Chiều 21/11 (theo giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Dominica, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Học viện Giáo dục cấp cao về đào tạo ngoại giao và lãnh sự Cộng hòa Dominica với chủ đề: "Nâng tầm cao mới trong quan hệ Việt Nam-Cộng hòa Dominica: Nhịp cầu hữu nghị, hợp tác giữa Đông Nam Á và Mỹ Latinh".
Tham dự sự kiện, lắng nghe phát biểu của Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Ngoại giao Dominica, đông đảo các sinh viên, giáo sư Học viện Ngoại giao, quan chức Chính phủ Dominica và đại diện ngoại giao đoàn tại Thủ đô Santo Domingo.
Hiệu trưởng Học viện Ngoại giao và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Dominica nhiệt liệt chào mừng, đánh giá cao chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ và trân trọng giới thiệu với các thính giả về sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong thời gian qua, những cam kết và đóng góp của Việt Nam với các thách thức toàn cầu.
Nhiều nét tương đồng tuy cách xa nhau nửa vòng Trái đất
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được đến thăm và phát biểu tại học viện giáo dục cấp cao về đào tạo ngoại giao và lãnh sự, một trong những cơ sở nghiên cứu uy tín hàng đầu của Cộng hòa Dominica và khu vực Mỹ Latinh trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.
Chúc mừng những thành tựu mà Học viện đã đạt được, Thủ tướng đồng thời nhiệt liệt chúc mừng những bước tiến đáng tự hào cũng như vai trò, vị thế và tiếng nói ngày càng quan trọng của Cộng hòa Dominica ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng đánh giá Cộng hòa Dominica có nhiều điều kiện thuận lợi: Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp (thu hút hơn 10 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm); lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng; nền văn hoá lâu đời, giàu bản sắc; con người chân thành, tin cậy; kinh tế tăng trưởng cao, phát triển theo xu hướng vững chắc (tăng trưởng gấp 3 lần bình quân khu vực trong hơn 2 thập kỷ vừa qua); chính trị, pháp lý ổn định, ngoại giao khôn khéo.
Việt Nam và Cộng hòa Dominica tuy cách xa nhau nửa vòng Trái đất, nhưng lại chia sẻ nhiều nét tương đồng, bổ trợ cho nhau: Cùng có vị trí chiến lược ở mỗi khu vực; kinh tế bổ trợ và thúc đẩy lẫn nhau với nhiều lợi thế, tiềm năng đa dạng; văn hoá giàu bản sắc, phong phú, đa dạng, luôn lấy văn hóa là gốc vững, là cội nguồn bản sắc dân tộc; lý tưởng tương đồng, mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc và ấm no, hạnh phúc của nhân dân; chính trị tin cậy lẫn nhau; có khát vọng vươn lên giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng, đóng góp cho hòa bình, an ninh, phát triển bền vững của khu vực và nhân loại.
"Đặc biệt, chúng ta có sự gần gũi về văn hóa, về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, về tình cảm hữu nghị nồng ấm giữa hai dân tộc, vượt qua mọi thử thách của lịch sử, mọi thời gian, mọi khoảng cách. Chúng tôi luôn khắc ghi và trân trọng sự hỗ trợ quý báu của nhân dân Mỹ Latinh và Caribê, trong đó có Cộng hòa Dominica trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như quá trình xây dựng và phát triển đất nước ngày nay", Thủ tướng nhấn mạnh.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng tôi khẳng định chân lý: 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do'. Lãnh tụ giải phóng dân tộc của các bạn, Ngài Juan Pablo Duarte có câu nói nổi tiếng: 'Sống không có Tổ quốc chẳng khác gì sống không có danh dự'. Tư tưởng ấy, khí phách ấy ngày nay vẫn soi sáng mỗi bước đường đi lên của hai nước chúng ta, là sợi chỉ đỏ gắn kết những giá trị thiêng liêng nhất của hai dân tộc vì độc lập, tự do, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nhắc lại, năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp nhà cách mạng Dominica, GS. Juan Bosch sang Hà Nội dự Hội nghị các nước Mỹ Latinh đoàn kết với Việt Nam. Tượng đài GS. Juan Bosch được đặt trang trọng tại Công viên Hòa Bình, Thủ đô Hà Nội và Tượng đài vinh danh lãnh tụ Hồ Chí Minh được đặt tại một công viên ở Thủ đô Santo Domingo. Điều này là minh chứng sinh động cho tình cảm hữu nghị, son sắt, thủy chung giữa hai nước.
Tiếp đó, Thủ tướng đã dành thời gian chia sẻ với các thính giả về 3 nội dung chính: (1) Về tình hình thế giới và khu vực hiện nay; (2) Các yếu tố nền tảng, quan điểm phát triển, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam; (3) Tầm nhìn về quan hệ Việt Nam-Cộng hòa Dominica và quan hệ Việt Nam-khu vực Caribe và Mỹ Latinh thời gian tới.
