Xây biệt thự “khủng” không phép
Theo tìm hiểu của chúng tôi, căn biệt thự “khủng” được xây dựng “chui” nói trên nằm trên khu đất rộng lớn, có tổng diện tích 5.979,2 m2, thuộc địa bàn ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai). Khu đất này thuộc thửa đất 754, tờ bản đồ số 48, là loại đất trồng cây lâu năm (đất nông nghiệp) do vợ chồng ông Phạm Văn Hà, bà Nguyễn Thị Bảo Lộc (ngụ khu phố Long Khánh 3, phường Tam Phước, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đứng tên chủ sở hữu. Vợ chồng ông Hà, bà Lộc là đại gia có tiếng về kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản tại tỉnh Đồng Nai.
Biệt thự “khủng” được xây “chui” trên đất nông nghiệp tại ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai). (Ảnh: Nguyên Dũng)
Những ngày cuối tháng 5/2020, có mặt tại hiện trường, PV ghi nhận công trình biệt thự “khủng” đang trong giai đoạn xây dựng để hoàn thiện phần thô, nhiều hạng mục công trình đang xây giang dở, gạch, xi măng, sắt thép bỏ ngổn ngang như một đại công trường.
Biệt thự cao 4 tầng và hiện đang tiếp tục xây cao lên, lối kiến trúc chủ đạo kiểu tân cổ điển nhưng pha kiểu dáng biệt thự Pháp, nguy nga, hiện đại, rất đồ sộ. Mặt sàn căn biệt thự rộng hàng ngàn m2, tường xây bằng gạch nung, đổ trụ xi măng vững chắc.
Biệt thự được xây dựng trên khu đất đắc địa, xung quang 3 mặt tiền (Ảnh: Nguyên Dũng)
Phía trên tầng 4 của biệt thự được xây dựng 7 hình phễu tròn, trông giống những “tháp trời” để hứng ánh nắng tự nhiên, tạo không khí trong lành cho tòa nhà. Thoạt nhìn biệt thự như một khách sạn hiện đại bậc nhất tại tỉnh Đồng Nai trong tương lai gần.
Hiện biệt thự “khủng” đã xây xong tầng thứ 4 nhưng vẫn lộ ra hàng trăm cọc thép chờ chĩa thẳng lên nền trời xanh thẳm.
Biệt thự trái phép có kiến trúc kiểu Pháp (Ảnh: Nguyên Dũng)
Biệt thự “khủng” này nằm ở vị trí đắc địa, giáp khu công nghiệp Long Thành, gần khu nhà ở Lũng Xanh, có 3 mặt tiền, xung quanh đều là đường rải thảm nhựa bóng loáng.
Nhưng một điều lạ là biệt thự “khủng” này chỉ nằm cách đường dây điện cao thế 500kv khoảng …15m. Hiện tại, biệt thự đã được xây dựng cao hơn cả đường dây điện cao thế 500kv này.
Phần trên biệt thự được chủ đầu tư cho xây dựng nhiều hình phễu có kiến trúc rất lạ (Ảnh: Nguyên Dũng)
Theo ghi nhận của PV tại công trường thì tiếng máy thi công chạy ầm ầm, tiếng hàng chục thợ xây, thợ hồ gọi nhau í ới tạo nên một khung cảnh khẩn trương, gấp rút hoàn thiện tòa nhà biệt thự, bất chấp dư luận bức xúc.
Ai làm ngơ để biệt thự chui “khủng” …mọc tầng?
Liên quan đến vụ việc xây biệt thự không phép nói trên, ngày 30/3/2020, ông Phạm Nguyễn Hồ Vũ (phó chủ tịch UBND xã An Phước) cùng ông Nguyễn Tấn Phát (địa chính xã An Phước) đã có buổi làm việc, lập biên bản đối với bà Nguyễn Thị Bảo Lộc (vợ ông Phạm Văn Hà, chủ sở hữu lô đất và biệt phủ không phép-PV).
Biệt thự trái phép đồ sộ nhìn từ trên cao (Ảnh: Nguyên Dũng)
Theo biên bản tại buổi làm việc, bà Lộc chỉ cung cấp được một bản thiết kế thi công công trình tòa nhà, một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản phô tô) số CQ 486567 cấp ngày 10/1/2019 (giấy chứng nhận nguồn gốc đất là đất nông nghiệp hiện vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng-PV), một đơn đề nghị cấp phép xây dựng ngày 18/1/2019. Ngoài những giấy tờ trên, bà Lộc không có giấy phép xây dựng, không có giấy chứng nhận QSDĐ chứng minh khu đất đã được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở cùng các giấy tờ liên quan khác.
Biệt thự đồ sộ, hiện đại như một khách sạn bậc nhất ở Đồng Nai trong tương lai gần (Ảnh: Nguyên Dũng)
Theo trình bày của bà Lộc, đầu năm 2018, gia đình bà có đơn xin phép hợp nhất từ 6 thửa đất (trước đó) thành 1 thửa đất (như hiện nay) và đã được văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hướng dẫn thủ tục cắt thửa, nhập thửa và được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ (thửa đất 754, tờ bản đồ số 48, là loại đất trồng cây lâu năm, diện tích 5.979,2 m2). Sau đó bà Lộc tiếp tục làm đơn xin chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm (đất nông nghiệp) sang đất ở nhưng chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, đồng ý.
