THCL Xung quanh sự cố xảy ra tại Thủy điện sông Bung 2, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH. Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Đập lớn thế giới (ICOLD).

GS. TSKH. Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Đập lớn thế giới (ICOLD).

Giáo sư có bình luận gì về sự cố Thủy điện Sông Bung 2?

Trước hết, nguyên nhân trực tiếp, rõ ràng có tác động của dòng lũ, còn cụ thể hơn cần được điều tra, đánh giá đầy đủ.

Nhưng tôi cho rằng, về nguyên tắc, thiết kế công trình Thủy điện Sông Bung 2 phải tính toán tất cả các vấn đề có thể xảy ra, đảm bảo an toàn của hầm dẫn dòng khi có lũ lớn. Song thực tế, xảy ra sự cố cho thấy đây là lỗi kỹ thuật, thi công của công trình. Hồ mới tích nước nên mực nước chưa cao mà đã vỡ cửa van, sau này khi hồ tích đầy nước thì trước sau sẽ vỡ nếu không có biện pháp khắc phục. Nếu vỡ trong trường hợp như thế thì có thể tác hại đến đập. Nếu dẫn đến vỡ đập thì không thể lường được thiệt hại ở hạ du.

Thứ nữa, lấp dòng thời điểm này không thích hợp. Vì thường công việc này làm trong mùa khô sẽ an toàn hơn; làm trong mùa mưa, khó có thể đảm bảo kỹ thuật.

Đây mới chỉ là một hạng mục gặp sự cố. Tất cả hạng mục khác cần có điều kiện kiểm tra, đánh giá cho đầy đủ.

Dường như năm nào cũng có dự án thủy điện gặp sự cố. Theo đánh giá của Giáo sư, mức độ về các sự cố thủy điện ở Việt Nam như thế nào?

Trên thế giới, việc làm thủy điện là phổ biến. Thủy điện được đánh giá là năng lượng sạch, tận dụng được nguồn thủy năng. Như Nauy, 97 - 98% điện từ thủy điện. Trong điều kiện cần hạn chế các năng lượng phát ra từ dầu, than, người ta còn có chủ trương tận dụng thủy điện nhỏ ở vùng có địa thế cao.

Tuy nhiên, tôi không thấy nơi nào có nhiều thông báo về sự cố thủy điện như ở Việt Nam. Nước ta thủy điện chưa phải quá nhiều, nhưng năm nào cũng có sự cố. Tôi cho rằng, việc làm thủy điện của ta có phần thiếu trách nhiệm. Các đơn vị thiết kế cũng thiếu trình độ, chủ đầu tư thuê người thiếu kinh nghiệm nên thiết kế không đảm bảo kỹ thuật. Thi công cũng thế. Tóm lại, trình độ, ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công là kém.

Chúng ta làm thủy điện còn yếu, từ quy hoạch cho đến khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý, vận hành. Cho nên, những sự cố xảy ra như một số đập ở Tây Nguyên năm ngoái, hay Thủy điện ở Lào Cai…, rõ ràng thi công rất ẩu. Những người chịu trách nhiệm, nhiều khi không am hiểu kỹ thuật, cứ làm bừa, cứ tưởng thủy điện ai cũng làm được.

Giáo sư có nghĩ, việc cấp phép thủy điện ở nước ta còn dễ dãi?

Cấp phép thủy điện phải dựa trên cơ sở quy hoạch. Nhưng hiện nay, quy hoạch đang bị buông lỏng nên có phần dễ dãi với thủy điện.

Thủy điện - có thể nói về lý là đầu tư ban đầu cao hơn nhiệt điện. Nhưng nhiệt điện tốn phí vận hành than, dầu… Thủy điện làm xong rồi chỉ việc ngồi thu tiền. Theo tôi được biết, hiện có doanh nghiệp tiềm lực yếu vẫn làm thủy điện. Vì có dự án "vẽ ra" cho đẹp thì dễ thuyết phục vay tiền. Vay được tiền làm thủy điện thì yên tâm… thu lợi.

Theo Giáo sư, Việt Nam có nên phát triển thêm thủy điện?

Thủy điện là nguồn năng lượng quan trọng. Chúng ta đang dùng hơn 30% nguồn điện từ thủy điện. Nếu không có thủy điện - sẽ khiến chúng ta lâm cảnh "3 ngày có điện 1 ngày cắt", ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng có điều là không thể tùy tiện, từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế, vận hành. Có thể nói, chúng ta đã quá buông lỏng!

Vai trò thủy điện thì đã rõ. Vậy tác động tiêu cực của thủy điện ở Việt Nam thể hiện ở những vấn đề nào, thưa Giáo sư?

Trước hết, vì làm tràn lan thủy điện nên chất lượng kém, xảy ra nhiều sự cố như đã nói ở trên. Ngoài các thủy điện không tuân thủ yêu cầu về môi trường, các hồ đập nói chung gây ra những tác động tiêu cực như thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng môi sinh của những loài thủy sinh. Trong điều kiện quản lý yếu kém, có tình trạng lợi dụng làm thủy điện rồi phá rừng.

Người ta làm thủy điện, việc thủy điện chuyển nước xuống hạ du sang lưu vực khác là bình thường. Người ta bắt buộc đoạn nào ngăn dòng chảy qua thì phải để một lượng nhất định dòng chảy qua đó để người dân có. Thực tế, làm thủy điện cứ làm, cho "chảy" theo ý của mình! Đó là vô trách nhiệm!

Chống lũ cũng tương tự. Đáng lẽ thủy điện phải ở những hồ có dung tích lớn, phải tham gia chống lũ. Đằng này, không tham gia mà còn làm lũ nặng thêm ở chỗ ngoài lũ tự nhiên còn xả thêm nước trong hồ. Ở các nước, tất cả những cái đó họ làm rất cẩn thận.

Chống hạn cũng vậy. Khi thiếu nước, thủy điện cứ tích đầy nước để sản xuất điện, không xả lũ cho bà con có nước sinh hoạt, tưới tiêu?

Những vấn đề này, các nước đều quy định rất rõ ràng khi cấp phép một dự án thủy điện và chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm túc. Nhưng Việt Nam lại không được như vậy?

Khi là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Giáo sư có bao giờ phải tranh luận về việc từ chối dự án thủy điện này dự án kia?

Có vài trường hợp, tôi phải tranh luận rất căng. Có cái chủ đầu tư nhất định đòi làm bằng được, nhưng xét tổng hợp lợi ích, tôi không đồng ý cho họ làm, dành nguồn nước cho mục tiêu khác như tưới tiêu của bà con. Những cuộc tranh luận như thế cực kỳ dai dẳng và tôi phải giữ được nguyên tắc để tránh không có những dự án thủy điện gây hại.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Bùi Quyền (Thực hiện)