Cần đặc biệt chú trọng bảo vệ hoà bình
Chia sẻ về tình hình thế giới và khu vực hiện nay, Thủ tướng cho rằng cục diện thế giới và hai khu vực đang trải qua những thay đổi sâu sắc mang tính thời đại.
Nhìn chung, thế giới về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột.
Theo Thủ tướng, trong quan hệ quốc tế hiện nay nổi lên 6 mối quan hệ cơ bản: (1) Giữa chiến tranh và hòa bình; (ii) Giữa hợp tác và cạnh tranh; (iii) Giữa mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ; (iv) Giữa đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến; (v) Giữa phát triển và tụt hậu; (vi) Giữa tự chủ và phụ thuộc.
"Điều đáng mừng là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại, là nguyện vọng cháy bỏng của tất cả các dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến tính bất ổn, bất trắc và bất định của môi trường an ninh toàn cầu ngày càng tăng. Chúng tôi xác định cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, song chúng ta không hoang mang, lo sợ mà phải bình tĩnh, tìm ra giải pháp hóa giải khó khăn, thách thức", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cho rằng, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên kết nối và hội nhập sâu rộng, kỷ nguyên công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo, tương lai thế giới đang bị tác động mạnh mẽ, định hình, dẫn dắt bởi 5 yếu tố chủ đạo, xu hướng tiên phong chủ yếu sau đây.
Thứ nhất, sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang thay đổi thế giới.
Thứ hai, tác động tiêu cực của các thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, thiên tai, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia...
Thứ ba, xu hướng gia tăng phân tách, phân tuyến, phân cực dưới tác động của cạnh tranh địa-chiến lược và địa- kinh tế trên toàn cầu.
Thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT).
Thủ tướng khẳng định, những vấn đề trên đây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động, ảnh hưởng sâu rộng, toàn diện đến mọi quốc gia, mọi người dân trên thế giới; không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được một mình. Vì vậy, cần có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu.
Theo Thủ tướng, hơn lúc nào hết, việc chung tay, góp sức định hình một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đề cao chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm thiết thân của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam và Cộng hòa Dominica.
Cần đặc biệt chú trọng bảo vệ hoà bình; nếu trường hợp để xung đột xảy ra thì dù có bên nào thắng cũng đều mất mát, hy sinh, Thủ tướng nhận định và chia sẻ thêm: Sau Thế chiến II, không có dân tộc nào chịu nhiều đau thương, mất mát như dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều đau thương, hy sinh, mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh, sự chia cắt, bao vây, cấm vận của thế kỷ trước, Việt Nam hiểu hơn ai hết và rất trân trọng sự quý giá của hòa bình, hợp tác và phát triển.
5 bài học kinh nghiệm và 3 yếu tố quan trọng cần nắm bắt
Về các yếu tố nền tảng, quan điểm phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam nhất quán tập trung xây dựng 3 yếu tố nền tảng chủ yếu: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm mang tính nguyên tắc xuyên suốt: Giữ vững ổn định chính trị; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam đặt mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Trên cơ sở đó, Việt Nam thực hiện 6 chính sách trọng tâm về đối ngoại; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế; xây dựng nền văn hóa; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng cho biết, sau gần 40 năm Đổi mới, từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với 32 quốc gia; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế; đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại (kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt khoảng 800 tỷ USD); xếp thứ 11/133 về chỉ số đổi mới sáng tạo; tăng 11 bậc trên bảng xếp hạng hạnh phúc năm 2024.
Tăng trưởng kinh tế và đầu tư của Việt Nam là điểm sáng của khu vực (GDP năm 2024 ước tăng trên 7%; thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 39-40 tỷ USD). An sinh xã hội, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị- xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Việt Nam cũng đi đầu trong thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), ngày càng chủ động đóng góp cho các quan tâm chung của toàn cầu, trong đó có các nỗ lực gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, cứu trợ cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo. Việt Nam cam kết mạnh mẽ chuyển đổi năng lượng, hướng tới đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Thủ tướng chia sẻ 5 bài học kinh nghiệm của Việt Nam: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết (đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế); kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Từ thực tiễn đổi mới của Việt Nam, có thể đúc kết: "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp". 3 yếu tố quan trọng cần phải nắm bắt là thời gian; trí tuệ; sự quyết đoán, kịp thời, đúng thời điểm.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Việt Nam tập trung thực hiện hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo dảm các cân đối lớn của nền kinh tế; làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trường mới (như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn...); huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hoà giữa nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội, nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tầm nhìn quan hệ Việt Nam với Dominica và khu vực Mỹ Latinh-Caribe
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với Cộng hoà Dominica. Đặc biệt, với sự tin cậy chỉnh trị sâu sắc và chia sẻ nhiều nét tương đồng, bổ trợ cho nhau, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo Cộng hoà Dominica thống nhất thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn trên các lĩnh vực; vì lợi ích chung của Nhân dân hai nước; đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng đề xuất hai nước cần sớm có các cơ sở, nền tảng pháp lý thuận lợi; trong đó cần tập trung đàm phán, ký kết các hiệp định về thương mại tự do, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, miễn thị thực nhập cảnh, du lịch, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, năng lượng, dầu khí, viễn thông, nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị tăng cường hợp tác trên 6 lĩnh vực ưu tiên
Thứ nhất, tiếp tục gìn giữ, cũng cố, vun đắp tin cậy chính trị, nhất là trao đổi đoàn cấp cao, thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, đoàn kết giữa Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước; đẩy mạnh hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân.
