Nhân sự kiện Hội chợ Du lịch Quốc tế đang diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, báo Thương hiệu và Công luận đã có buổi trao đổi với ông Lê Tấn Thanh Tùng (Phó Tổng GĐ Công ty Vitours – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương PAPA) xoay quanh những trăn trở của ông và tập thể công ty để đưa thương hiệu di sản miền Trung đến với du khách trong thời gian qua và sắp tới.

Vitours với hành trình khai quật di sản miền Trung - Hình 1

Ông Tùng (áo đen) cùng đoàn đại biểu Đà Nẵng tham khảo những địa điểm du lịch mới để giới thiệu đến du khách (Ảnh do nhân vật cung cấp)

15 năm Hành trình di sản…

Năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam) được UNETCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, sau đó 3 năm thì đến Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình) được công nhận. Tại thời điểm bấy giờ không có công ty du lịch nào tổ chức tours cho du khách đến cả 3 di sản trên và ông Hồ Việt (Nguyên Chủ tịch Đà Nẵng) lúc đó là Trưởng văn phòng Tổng cục du lịch miền Trung đã lên ý tưởng cho một hành trình đi qua các di sản.

“Lúc đó chú Hồ Việt gọi tôi lên rồi giao cho tôi nhiệm vụ viết một đề án trình Tổng Cục Du Lịch để triển khai Hành Trình Di Sản Miền Trung. Trao đổi với chú Việt, tôi đã được thổi bùng ngọn lửa với quyết tâm sẽ đưa hành trình này đến với du khách trong nước và quốc tế”, ông Tùng nhớ lại.

Khi đã được triển khai trên thực tế thì khó khăn lớn nhất của Hành Trình Di Sản Miền Trung chính là quảng bá và tìm kiếm khách hàng.

“Thời đó công nghệ vẫn chưa được phát triển như hiện nay nên hầu như mọi công tác quảng bá đều làm truyền thống thủ công nên gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tùng nói.

Để thúc đẩy đưa thương hiệu của các di sản đến với du khách nhanh nhất, ông Tùng đã đứng ra chủ trì và kết nối với 16 công ty du lịch trên cả nước để đưa khách về, đây có thể nói là bước ngoặc đầu tiên cho sự liên kết phát triển du lịch miền Trung.

Với sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau thì giá tuors Hành Trình Di Sản Miền Trung đã giảm từ 10 triệu đồng/ hành khách còn 3,5 triệu đồng/ hành khách (đã bao gồm vé máy bay). Có thể nói, đây là thời điểm đáng nhớ cho sự phát triển du lịch miền Trung cho đến tận hôm nay.

Ngoài ra, ông Lê Tấn Thanh Tùng cũng đã được cấp bằng sáng chế cho
“Hành Trình Di Sản Miền Trung”.

…Còn lắm khó khăn

Là người tiên phong “khai quật” Hành Trình Di Sản Miền Trung và đồng hành suốt 15 năm qua, ông Tùng hiểu hơn ai hết những khó khăn cũng như việc cần làm trước mắt để phát triển hành trình.

Có thể nói Hành Trình Di Sản Miền Trung đã trở thành thương hiệu không những trong nước mà còn ra đến quốc tế. Chính vì lẽ đó, việc làm trước mắt của các công ty du lịch nói chung và Vitours nói riêng là phải tự làm mới mình và làm mới trên chính những hành trình đã 15 năm tuổi.

Trao đổi tại Hội chợ Du lịch Quốc tế đang diễn ra, ông Lê Tấn Thanh Tùng cho biết đây là cơ hội để các công ty du lịch trao đổi kinh nghiệm và đặc biệt là tiếp thu những công nghệ mới áp dụng vào thực tế.

“Nhu cầu du lịch của người dân ngày càng tăng nhưng phương thức du lịch đã thay đổi nhiều cùng với công nghệ, nếu các công ty du lịch không chịu đổi mới thì sẽ không thể tồn tại”, ông Tùng nói thêm.

Theo nhiều công ty du lịch tham gia hội chợ thì một trong những đổi mới đầu tiên là chất lượng và áp dụng công nghệ quảng bá sản phẩm để thu hút và giữ khách hàng cho doanh nghiệp.

“Những khó khăn hiện tại trong nghành du lịch đang được các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ cùng với sự quyết tâm của các công ty du lịch thì tôi tin rằng chỉ tiêu du lịch đóng góp 10% GDP vào năm 2020 là hoàn toàn có thế đạt được”, ông Tùng tự tin nói.

                                                               Lê Thạch