Thông tin được ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) 2024, tổ chức chiều 8/4.

Dẫn thông tin từ một cuộc khảo sát thực hiện với các doanh nghiệp Đài Loan, ông Thạch Thụy Kỳ nói rằng, Việt Nam và Philippines được bình chọn là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn đầu tư vào các ngành truyền thống. Còn trong các ngành điện tử công nghệ cao, Việt Nam cũng là lựa chọn đầu tiên, sau đó mới đến Indonesia, Ấn Độ hay Philippines.

“Việt Nam có sức hút lớn với các doanh nghiệp Đài Loan”, ông Thạch Thụy Kỳ chia sẻ.

Bên lề diễn đàn, hơn 2.000 doanh nghiệp Đài Loan thuộc 176 hiệp hội thành viên đến từ 72 nền kinh tế trên toàn thế giới đã cùng tề tựu, tham gia vào các hoạt động triển lãm, trưng bày gian hàng, kết nối kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian qua, hầu hết các tập đoàn điện tử lớn của Đài Loan như Foxconn, Wistron, Qisda, Pegatron, Compal, Quanta… đều đã đầu tư vào Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết trong năm 2023, nguồn vốn đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2022. Tính lũy kế, Đài Loan hiện đứng thứ 4/105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với gần 3.200 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 39,5 tỷ USD. Đài Loan cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chia sẻ tại Diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chia sẻ tại Diễn đàn.

“Đài Loan là một nền kinh tế lớn, với trình độ công nghệ kỹ thuật cao. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn của Đài Loan đều đã có hiện diện, đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử, bán dẫn…, những lĩnh vực Đài Loan có thể mạnh, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.

Ông cũng đề nghị doanh nghiệp Đài Loan tăng cường chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng cường hỗ trợ đào tạo lao động tay nghề cao, tạo điều kiện để hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khi đầu tư tại Việt Nam, bên cạnh vấn đề tuân thủ pháp luật, Thứ trưởng Trần Duy Đông kêu gọi các doanh nghiệp Đài Loan tích cực hợp tác với doanh nghiệp địa phương, đồng thời tiếp tục quan tâm đến đời sống người lao động và công tác an sinh xã hội.

Trong khuôn khổ sự kiện, ông CY Huang, Chủ tịch sáng lập Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á nói rằng, Việt Nam là điểm đến tiềm năng của nhà đầu tư Đài Loan. Ông cho biết theo nhận định của các doanh nghiệp Đài Loan, Việt Nam được coi là một mắt xích quan trọng trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á.

Cũng theo ông CY Huang, Việt Nam và Đài Loan có nhiều nét văn hóa tương đồng, giúp giảm thiểu rào cản giao tiếp và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam sở hữu lợi thế dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các ngành công nghiệp đa dạng nên tạo cơ hội đầu tư rộng mở cho doanh nghiệp Đài Loan.

Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư từ Đài Loan, các doanh nghiệp Đài Loan bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ giải quyết bài toán thiếu điện, xây dựng cơ chế nhằm giảm thiểu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời tích cực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành điện tử, bán dẫn.

Hà Trần (t/h)