Khu di sản hang Con Moong gồm hàng chục hang động, mái đá phân bố trong không gian rộng hơn 20.000ha tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cùng một số địa vực thuộc tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình. Khu di sản hang Con Moong được phát hiện, khai quật, nghiên cứu từ năm 1974; tiếp tục được các nhà khảo cổ học Việt Nam và Liên bang Nga nghiên cứu trong các năm 2010-2014 đã xác định được dấu tích người Tiền Sử trong địa tầng dày hơn 10m bảo lưu dấu tích cư trú của con người từ 50.000 năm đến 7.000 năm (cách ngày nay).
Khu di sản hang Con Moong có giá trị trong việc nghiên cứu tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á, được nghiên cứu liên tục, có hệ thống trong nửa thế kỷ qua. Di sản đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Các ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo khoa học nhất trí cho rằng, hang Con Moong và vùng phụ cận có thể đáp ứng 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu, xứng đáng xây dựng hồ sơ đề cử vinh danh là Di sản thế giới. Đó là di sản hang Con Moong có tầng văn hóa dày vào bậc nhất Đông Nam Á với diễn biến tiếp nối nhau liên tục; minh chứng thuyết phục truyền thống chế tác đá cuội với các kỹ nghệ tiêu biểu như Tiền Hòa Bình có niên đại khoảng 40.000-30.000 năm, kỹ nghệ Hòa Bình có niên đại từ khoảng 30.000 năm-20.000 năm và hậu Hòa Bình 17.000 năm-7.000 năm (cách ngày nay).
Lê Nam