THCL Tối 14/3/2016, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cho hai di tích Tháp Bình Sơn (thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô) và Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Quyết định công nhận hai di tích quốc gia đặc biệt cho đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và hai huyện Tam Đảo, Sông Lô. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, đoàn thể trung ương; lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc; các Đại sứ quán Nhật Bản, Hàn Quốc; lãnh đạo các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng  và một số tỉnh, thành phố phía Bắc; các cơ quan báo chí trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc; các công ty lữ hành...

Tại Buổi lễ ông Vũ Chí Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã khái quát lại lịch sử và quá trình hình thành của hai di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: Tháp Bình Sơn trải qua thời gian, di tích đã bị hủy hoại nặng nề, chỉ còn lại một số dấu vết ít ỏi minh chứng cho sự tồn tại lâu đời và các giá trị vốn có của di tích. Sau những trận lụt liên miên trước thập niên 1960, Tháp Bình Sơn có nguy cơ bị đổ sụp hoàn toàn khi bị nước lũ cuốn lở mảnh chân đế phía bắc và phía tây, chỏm tháp bị vỡ một mái. Năm 1969, nước ngập chân móng đến 60 cm buộc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Phú phải dựng một khung sắt và dùng vành đai thép để ghì chống cho tháp.

Tháng 5 năm 1972, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa Thông tin, xưởng phục chế Tháp Bình Sơn được lập tại thị trấn Hương Canh nhằm đảm bảo tháp được dựng đúng từng chi tiết, đảm bảo phục chế đúng nguyên tác. Nhân lực và biện pháp thực hiện đều làm theo lối thủ công với từng hòn gạch được tháo dỡ, đánh dấu từng cạnh, từng mặt, từng tầng theo các hướng, đổ khuôn thạch cao rồi xếp vào từng gian nhà theo đúng thứ tự đã ghi chép, chụp ảnh từ trước. Việc phục chế từng viên gạch với kích thước, đường nét hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi người tạo tác phải tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn nại.

Công nhân phải làm tới 100 viên gạch phơi mới có một viên đúng mẫu và sau khi nung hầu như cứ 48 viên mẫu mới được một viên gạch đạt quy cách. Việc làm gạch để thay thế và bổ sung những chỗ bị vỡ trên tháp, bị nát, bị khuyết, bị lũ quét, phải kéo dài đến hai năm. Khi gắn lắp lại tháp, người ta phải căn cứ vào khuôn in thạch cao, đồ họa và ảnh chụp ban đầu, theo số mục đánh dấu trên từng viên gạch và thứ tự của từng kho dựng gạch. Hiện nay, toà tháp vẫn giữ nguyên hình dạng từ cuộc đại trùng tu năm 1972.

Danh lam thắng cảnh Tây Thiên nằm trong thung lũng lòng chảo của sơn hệ Tam Đảo, có độ cao từ 54m đến 1.100m so với mực nước biển, phạm vi phân bố khoảng 11km2 (dài 11km, rộng 1km) với cảnh quan hết sức nên thơ, hùng vĩ. Trên nền cảnh ấy, cách đây ngót nghìn năm, nhiều di tích gắn với những vấn đề của lịch sử, tôn giáo và tín ngưỡng dân tộc đã được cha ông ta dựng nên, như: chùa Chân Tiên, chùa Thiên Ân, chùa Phù Nghì, chùa Đồng Cổ, chùa Tây Thiên, đền Tây Thiên, đền Thõng, am Lưỡng Phong, am Song Tuyền, thang Bộ Vân… Tất cả những di tích này đan xen nhau trên mảnh đất thiêng ở lưng chừng núi Thạch Bàn. Từ miền thánh địa, một dòng sinh lực vũ trụ lấy khí thiêng ở tầng cao, theo khe núi mà tràn xuống trần gian, tạo thành dòng Giải Oan, rồi trên đường đi kết hợp với Thác Bạc, Thác Vàng và nhiều dòng bên lề để kết thành suối Trường Sinh chảy qua cửa đền Cậu và đền chùa Thõng, rồi đem sinh khí làm nên các vụ mùa bội thu cho cánh đồng Thõng và vùng đất chân núi. Ngược lại, con đường hành hương của các tín đồ cũng men theo bờ suối mà lên, với tâm thanh lòng tịnh, chân đi không mỏi, trên con đường mòn tâm tưởng từ đời vào đạo, từ trần gian về miền cực lạc. Mỗi chỗ dừng là một kiến trúc gắn với một niềm tin tâm linh vô bờ bến... Chính vì vậy, Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên được Nhà nước công nhận di tích cấp Quốc gia từ năm 1991; di tích Quốc gia đặc biệt năm 2016.

Từ chùa, con đường quanh co lượn theo sườn núi đưa khách hành hương tới thăm đền thần núi Tam Đảo. Hiện nay, đền thần vẫn khá nhỏ, được kết cấu theo kiểu một gian hai chái, nền cao gần như vuông, hai tầng tám mái, không chuôi vồ. Đền đứng trong một không gian thông thoáng, nhìn bao quát cả núi rừng, cùng hướng với đền Quốc Mẫu…Đây cũng là một điểm dừng chân lý tưởng của khách hành hương, nơi người ta có thể đứng trong không gian nhân tạo mà tâm hồn vẫn có thể hoà nhập được với không gian thiên tạo, để tâm hồn lãng đãng theo những đám mây hững hờ như tạo cho muôn vàn đỉnh núi hoá thân thành các bồng đảo - nơi ngự của thần tiên. Từ đây tâm đạo được nẩy nở để kẻ hành hương đi ngược dòng “Thanh nguyên” mà nhập vào cõi thường hằng, với đích là chùa Địa Ngục và chùa Đồng....

Với việc được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đối với Tháp Bình Sơn và Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch rất lớn đối với tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

PV