THCL Chất lượng công trình, việc sử dụng nguồn vốn ODA tại một số tỉnh chưa hiệu quả, chậm tiến độ, lãng phí lớn… Đó là những vấn đề nổi cộm - dấy lên sự quan ngại về việc đầu tư và sử dụng nguồn vốn ODA tại Việt Nam.

Ứng trước hơn 3.500 tỷ đồng vốn đối ứng ODA

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn ODA, thì thiếu vốn đối ứng là một nguyên nhân thường gặp.

Để giải quyết vướng mắc về vốn đối ứng cho nhiều dự án ODA trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ứng trước vốn đối ứng nguồn trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2015 của các chương trình, dự án ODA.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định ứng trước 3.590,9 tỷ đồng vốn đối ứng ODA nguồn vốn trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2015 theo danh mục và mức vốn ứng trước đối với các chương trình, dự án ODA của Bộ GTVT và các địa phương. Số vốn ứng này được thực hiện và thanh toán đến hết ngày 31/3/2015.

Trong Quyết định phê duyệt Kế hoạch cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2014 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, người đứng đầu Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để quản lý, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn này. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu cần phải tăng cường tính minh bạch, chống tham nhũng, đẩy mạnh công tác giám sát và đánh giá đối với các dự án ODA.

Theo ông Trịnh Nam Tuấn, quyền Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), đối với các dự án ODA, việc giải ngân nguồn vốn này phải trên cơ sở kế hoạch vốn năm được giao, nhưng nhiều dự án ODA được bố trí kế hoạch vốn năm 2015 thấp hơn so với tiến độ thực hiện dự án, thậm chí có một số dự án không được giao kế hoạch vốn ODA năm 2015 nên đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án ODA. Không những thế, việc triển khai thực hiện của các chủ đầu tư còn một số bất cập, như: Công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án còn chậm so với quy định; công tác đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán chưa thực hiện ngay từ đầu năm khiến việc giải ngân cho dự án còn chậm; chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhằm bàn giao mặt bằng cho dự án triển khai đúng tiến độ.

Chất lượng công trình vốn ODA?

Dù là vốn vay ưu đãi, song ODA vẫn là khoản nợ vay, chứ không phải cho không. Vì thế, thông điệp từ Chính phủ trong hơn 20 năm qua vẫn là phải làm sao sử dụng hiệu quả từng đồng vốn ODA.

Tuy nhiên, bên cạnh một số dự án nằm trong “danh sách đen”, các dự án chậm tiến độ như Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến số 1, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc… thì nhiều dự án ODA khi được phân bổ vốn xuống các tỉnh, chất lượng công trình cũng xuống cấp, nguồn vốn bị “xà xẻo” vì phải qua nhiều cầu…

Điển hình là Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Thái Nguyên - một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên, do Công ty THHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên làm chủ đầu tư (UBND tỉnh phê duyệt năm 2000); tổng vốn đầu tư phê duyệt gần 1.000 tỷ đồng, trong đó có vốn vay ODA của Chính phủ Pháp và vốn đối ứng của Nhà nước.

Tuy nhiên, tại công trình thi công đào, lắp đặt đường ống thoát nước thải, khu vực đảo tròn Đồng Quang - lý trình SM2G+180, đây là hạng mục do nhà thầu, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bạch Đằng 8 thi công để xảy ra hiện tượng sụt, lún nghiêm trọng với diện tích rộng 1 m2, sâu gần 1 m, thuộc tuyến đường Lương Ngọc Quyến tại Gói thầu số 13 xây lắp tuyến ống thoát nước thải số 2 (Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Thái Nguyên).

Ông Hùng, người dân sinh sống trên đoạn đường xảy ra hiện tượng sụt, lún trên, bức xúc:“Tôi không hiểu họ làm như thế nào mà vừa thông đường được 2 ngày, xe ô tô đi qua bị sập luôn. Chất lượng công trình như thế, thử hỏi người dân nhìn nhận như thế nào đây?”.

Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Xuân Hà, Phó giám đốc Công ty THHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên. Ông Hà phân bua: “Do đơn vị thi công phải làm gấp rút để hoàn thành tiến độ, khiến lớp vữa thi công chưa đủ thời gian đông cứng đã cho lu lèn thi công hoàn trả mặt đường, vì vậy mới gây nên tình trạng sụt lún”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì, đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bạch Đằng 8 chỉ bị dừng vài ngày để xem xét lỗi thi công, sau đó họ vẫn tiếp tục được làm các đoạn đường khác (?!).

Để xảy ra việc công trình bị sụt lún nghiêm trọng như vậy, mà đơn vị thi công chỉ cần khắc phục sự cố là xong? Dư luận băn khoăn: Năng lực của nhà thầu xây dựng này liệu có thể thực hiện các hạng mục khác bảo đảm chất lượng mà vẫn hoàn thành tiến độ hay không? Những đơn vị như vậy, có xứng đáng được tiếp tục thực hiện các hạng mục mà họ đã ký kết với chủ đầu tư?...

Khánh Yên - Cao Huyền ( Thương hiệu & Công luận)