Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép cổ phần hoá công ty mẹ – Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Mục đích là để huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ của công ty cổ phần, được thực hiện trong năm 2014”, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất.

Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, ACV cần tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ ở tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện các dự án đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là hai dự án lớn nhất: dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất lên đến 100 triệu khách/năm và dự án mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài để đạt công suất 50 triệu khách/năm.

Đặc biệt, đối với dự án xây mới cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự án này ước tính giai đoạn 1 (2014 – 2020) sẽ cần khoảng 5,6 tỉ đôla Mỹ, trong đó, vốn nhà nước và vốn vay ODA chiếm khoảng 53%, 47% còn lại là vốn tư nhân.

Vì vậy, việc cổ phần hoá có thể được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của quá trình huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho dự án.

“Để thực hiện các dự án nói trên đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nguồn vốn cấp từ ngân sách rất hạn hẹp. Do vậy, để huy động được các nguồn lực thì việc cổ phần hoá công ty mẹ nhằm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác là cần thiết”, Bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải.

Trước đó, trả lời các cử tri TP.HCM về sân bay Long Thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay: “Theo đề nghị của các bộ: Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội, TP.HCM về việc sử dụng có hiệu quả đất thuộc khu vực tĩnh không của sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Gia Lâm để xây dựng sân golf và một số công trình thể thao phù hợp (như nhiều nước đã làm), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ Quốc phòng lập quy hoạch các sân golf nói trên, quyết định cụ thể việc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ của từng dự án, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động bình thường của sân bay và phù hợp quy hoạch chung của hai TP. Thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng và thuê đất. Trường hợp Nhà nước cần thu hồi đất thì phải trả lại và không được bồi thường”.

Về việc đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến năm 2020 sẽ là một trong 10 Cảng hàng không quốc tế của mạng cảng hàng không – sân bay toàn quốc.

Định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được tiếp tục đầu tư mở rộng các giai đoạn tiếp theo để đảm bảo vai trò thay thế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trở thành Cảng hàng không quốc tế quan trọng nhất của khu vực phía Nam và là cảng hàng không quốc tế lớn nhất toàn quốc, là trung tâm trung chuyển hành khách của khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế, với công suất 80-100 triệu khách/năm.

Thông tin Bộ GTVT xin cổ phần hóa ACV được đưa ra không lâu sau khi Vietnam Airlines, hãng hàng không lớn nhất Việt Nam kêu gọi Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines – JPA bắt tay cùng khai thác ngành hàng không.

Chủ tịch hội đồng thành viên Vietnam Airlines, ông Phạm Viết Thanh cho biết, một trong những kiến nghị được tổng công ty này đặc biệt nhấn mạnh với lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo lợi thế cho ngành hàng không Việt Nam trong năm 2014.

Đó là phải làm sao có giải pháp để các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng không nói chung, từ các hãng hàng không, công ty dịch vụ mặt đất, đơn vị quản lý bầu trời… kết nối lại với nhau, tạo nên sức mạnh tập thể để cạnh tranh “ở tầm quốc gia” với các hãng hàng không các nước khác, chứ không chỉ là cuộc cạnh tranh nội bộ của các hãng hàng không nội địa.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, Bộ này đã giao cho Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu làm đầu mối để kết nối các đơn vị liên quan trong lĩnh vực hàng không để lắng nghe kiến nghị cụ thể, giải quyết hoặc kiến nghị Chính phủ nhằm có cơ chế thuận lợi để nâng cao cạnh tranh quốc gia về hàng không.

Theo số liệu mới nhất (tháng 12/2013) từ Cục Hàng không Việt Nam, tại thị trường trong nước, hiện Vietnam Airlines nắm giữ 57,1% thị phần, Vietjet Air vươn lên nắm 26,1%; Jetstar Pacific Airlines 15,2% cho thấy ba hãng hàng không này gần như chiếm lĩnh toàn thị trường bay.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ GTVT kiến nghị xin cổ phần hóa ACV cùng với việc ba hãng hàng không bắt tay với nhau, liệu có phải Bộ đang mở đường cho cơ chế độc quyền thị trường hàng không mới?

Theo SGTT