Điểm trung chuyển hấp dẫn
Với tốc độ tăng trưởng như trên, ngành logistics đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch XNK của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia đánh giá rất cao tiềm năng phát triển ngành logistics Việt Nam.
Giám đốc điều hành SLP Việt Nam - một DN hoạt động lĩnh vực logistics, ông Edwin Chee, nhấn mạnh, vị trí chiến lược của Việt Nam là một trung tâm trung chuyển nổi bật ở châu Á. Tận dụng lợi thế này, các DN có thể giảm đáng kể chi phí logistics. Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư FDI và các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL) toàn cầu.
Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Lê Văn Hiệp cũng cho rằng, chúng ta có tiềm năng phát triển lĩnh vực logistics khi Nhà nước đang dành sự quan tâm - đầu tư nhiều nguồn lực.
Theo ông Hiệp: “Kim ngạch XK của Việt Nam trong những năm qua luôn từ 14% trở lên. Nền kinh tế có độ mở lớn, tỷ trọng XNK của DN FDI rất lớn. Dịch vụ logistics phải phát triển theo kịp để phục vụ nhu cầu đó. Thực tế, ngành logistics Việt Nam đang phát triển tiệm cận với các nước trong khu vực. Bằng chứng là, chỉ số đo lường năng lực logistics của Việt Nam đứng thứ 43 thế giới.
Đặc biệt, thuận lợi của ngành đó là Nhà nước, cũng như xã hội ngày càng quan tâm hơn như tuyển sinh các ngành đại học, yêu cầu về đầu vào ngày càng tăng, chứng tỏ đánh giá cả xã hội với ngành ngày càng cao”.
Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường - Tập đoàn VinaCapital, ông Michael Kokalari đánh giá, sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành logistics tại Việt Nam, có tính bền vững:
“Trước hết, do sự mở rộng liên tục của lĩnh vực sản xuất được thúc đẩy bởi việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Tiếp đến là sự tăng trưởng liên tục của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, cũng mang đến nhiều cơ hội đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng lạnh, vì nhu cầu cao đối với thực phẩm tươi sống và một số sản phẩm dược dễ bị hư hỏng, cũng như dịch vụ giao hàng chặng cuối trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thương mại điện tử ở Việt Nam đang tăng trưởng hơn 25% mỗi năm. Chính phủ đặt ra mục tiêu lớn hơn của thương mại điện tử đối nền kinh tế đất nước trong tương lai. Điều này, có khả năng tạo ra một môi trường pháp lý đặc biệt thuận lợi cho dịch vụ giao hàng chặng cuối và các công ty dịch vụ logistics khác”.
Các nước đánh giá cao
Tại Đại hội thế giới - Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Brussels (Bỉ) ngày 4/10, Giám đốc điều hành của Công ty Intrapass GmbH (trụ sở tại Thụy Sĩ), ông Anis Khan cho hay, năm ngoái ông đã tới Việt Nam và nhận thấy những tiềm năng to lớn của ngành logistics. Các hoạt động hậu cần, cũng được Chính phủ ủng hộ, hỗ trợ. Đây chính là những thuận lợi để Việt Nam phát triển mạnh ngành dịch vụ logistics.
Tổng giám đốc FIATA, ông Stéphane Graber cho biết đã có chuyến khảo sát ở Việt Nam mùa hè vừa qua, để chuẩn bị cho FIATA World Congress (Đại hội FIATA thế giới - FWC) tổ chức tại Việt Nam, trong 2 năm tới. Sau đại dịch Covid-19, một số hoạt động nhất định đang được phân bổ lại ở châu Á và một trong những điểm đến của hoạt động logistics là Việt Nam.
Do ngày càng có nhiều hoạt động sản xuất được thực hiện ở Việt Nam nên Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành hậu cần. Việt Nam không chỉ được hưởng lợi từ tất cả các phương thức vận tải hàng không, hàng hải, đường sắt, mà còn cả đường sông - là những lợi thế để xây dựng một trung tâm hậu cần của khu vực.
