Xem xét thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường, mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính UBND.
Sáng 23-5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng Nghị quyết bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và tính hệ thống của pháp luật; phù hợp với Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đồng thời, Nghị quyết chỉ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của TP Đà Nẵng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội; thực hiện việc phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền Thành phố trong một số lĩnh vực: Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; quản lý quy hoạch và quản lý tài chính - ngân sách.
Nghị quyết đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền TP Đà Nẵng, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố. Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Đà Nẵng phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn khác trong cả nước, đồng thời, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Nghị quyết được bố cục thành 4 Chương, 15 Điều. Đối với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Dự thảo quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường): Theo mô hình này thì chính quyền thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND). Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường. Do không tổ chức HĐND ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của HĐND quận và phường được chuyển lên cho HĐND và UBND thành phố; một số nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho UBND quận cho phù hợp.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Đối với thí điểm cơ chế, chính sách phát triển TP Đà Nẵng, Nghị quyết số 43-NQ/TW về phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã yêu cầu: “Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược”.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm 4 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định, gồm: Đối với điều chỉnh quy hoạch thành phố, dự thảo Nghị quyết quy định giao cho UBND TP Đà Nẵng được điều chỉnh quy hoạch thành phố đối với các trường hợp mà khi thực hiện điều chỉnh không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch quy định tại Khoản 2, 5, 6 Điều 53 Luật Quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch trong các trường hợp khác làm thay đổi mục tiêu quy hoạch thì vẫn thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Quy hoạch. Đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, giao UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.
Đối với quản lý tài chính - ngân sách, quy định như dự thảo Nghị quyết bảo đảm ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP Đà Nẵng phù hợp với tình hình thực tế, tính pháp lý cao hơn và tạo điều kiện cho thành phố bổ sung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, việc quy định chính sách này tại dự thảo Nghị quyết phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW, đó là “nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương”.
Đồng thời, Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Quốc hội cho phép các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Để tạo tính chủ động cho thành phố trong việc lựa chọn các dự án đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng và sử dụng hiệu quả nguồn lực tích lũy nhàn rỗi, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép Hội đồng nhân dân thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tương tự cơ chế áp dụng cho TP Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng bảo đảm cơ sở chính trị - pháp lý, phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ một số ý kiến cho rằng, hiện nay TP Hà Nội đã được Quốc hội cho phép thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị 2 cấp ở các quận nội thành và thị xã Sơn Tây; một số thành phố trực thuộc trung ương khác cũng đã được cơ quan có thẩm quyền đồng ý về chủ trương thí điểm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức chính quyền đô thị.
Vì vậy, các ý kiến này đề nghị Chính phủ cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong tổng thể yêu cầu phát triển và đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị nói chung và ở các thành phố trực thuộc trung ương nói riêng, cân nhắc thời gian thực hiện thí điểm, tổng kết, đánh giá đồng bộ để đề xuất mô hình tổ chức chính quyền và các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho từng địa phương, bảo đảm tính tương quan, tương đồng giữa các thành phố trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát.
Về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình gồm có: Tờ trình, dự thảo Nghị quyết, Báo cáo đánh giá tác động, Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị định 144/NĐ-CP ngày 1-11-2016 của Chính phủ, Báo cáo thực trạng tổ chức chính quyền các cấp tại TP Đà Nẵng, Đề án phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một số văn bản, phụ lục kèm theo. Ủy ban Pháp luật cho biết hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm các yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 03 cấp chính quyền ở nông thôn tại TP Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận.
Theo ý kiến này, trong đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, vấn đề cốt lõi là cần tập trung vào việc sắp xếp để tăng quy mô các đơn vị hành chính; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp; đổi mới cơ cấu tổ chức bên trong, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và đổi mới phương thức hoạt động của HĐND, UBND ở từng loại đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, đối với điều chỉnh quy hoạch, Ủy ban Pháp luật thấy rằng: theo quy định của Luật Quy hoạch thì việc điều chỉnh quy hoạch thành phố thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện tương tự như trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Việc dự thảo Nghị quyết đề nghị thí điểm giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho chính quyền thành phố mà không kèm theo cơ chế kiểm soát có hiệu quả có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Luật Quy hoạch đã đề ra. Do vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị không thí điểm việc giao chính quyền thành phố thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố để bảo đảm tính ổn định, thống nhất và các nguyên tắc chung trong hoạt động quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Ngoài ra, để bảo đảm sự chặt chẽ trong công tác quản lý quy hoạch theo tinh thần của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, đồng thời cụ thể hóa chủ trương thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của địa phương và người đứng đầu về vấn đề quản lý quy hoạch, đô thị theo Nghị quyết số 43/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định việc phân cấp cho chính quyền TP Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị gắn với những điều kiện nhất định quy định ngay trong Nghị quyết. Đồng thời, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện nhưng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
PV
Tin mới
Người lao động không thể tự chốt bảo hiểm xã hội
Doanh nghiệp phải chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ) khi chấm dứt hợp đồng. NLĐ không tự chốt sổ BHXH được, trách nhiệm này thuộc về người sử dụng lao động.
Chiến lược đào tạo “Real Golf Coaching On A Real Course” của Học viện Golf Jack Nicklaus chính thức triển khai
Nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày khai trương Legend Hill Country Club (Sóc Sơn, Hà Nội), BRG Golf, đơn vị vận hành độc quyền Học viện Golf Jack Nicklaus tại Việt Nam đã chính thức khai trương cơ sở tiếp theo của Học viện tại sân golf này.
Công an Hà Nội giúp đỡ đồng bào và công an các tỉnh gặp khó khăn do bão lũ
Với tinh thần "tương thân, tương ái", trong các ngày 20 và 22/9, Công an Thành phố Hà Nội đã tổ chức 2 đoàn công tác trực tiếp đến thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Công an các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái và trao tặng kinh phí ủng hộ với số tiền 1,1 tỷ đồng...
Hải Phòng: Dự án BĐS hơn 1.066 tỷ bị giảm vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng
TP. Hải Phòng mới điều chỉnh giảm 416 tỷ của Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đỗ Mười kéo dài đến trục VSIP và phát triển đô thị vùng phụ cận...
Thành viên HĐQT Gas Petrolimex mới đăng ký bán 2,1 triệu cổ phiếu
CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư MB, tổ chức có liên quan đến ông Giang Trung Kiên, Thành viên HĐQT Tổng công ty Gas Petrolimex – CTCP mới đăng ký bán 2,1 triệu cổ phiếu PGC.
Thành phố Vũng Tàu nâng tầm phát triển du lịch
Với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, TP. Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) đang từng bước nâng cao năng lực quản lý, cải thiện môi trường du lịch, đáp ứng các tiện ích, nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Câu chuyện thương hiệu
Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tháng 8 đạt 1.172 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững