theo Hà Nội mới
Tin mới
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Định Hóa
Chiều 18/9, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã đi kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Định Hóa. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Cục QLTT thành phố Cần Thơ tập huấn phân biệt hàng thật – hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường TMĐT
Sở Khoa học-Công nghệ phối hợp Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) đã tổ chức hội nghị tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả nhãn hiệu và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên môi trường thương mại điện tử.
Phát hiện 01 cơ sở kinh doanh không đăng ký kinh doanh theo quy định
Ngày 18 tháng 9 năm 2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh T.P do ông T.C.B làm chủ, địa chỉ: xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng chủ hộ không thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.
Triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ tại thị xã Sa Pa
Để chủ động trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ, sạt lở đất, Trung tâm Y tế thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đang tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường trên diện rộng.
Ngày đêm thi công khu tạm cư Làng Nủ
Những ngày này, các đơn vị đang tập trung máy móc, vật liệu và nhân lực, khẩn trương thi công không kể ngày đêm để hoàn thành khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; phấn đấu đến ngày 21/9, sẽ đưa một số hộ dân thôn Làng Nủ về nơi tạm cư...
Nhiều hoạt động an sinh xã hội được thực hiện tại huyện Văn Quan
Ngày 19/9, tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Văn Quan, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội tại 2 xã Hữu Lễ và Tri Lễ của huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
Câu chuyện thương hiệu
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM
MobiFone trao tặng hàng trăm phần quà tận tay người lao động, hỗ trợ dạy học trực tuyến mùa bão lũ
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023