Biên bản làm việc giữa UBND xã An Phước và bà Nguyễn Thị Bảo Lộc (chủ đầu tư biệt thự khủng xây trái phép) (Ảnh: Nguyên Dũng)
Vì vậy việc xây dựng nhà (biệt phủ như trên-PV) là trái quy hoạch, vi phạm nghiêm trọng luật xây dựng và luật sử dụng đất.
Nhưng theo bà Lộc, việc xây dựng nhà (biệt thự-PV) trên đất nông nghiệp nói trên của gia đình bà đã được chính quyền địa phương xã An Phước và huyện Long Thành cho phép, đồng ý !?
Nội dung nói rõ về biệt thự xây dựng trái phép yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công công trình (Ảnh: Nguyên Dũng)
Còn theo đại diện UBND xã An Phước, tại thời điểm kiểm tra, lập biên bản, bà Lộc chưa cung cấp được giấy phép xây dựng và các loại giấy tờ pháp lý liên quan khác nên đơn vị này đã yêu cầu bà Lộc ngừng thi công công trình theo quy định.
Theo tìm hiểu của PV, bản chất của công trình nêu trên (biệt phủ khủng-PV) được xây dựng trên đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) và vụ việc đã diễn ra từ tháng 10/2018 cho đến thời điểm hiện tại (tháng 6/2020). Từ đó cho đến nay đã hơn một năm nhưng chính quyền địa phương xã An Phước và huyện Long Thành vẫn chưa triển khai, ngăn chặn vụ việc. Hiện công trình sai phạm vẫn đang tiếp tục được xây dựng, tiếp tục “mọc thêm tầng” theo thời gian, thách thức dự luận.
Nằm bên cạnh đường điện cao thế 500kv (Ảnh: Nguyên Dũng)
Giải thích về vấn đề này, ông Phạm Nguyễn Hồ Vũ, Phó chủ tịch UBND xã An Phước cho biết: “Tôi về nhận công tác từ ngày 1/11/2019. Lúc đó công trình biệt phủ trái phép của gia đình ông Hà, bà Lộc đã được thi công, xây dựng gần 1 năm về trước. Sau khi phát hiện sai phạm nghiêm trọng, tôi đã lập biên bản, yêu cầu dừng thi công công trình. Vì vụ việc lớn, mức xử phạt quá thẩm quyền của UBND xã nên tôi đã gửi tờ trình gửi lên UBND huyện Long Thành để tham mưu cấp trên ra quyết định xử phạt nhưng đến nay huyện chưa xử phạt và cũng chưa có chỉ đạo gì thêm”, ông Vũ nói.
Công trình nhà ở xây dựng trái phép tại khu vực Hoa Đệ Nhất (ấp 7, xã An Phước) (Ảnh: Nguyên Dũng)
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài công trình biệt thự “khủng” được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nói trên thì trong khoảng thời gian từ năm 2014-2019, có hàng trăm căn nhà cao tầng, công trình nhà ở cấp 4 trái phép đã “mọc” lên như nấm sau mưa tại địa bàn các ấp gồm: Ấp 8, ấp 3, ấp 5 và gần khu du lịch Hoa Đệ Nhất (thuộc ấp 7) của xã An Phước.
Công trình trái phép mọc lên như nấm sau mưa tại địa bàn ấp 8, xã An Phước (Ảnh: Nguyên Dũng)
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây nhà trái phép tại xã An Phước diễn ra rất phức tạp trong giai đoạn ông Lê Văn Tiếp làm Chủ tịch UBND xã An Phước và ông Phạm Văn Cảnh làm Phó chủ tịch UBND xã này phụ trách về mảng trật tự xây dựng. Tháng 8/2019, sau khi “rời ghế” Chủ tịch UBND xã An Phước, ông Tiếp đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) từ đó cho đến nay và hiện tại ông Cảnh giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã An Phước thay thế cho vị trí của ông Tiếp.
Ông Phạm Nguyễn Hồ Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã An Phước thừa nhận, không chỉ dừng lại là căn biệt thự "khủng" xây trái phép nói trên mà tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở, công trình trái phép tại địa bàn xã An Phước diễn ra từ nhiều năm nay, đặc biệt là từ giai đoạn 2014 đến cuối 2019. “Đây là vấn đề nan giải. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng để khắc phục nhưng xem ra không thể làm xong trong một sớm, một chiều”, ông Vũ nói.
Liên quan đến vụ việc biệt thự “khủng” xây dựng trên đất nông nghiệp và tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên địa bàn gần khu du lịch Hoa Đệ Nhất (ấp 7), ấp 3, ấp 5 và ấp 8 (xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai), chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc ở những bài viết tiếp theo.
Nguyên Dũng-Pha Khanh