Năm 2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 2370/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Với tổng giá trị đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, khi dự án hoàn thành - sẽ trở thành tổ hợp nghỉ dưỡng du lịch, dịch vụ tương tự khu du lịch Đại Nam của tỉnh Bình Dương. Đồng thời, tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của huyện Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Cũng tại địa phương này, nhiều năm trở lại đây, người dân tại 2 xã An Tường và Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò sữa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, người dân địa phương cũng đang phải trả giá đắt vì môi trường tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Việc phát triển chăn nuôi bền vững, đảm bảo môi trường sống của người dân và từng bước gắn sản phẩm nông nghiệp phục vụ ngành du lịch trong tương lai, đòi hỏi UBND huyện Vĩnh Tường phải có những bước đi cụ thể và đề ra những giải pháp mang tính đột phá. 

Vĩnh Phúc: Phát triển sản phẩm nông nghiệp phục vụ ngành du lịch - Hình 1

Nuôi bò sữa trong khu dân cư ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống

Giàu lên nhờ bò sữa

Là nơi chăn nuôi bò sữa lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc, người dân hai xã Vĩnh Thịnh và An Tường của huyện Vĩnh Tường đã giàu lên trông thấy kể từ khi chăn nuôi loại gia súc này. Sau nhiều năm, hiệu quả của nghề chăn nuôi bò sữa đã đem lại thu nhập cao cho nông dân tại địa phương.

Theo như đánh giá của ông Đào Tiến Anh, Bí thư Đảng ủy xã An Tường, 5 năm trở lại đây, người dân tập trung nhiều vào việc nuôi bò sữa. Điều này giúp cho đời sống của người dân đi lên bởi thu nhập từ chăn nuôi bò sữa ổn định và cao hơn hẳn các ngành nghề khác tại địa phương.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết, nơi đây có hơn 5.000 con bò sữa. 100% các thôn có chăn nuôi bò sữa cho hay, thị trường tiêu thụ bò sữa ổn định giúp thu nhập bình quân đầu người của xã từ 15,8 triệu đồng/năm (2010) tăng lên 26,5 triệu đồng/năm (2014). Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, góp phần phục vụ đắc lực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

So sánh hiệu quả kinh tế đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp khác, đặc biệt là trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương thì bò sữa có hiệu quả vượt trội, mang lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho người dân và có thể phát triển làm giàu.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Theo những người chăn nuôi bò sữa, trung bình một con bò sữa tiêu tốn thức ăn trong 1 ngày khoảng 60 kg thức ăn thô, 5 - 7 kg thức ăn tinh và khoảng 60 lít nước uống. Vì vậy, lượng chất thải của bò sữa là rất lớn. Hiện tại, đa phần các hộ chăn nuôi bò sữa trên đất ở, bò sống chung với người nên nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người là rất cao.

“Chăn nuôi trong khu dân cư, đương nhiên là ô nhiễm. Ở xã An Tường, thôn Cam Giá là nơi nuôi bò sữa nhiều nhất, khoảng 200 hộ dân nuôi bò sữa. Mỗi hộ dân, ít nhất là 5 con bò sữa trở lên. Mỗi khi người dân cọ rửa chuồng trại, thời điểm sáng sớm và chiều tối, bốc mùi nồng nặc. Nhất là khi trời nắng”, ông Đào Tiến Anh, Bí thư Đảng ủy xã An Tường nói.

Ông Đào Tiến Anh cho biết thêm: “Nước thải chảy xuống cống, dù có nắp hay không cũng vẫn không thể tránh được mùi. Hầm biogas không thể xử lý hết ô nhiễm. Người dân buộc phải sống chung với ô nhiễm”.

Do điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khu dân cư là chính, lượng chất thải từ bò sữa ra môi trường mỗi ngày khoảng 35 - 40 tấn, trong khi chưa có hệ thống xử lý triệt để nên vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương là khá nghiêm trọng.

Chính ông Đào Tiến Anh, trước đó cũng đã đem mẫu nước đi xét nghiệm, theo đó, nguồn nước ở An Tường đã bị nhiễm nấm bởi nước thải ngấm xuống, trong khi người dân chủ yếu là sử dụng nước giếng khoan.

Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch UBDN xã Vĩnh Thịnh, người dân ở đây đã áp dụng triển khai mô hình thí điểm sử dụng chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi trong chăn nuôi bò sữa, qua các mô hình trên - đã giải quyết được một phần ô nhiễm môi trường nông thôn, cũng như cung cấp một lượng khí đốt sinh học phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, hiện nay ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng, hệ thống mương thủy lợi bị tắc do phân và chất thải chăn nuôi từ bò sữa.

Các bệnh hô hấp tăng đột biến

Bác sỹ Lê Văn Sinh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã An Tường chia sẻ: “Ô nhiễm nguồn nước và không khí tại địa phương là rất cao. Tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp ở trẻ em và người lớn tăng đột biến. Đặc biệt, tỷ lệ người mắc ung thư tăng 25%...”.

Năm 2014, tại xã An Tường, có 9 trường hợp tử vong vì ung thư; nhưng đến năm 2015 - 2016, tăng lên 53 người. Đây là con số đáng báo động về tình trạng sức khỏe của người dân tại địa phương.

Tại xã Vĩnh Thịnh, có 27 người mắc bệnh ung thư trong năm 2014 - 2015; riêng năm 2016, số người phát hiện mắc ung thư đã lên tới con số 31.

Việc người dân mắc bệnh ung thư tăng ngày một cao ở địa phương, có nhiều nguyên nhân, nhưng việc môi trường sống ở đây đang bị ô nhiễm nặng nề đang là vấn đề rất đáng báo động.

Bà Nguyễn Thị Doanh, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Thịnh lên tiếng: “Rõ ràng, người dân chăn nuôi trong khu dân cư, đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mình, đặc biệt là từ nguồn nước sinh hoạt”.

Có thể khẳng định, việc phát triển những đàn bò sữa là một việc làm đúng đắn, góp phần cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Nhưng việc chăn nuôi ồ ạt, nhỏ lẻ trong khu dân cư - chính là nguyên nhân dẫn đến tính trạng ô nhiễm tại địa phương như hiện nay.

Vậy thì, giải quyết thực trạng trên như thế nào? Cần phải làm gì để đưa sản phẩm nông nghiệp vào phục vụ ngành du lịch?...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Long Trần – Đức Hạnh