Trước sự "tác oai, tác quái" của một số lãnh đạo chính quyền xã, PV đã có buổi làm việc với phía cơ quan chức năng UBND huyện Ninh Giang (Hải Dương) để làm rõ những bức xúc trong dư luận thời gian qua…
Ông Hà Minh Quang, trưởng phòng TN&MT huyện Ninh Giang
Hàng loạt công trình trái phép "mọc" lên trên đất nông nghiệp tại xã Quang Hưng (Ninh Giang), dù phần diện tích đất ngoài đê phía nam sông Cửu An đã được chia đều cho 2.943 nhân khẩu, mỗi khẩu được 48 m2, các hộ dân đã cho thuê đất từ năm 2003 - 2013. Tuy nhiên, hết hạn thuê đất, nhưng 19 hộ thuê đất đã không chịu trả mặt bằng, lại còn tự ý đào ao, thả cả, xây dựng nhà cao tầng trên đất 03, trong đó có cả Phó bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Khá (nay là Bí thư). Nực cười ở chỗ, 19 hộ thuê đất đều cho rằng phần đất trên đã "mua" lại từ UBND xã nên được quyền xây dựng trên phần đất nông nghiệp không thuộc về họ (?!).
Quá bất bình, nhiều người dân đã có đơn thư phản ánh, nhưng không hề nhận được bất kỳ động thái ủng hộ nào từ phía chính quyền xã, ngược lại còn bị "uy hiếp"?
PV tiếp tục đi tìm câu trả lời cho người dân xã Quang Hưng, lấy lại sự trong sạch cho chính quyền địa phương vốn từ lâu đã mang nhiều "tai tiếng". Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Tùng, Phó phòng NN&PTNT và được biết: "Đất nông nghiệp ở đó không thể chuyển đổi mục đích sử dụng. Vì cần phải có ý kiến của Công ty Khai thác thủy lợi Bắc Hưng Hải (Công ty Bắc Hưng Hải), chắc chắn họ sẽ không đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bởi đất đó thuộc phạm vi hành lang lưu thông thủy lợi Bắc Hưng Hải. Xã Quang Hưng cũng đã có văn bản xin chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản, nhưng Công ty Bắc Hưng Hải không chấp thuận. Song một số hộ dân xã Quang Hưng vẫn đào ao, xây nhà… nên bây giờ mới xảy ra chuyện như vậy?".
Hỏi: Liệu một số cán bộ lãnh đạo xã có "bật đèn xanh" để những người dân này cố ý làm trái quy định của pháp luật? Ông Tùng nói: "Việc này PV nên về xã tìm hiểu. Nhưng nếu có hỏi thì cán bộ xã sẽ trả lời là không!".
Ông Tùng nêu: "Đây là hành lang lưu thông của trục Bắc Hưng Hải (sông Cửu An), nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ thu hẹp lưu vực sông. Chính vì vậy, sự việc rất nan giải; nếu xã ngăn chặn ngay từ đầu thì sẽ không bung ra như thế này. Theo luật, vi phạm hành chính, UBND xã sẽ được phép xử phạt ở mức 2 triệu đồng. Vậy khi những người dân kia vừa tự ý đào để xây dựng thì xã có phải trách nhiệm yêu cầu họ dừng, nhưng xã đã không làm?
PV tiếp tục đề cập đến việc "những hộ dân đã thuê đất để đào ao, xây nhà, trong khi thời hạn thuê đã hết mà không chịu trả đất, lại còn nói "đã mua lại đất này của UBND xã" và bây giờ là của họ, ông nghĩ sao?", ông Tùng phân bua: "Nếu PV muốn tìm hiểu vấn đề đó, phải sang Phòng TN&MT".
Gặp ông Hà Minh Quang, Trưởng phòng TN&MT huyện Ninh Giang, ông Quang cho hay: "Năm 2013 - 2014, sau khi thực hiện quyết định dồn điền đổi thửa, UBND xã Quang Hưng lập dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang nuôi trồng thủy sản. Vì khu vực đất ngoài đê liên quan đến đoạn sông Cửu An, do Công ty Bắc Hưng Hải quản lý. Do đó, huyện yêu cầu xã phải thỏa thuận bằng văn bản với Công ty Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, xã vẫn chưa thực hiện được việc thỏa thuận với công ty này do họ không đồng ý".
Ông Quang cho biết thêm: "Các hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất là sai. Huyện chưa phê duyệt dự án (do UBND xã không có văn bản thỏa thuận với Công ty Bắc Hưng Hải). Còn dự án đó, nếu có được phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng thì cũng chỉ được xây nhà tạm không quá 20 m2 để trông coi, xây nhà ở là không được!".
Thắc mắc về việc "trước thực trạng nhiều hộ dân đang sử dụng đất sai mục đích diễn ra tại xã Quang Hưng, lãnh đạo huyện có hướng xử lý sai phạm trên như thế nào?", ông Quang nói: "Một số sai phạm là do quản lý yếu kém, bằng chứng là ngăn chặn và xử lý không được…".
Vậy liệu có việc xã "cố tình" để cho người dân xây nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp hay không? Ông Quang khẳng định: "Lãnh đạo xã đã buông lỏng trong vấn đề này! Trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính. Trường hợp không ngăn chặn được thì phải báo cáo lên huyện xin chủ trương cưỡng chế".
Lại hỏi: Vậy từ trước tới giờ, UBND xã đã có văn bản nào gửi lên huyện xin quyết định cưỡng chế trường hợp nào xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa? Ông Quang thẳng thắn: "Xã chưa hề có báo cáo! Mà muốn cưỡng chế thì các thủ tục xã lập ra phải đúng quy định pháp luật, nếu lập không đúng thì rất khó xử lý. Huyện cũng đã hướng dẫn xã nhiều lần, nhưng họ vẫn làm sai"…
Phải chăng, do trình độ yếu kém nên họ (xã) lập biên bản sai hay cố tình lập như vậy nhằm "gây khó" cho việc thực thi pháp luật? Nếu do trình độ yếu kém thì liệu có nên để họ "ngồi" ở vị trí đó hay không? Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và có biện pháp xử lý những sai phạm nêu trên, mang lại niềm tin cho người dân nơi đây.
Cao Huyền