Trong quá trình tìm hiểu thông tin về ngành xi-măng, sự vận động tình hình tài chính tại các dự án xi-măng của VICEM đã gây sự chú ý đặc biệt đối với chúng tôi. Đó là khả năng “ tung hứng” với các khoản vốn Nhà nước mà hậu quả cuối cùng là… thất thoát!

Suất đầu tư “ ngất ngưởng” Về quy mô, hiện VICEM có ba thành viên do Tổng công ty (TCT) nắm giữ 100% vốn điều lệ, đó là các công ty xi-măng Tam Điệp, Hoàng Thạch, Hải Phòng. Đồng thời, VICEM cũng sở hữu  tỷ lệ chi phối tại năm công ty xi-măng  khác và có vốn tại một liên doanh xi-măng. Trong nhiều năm, một số dự án của VICEM đã được Chính phủ bảo lãnh vốn vay.

Tuy nhiên, khi thực hiện thì bản thân các thành viên của VICEM  lại đi vay vốn đối ứng để xây dựng nhà máy. Thậm chí, nhiều dự án của VICEM, như: xi-măng Hoàng Mai, Hà Tiên, Tam Điệp, đã vay từ 95% đến 100% tổng vốn đầu tư. Đặc biệt là dự án Hà Tiên (hoàn thành năm 2010), vay gần như toàn bộ tổng vốn đầu tư 5.400 tỷ đồng.

Đầu tư theo kiểu “ tay không bắt giặc” đã là một sự liều lĩnh khi đẩy dự án vào tình thế chưa vận hành đã gặp nguy hiểm về tài chính. Nhưng đồng thời các dự án của VICEM cũng có suất đầu tư ở mức cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, nhà máy xi- măng Hoàng Mai ( công suất 1,4 triệu tấn/ năm, xây dựng từ năm 1999) đã vay tới 100% tổng số gần 3.300 tỷ đồng vốn đầu tư. Suất đầu tư bình quân của dự án này lên tới 2,35 triệu đồng/ tấn. Gần hơn, năm 2014, nhà máy xi-măng Tam Điệp được đầu tư 3.785 tỷ đồng, công suất 1,4 triệu tấn/năm, suất đầu tư bình quân hơn 2,7 triệu đồng/ tấn. Trong khi đó, dây chuyền 3 của xi-măng Hoàng Thạch ( đầu tư năm 2007), công suất 1,2 triệu tấn/ năm, nhưng chỉ đầu tư hết 2.500 tỷ đồng,

Suất đầu tư bình quân 2,05 triệu đồng/ tấn.

Vay nợ để nâng cao năng lực sản xuất, không quá lạ khi các dự án của VICEM phần lớn đều khó khăn chỉ để trả nợ, chứ chưa bàn tới chuyện có lợi nhuận. Theo VICEM, TCT không bị lỗ dù phải trả nợ đầu tư là 4.500 tỷ đồng (?).Tuy nhiên , sẽ là thú vị nếu nhìn lại cách mà VICEM “ không bị lỗ”. Với đề nghị của VICEM, Bộ Tài chính đã phải giãn nợ cho xi-măng Hoàng Mai, và trả nợ hộ cho xi –măng Tam Điệp. Đồng thời, với việc “ xin” Chính phủ ứng vốn trả nợ … hộ, VICEM tiến hành hoạt động tái cơ cấu tài chính bằng cách… gộp các khoản nợ, thua lỗ vào vốn điều lệ của doanh nghiệp thành viên.

Tại công ty CP xi-măng Hà Tiên, VICEM đã “ đòi nợ” trị giá 1.261 tỷ đồng bằng cách mua 120 triệu cổ phần tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp này, với giá 10.000 đồng/ cổ phần, gấp đôi giá thị trường tại thời điểm mua . Đồng thời, VICEM mua tiếp hơn 16,4 triệu cổ phiếu với giá 10.000 trên cổ phiếu, gấp gần 2,5 lần giá thị trường, để nắm 76,55% vốn điều lệ của xi-măng  Hải Vân. Trong các văn bản giải thích với Bộ Xây Dựng để xin cấn nợ theo phương án “ lỗ gộp gốc”, VICEM tin tưởng tuyệt đối vào tương lai vô cùng “ sáng” của các doanh nghiệp ngành xi-măng, và xem đó như giải thích cho đề xuất được nhận trả nợ bằng cổ phiếu với giá gấp hai lần giá thị trường.

Tất nhiên, cách tăng tỷ lệ nắm giữ mà VICEM đã thực hiện tại xi-măng Hà Tiên  và xi-măng Hải Vân đã giúp TCT này xóa được ( dù chỉ trên giấy) món nợ hàng nghìn tỷ đồng đã mất khả năng thu hồi, nên có thể coi là lỗ trong hoạt động. Nhưng thực tế đây lại là thiệt hại bằng tiền mặt của vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Vì thực tế tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của VICEM tại doanh nghiệp đã tương ứng với tổng tài sản của doanh nghiệp ấy. Do vậy, khi tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ tại doanh nghiệp của VICEM tăng, mà tổng tài sản của doanh nghiệp không tăng, thì cũng tương ứng với việc Nhà nước đã mất thêm hàng nghìn tỷ đồng một cách vô ích. Điều đó không thể coi là thành tích của VICEM trong tái cơ cấu tài chính TCT, mà thực ra nên coi là một thủ thuật gian dối về tài chính để tránh trách nhiệm làm mất vốn Nhà nước.