Theo ông Stéphane, Việt Nam đang áp dụng các thông lệ tốt nhất trong phát triển logistics, có nhu cầu thực sự về phát triển, chuyên môn và đào tạo nội bộ.
Để phát triển ngành logistics, Tổng Thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, Lê Duy Minh cho rằng, cần sự quan tâm của Chính phủ; phải có những tác động tới xã hội về tầm quan trọng của dịch vụ hậu cần. Riêng VLA, đã rất nỗ lực bằng nguồn lực xã hội hóa của mình, chủ động cùng với các hội viên vận động từ năm 2019, tại Capetown (Nam Phi), năm 2022 tại Busan (Hàn Quốc) mới đạt được thành công giành quyền đăng cai tổ chức FWC.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu và nhiều nhà máy chuyển sản xuất sang Việt Nam - đã tạo thuận lợi cho ngành logistics. Ngoài ra, các hiệp định thương mại thực hiện với 16 nước, cùng với lợi thế, tiềm năng thương mại với Mỹ - là những lợi thế cho thấy ngành dịch vụ hậu cần Việt Nam chắc chắn sẽ có cơ hội lớn.
Cơ hội cho các nhà đầu tư
Một điểm đáng lưu ý, theo ông Michael Kokalari, ngành logistics Việt Nam vẫn còn phân tán, rời rạc và chính điều này mang đến cơ hội hấp dẫn cho các quỹ đầu tư vào công ty tư nhân, cũng như các nhà đầu tư khác có khả năng giúp DN trong nước tăng trưởng doanh thu - lợi nhuận bằng cách áp dụng các kinh nghiệm thực tiễn quốc tế tốt nhất.
Ông Michael Kokalari nêu: “Quan điểm của chúng tôi, cơ hội rất hấp dẫn cho các công ty trong nước. Điều này, xuất phát từ thực tế là các khách hàng nước ngoài sẵn sàng trả giá cao cho các dịch vụ logistics đáng tin cậy và nhu cầu của khách hàng trung lưu đối với các sản phẩm và dịch vụ đòi hỏi logistics chất lượng cao đang tăng nhanh.
Lợi nhuận đầu tư dài hạn được tạo ra từ các công ty này sẽ tăng lên, bởi vì các công ty trong lĩnh vực logistics có đủ quy mô và được quản lý chuyên nghiệp - sẽ hưởng lợi chi phí giảm theo thời gian, do cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và các vấn đề khác sẽ được cải thiện”.
VinaCapital cũng kỳ vọng vào mức lợi nhuận đầu tư hấp dẫn đối với các công ty logistics - được hưởng lợi từ việc gia tăng sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam. Bởi lẽ, sự phát triển của ngành sản xuất công nghệ cao, kéo theo nhu cầu gia tăng đối với các dịch vụ logitstics có giá trị cao như kho ngoại quan để tập trung hàng hóa có giá trị tương đối cao, trước khi các sản phẩm đó được XK.
Ông Michael Kokalari nhìn nhận, có 3 chiến lược đầu tư tiềm năng, gồm: i/Đầu tư vào các công ty logistics hàng đầu để phát triển thành một nền tảng tích hợp - có thể cung cấp cho khách hàng lợi thế về mặt chi phí; ii/Xác định các tài sản cụ thể cần vốn để nâng cấp, hoặc có thể được tái sử dụng và thúc đẩy tăng trưởng bằng cách tăng sự hiệu quả trong vận hành; iii/Mua bán và sáp nhập.
Đáng chú ý, một nhánh hấp dẫn trong ngành logistics của Việt Nam là dịch vụ thủ tục hải quan, trong đó đơn vị trung gian có năng lực tốt, có thể đẩy nhanh việc thông quan hàng hóa trong và ngoài nước bằng cách đảm bảo tuân thủ các quy định phức tạp được yêu cầu…
Bùi Quyền