Thứ hai, đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ song phương, tương xứng hơn tiềm năng mỗi bên; xác định và quyết liệt triển khai các dự án lớn mang tính biểu tượng trong quan hệ song phương, mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.
Thứ ba, tăng cường hợp tác về nông nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - những lĩnh vực còn nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa hợp tác giáo dục, đào tạo, giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch, văn hóa. Trong đó, Thủ tướng đề nghị Học viện Ngoại giao Việt Nam tăng cường hợp tác với Học viện Giáo dục cấp cao về đào tạo ngoại giao và lãnh sự Dominica, nhất là trao đổi sinh viên.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác đa phương, đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường đoàn kết và hiểu biết giữa các dân tộc.
Thứ sáu, đóng góp tích cực, chủ động hơn cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.
Thủ tướng cho biết, trong tổng thể chính sách đối ngoại, Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước khu vực Mỹ latinh và Caribe, trong đó quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước chúng ta là một cầu nối quan trọng giữa 2 khu vực.
Quan hệ Việt Nam-Mỹ Latinh và Caribe được xây dựng trên bề dày nền tảng của tình cảm hữu nghị truyền thống và sự ủng hộ của nhân dân khu vực Mỹ Latinh và Caribe đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam trong thế kỷ XX.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có thời gian lưu lại một số nước khu vực Mỹ Latinh, như Brazil, Uruguay, Argentina. Người nhiều lần khẳng định, nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ Latinh và Caribe là những người bạn, người anh em gắn bó mật thiết với nhau trong mục tiêu chung đấu tranh chống lại sự nô dịch, áp bức, bất công, thực hiện hòa bình, độc lập và phát triển giàu mạnh, tiến bộ, để mang lại tự do, hạnh phúc thực sự cho toàn thể nhân loại, toàn thể nhân dân.
Từ nền tảng lịch sử bền vững đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với toàn bộ 33 nước trong khu vực và thiết lập cơ chế tham khảo chính trị với 17 nước, trong đó có Cộng hòa Dominica.
Quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và khu vực đã tăng gần 2 lần trong 8 năm qua, từ 11 tỷ USD năm 2016 lên 21 tỷ USD năm 2023. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đầu tư vào khu vực Mỹ Latinh và Caribe.
Đông Nam Á và Mỹ Latinh-Caribe là các khu vực hòa bình, giàu tiềm năng to lớn để trở thành những cực tăng trưởng mới của thế giới đa cực, đa trung tâm. Hai khu vực cùng có thị trường quy mô lớn hơn 600 triệu dân; lợi thế lực lượng lao động dồi dào; tài nguyên, khoáng sản phong phú; có khát vọng đổi mới và hội nhập mạnh mẽ.
Ở Đông Nam Á, ASEAN là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, là mắt xích trung tâm trong các cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Còn khu vực Mỹ Latinh và Caribe hội tụ nhiều nền kinh tế năng động, là "vựa nông sản" của thế giới, là trung tâm năng lượng toàn cầu, nắm giữ hơn 1/5 trữ lượng kim loại đặc biệt quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, quan hệ Việt Nam-Cộng hòa Dominica đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác to lớn trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2025, trở thành một ví dụ điển hình về hợp tác Nam- Nam và giữa hai khu vực Đông Nam Á-Mỹ La tinh.
Nhìn về triển vọng trong vài thập kỷ tới, Thủ tướng tin tưởng chắc chắn, mối quan hệ Việt Nam-Cộng hòa Dominica ngày càng đơm hoa kết trái. Việt Nam và Cộng hòa Dominica đang đứng trước những cơ hội lớn lao để tận dụng các tiềm năng sẵn có trong quan hệ song phương, hướng tới tầm vóc quan hệ cao hơn, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội ở hai khu vực và trên thế giới.
Theo chinhphu.vn