Hợp đồng “ im lặng”

Nhưng đó cũng chưa phải toàn bộ những bất trắc về tài chính đã diễn ra tại VICEM. Trong quá trình lần theo những rắc rối tài chính của TCT này, chúng tôi rất tình cờ tìm được những thông tin về quan hệ giữa VICEM với Công ty TNHH Vĩnh Phước . Trong “ làng  doanh nghiệp vận tải của Hải Phòng, Công ty TNHH Vĩnh Phước là doanh nghiệp “ ba không”. Không có tàu, không có xe, và hoàn toàn không có tăm tiếng. Nhưng với VICEM, đây lại là đối tác quan trọng, thậm chí quan trọng đến mức phải “ cột chặt” doanh nghiệp ấy bằng hợp đồng độc quyền vận tải toàn bộ sản lượng sản xuất của các nhà máy xi-măng phía bắc thuộc TCT.

Tại Hải Phòng, Công ty TNHH Vĩnh Phước thuê một phòng làm trụ sở tầng 2 dãy nhà cho thuê của Công ty CP Thương mại Dịch vụ cảng Hải Phòng. Nhìn căn phòng với lèo tèo bàn ghế bên trong, không ai dám nghĩ đây lại là trụ sở của công ty hiện đang độc quyền vận tải toàn bộ sản lượng hàng chục triệu tấn xi-măng và clinker do các nhà máy phía bắc của VICEM sản xuất, để đưa ra Quảng Ninh, xếp lên tàu biển. Kèm theo đó là hàng trăm tỷ đồng chi phí vận tải sản phẩm của hệ thống VICEM đã chi trả cho doanh nghiệp này.

Ở các doanh nghiệp của VICEM, có sự “ im lặng” đến khó hiểu đối với hợp đồng độc quyền vận tải đã ký giữa TCT và Công ty TNHH Vĩnh Phước. Khi được hỏi về bản hợp đồng ấy, giám đốc một doanh nghiệp thành viên VICEM đã trả lời thế này: “ Mời các anh lên hỏi TCT, chúng tôi chỉ thực hiện theo chỉ định”.

Nhưng chưa cần phải hỏi TCT, thì mọi sự bất thường trong cách vận tải của VICEM đã bộc lộ rõ trong hợp đồng vận tải ký với Công ty TNHH Vĩnh Phước. Chẳng hạn, theo hợp đồng số 33 ngày 4-1-2013, VICEM thuê Công ty TNHH Vĩnh Phước vận chuyển, xếp dỡ xi-măng, clinker từ các nhà máy của TCT tới khu neo Quảng Ninh hoặc Hải Phòng. Trong đó, đơn giá vận tải từ các nhà máy khu vực Ninh Bình đi tới các điểm neo là trong khoảng từ 120.000 – 135.000 đồng/ tấn.

Có hợp đồng với VICEM, Công ty TNHH Vĩnh Phước tiến hành ký một loạt hợp đồng nhỏ với các doanh nghiệp khác, chia nhỏ thành nhiều loại hình vận tải để vận chuyển xi-măng, clinker từ nơi sản xuất tới tàu biển. Công ty TNHH Vĩnh Phước không có phương tiện, không trực tiếp vận tải bất kỳ tấn sản phẩm nào, mà chỉ làm nhiệm vụ “ chia nhỏ” hợp đồng vận tải với VICEM. Nói cách khác là Công ty TNHH Vĩnh Phước chỉ điều phối việc vận tải cho VICEM, thay vì trực tiếp vận tải sản phẩm cho TCT này. Việc điều phối ấy, đã được “ bảo hộ” bởi một hợp đồng vận tải độc quyền.

Chỉ thực hiện nhiệm vụ điều phối, nhưng đơn giá VICEM thuê Công ty TNHH Vĩnh Phước vẫn là quá cao, thậm chí là cao đến mức bất thường. Trong giai đoạn đầu năm 2013, đơn giá vận tải xi-măng, clinker từ cảng Ninh Bình đến các khu neo ở Hải Phòng, Quảng Ninh dao động trong khoảng từ 68.000 – 80.000 đồng/ tấn. Nhưng VICEM đã thuê công ty TNHH  Vĩnh Phước thực hiện với đơn giá từ 120.000 – 135.000 đồng/ tấn. Sang năm 2014, đơn giá VICEM thuê Công ty TNHH Vĩnh Phước tiếp tục tăng ơ mức từ 184.000 – 199.000 đồng/tấn(?).

Giá vận tải cao ở mức bất thường, nhưng không có doanh nghiệp nào của VICEM kêu ca khi bị TCT chỉ định phải để Công ty TNHH Vĩnh Phước vận chuyển sản phẩm của họ. Người ta chỉ dám thì thầm một cách ấm ức về những mất mát từ hợp đồng ấy. Theo một kế toán đã từng làm việc cho VICEM, đơn giá hợp đồng độc quyền vận chuyển xi-măng , clinker giữa VICEM với công ty TNHH Vĩnh Phước cao hơn giá bình quân trên cùng tuyến vào khoảng 20.000 – 25.000 đồng/tấn. Và tổng số tiền chênh lệch từ “ giao dịch độc quyền” này có thể đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đương nhiên, chênh lệch ấy được VICEM hạch toán trong chi phí sản xuất, từ đó làm giảm lợi nhuận, giảm hiệu quả hoạt động của TCT này. Đó cũng không là kết luận  võ đoán của chúng tôi, mà thực tế là kết luận từ chính cơ quan chủ quản  của VICEM. Tại buổi họp với VICEM tháng 9 -2013, để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chính TCT này, thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nhận xét, chi phí sản xuất của VICEM còn cao, trong khi công nghệ đã đầu tư hiện đại so khối liên doanh và tư nhân.

Đó là nhận xét xác đáng và thâm thúy. Cái “ chi phí sản xuất còn cao” được nhắc đến ấy, dường như còn bao hàm cả những khuất tất về chi phí mà VICEM đang khỏa lấp trong bức tranh tài chính của TCT này.

Theo Thời Nay