Vấn đề không mới vẫn tồn tại trong điều hành hoạt động kinh tế - xã hội: Sợ trách nhiệm
Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật thì phải đánh giá để có định lượng, chứ nêu chung chung và định tính và cảm tính tinh thần thái độ… thì rất khó. Bởi như vậy mới có thể đưa ra giải pháp, xử lý nghiêm theo Luật Cán bộ công chức mới có thể chuyển biến...
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội ra nghị quyết, Chính phủ điều hành thực hiện với quyết tâm rất lớn, kinh tế - xã hội nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong đó nổi bật là khu vực công nghiệp xây dựng, nông lâm thuỷ sản, dịch vụ lấy lại đà tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.
“Năm 2023 tăng trưởng 5,05%, dù không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng như thế so với các nước trên thế giới và khu vực, có nước tăng trưởng âm, là nỗ lực rất lớn của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đời sống người dân, chăm lo cho người nghèo được quan tâm; công tác đối ngoại được tăng cường, quốc phòng an ninh đảm bảo. Công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực được quan tâm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều tiến bộ.
Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn khi báo cáo cho thấy kim ngạch xuất khẩu, tiêu dùng tư nhân, đầu tư tư nhân năm 2023 giảm, thị trường bất động sản mấy năm nay trầm lắng. Do đó, Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn, làm rõ nguyên nhân để từ đó có giải pháp cho thời gian tới. Đặc biệt, cần quan tâm tính bền vững của các động lực trăng trưởng.
Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh, trước tình hình bối cảnh quốc tế vừa qua, tình hình mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ diễn ra hết sức khốc liệt trên thế giới dẫn tới hình thành các khối, cực cạnh tranh gay gắt với nhiều hình thức, vừa chia cắt, vừa bảo hộ thị trường, vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đi ngược lại quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành hết sức sáng suốt, khôn khéo tận dụng thời cơ để phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia. Điều này đã và đang đem lại những khởi sắc cho nền kinh tế.
Về kết quả thu ngân sách so với báo cáo tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã vượt 8,2%, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội và dự toán năm 2023 rất tích cực, đây là cơ sở quan trọng để tăng chi đầu tư cho nhiều công trình, dự án quan trọng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Tạ Thị Yên, cũng không thể không nhắc đến một số biến động bất thường của thị trường, ví dụ như thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy có sự không ổn định. Điều đó cho thấy cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.
Người thực thi công vụ còn sợ trách nhiệm
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phản ánh việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy.
“Có những việc trước đây vẫn quyết mà bây giờ không dám quyết, có nhiều việc cứ hỏi lên cấp trên, hỏi cả sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật ấn tượng Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng quyết liệt, sát thực tiễn, đóng góp vào nhiều kết quả trong các lĩnh vực, nhất là 3 khâu đột phá thể chế, hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, còn nhiều thách thức, nhất là có 5 chỉ tiêu không đạt trong đó có chỉ tiêu quan trọng về năng suất lao động, tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong sản phẩm công nghiệp.
Đề cập giải pháp vừa giải quyết vấn đề trước mắt, căn cơ, ông Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, chất lượng công việc của cán bộ công chức.
Ông cho rằng, Chính phủ cần có đánh giá, thống kê sâu hơn về thực trạng tại các báo cáo nêu, vẫn được nhắc lại, rằng “tình trạng một bộ phận cán bộ công chức chưa quyết liệt kịp thời, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai”.
Sợ trách nhiệm, theo ông ở đây là trách nhiệm phải thực hiện theo quy định. Đây là vấn đề không mới. Tính tới hết năm 2023, theo báo cáo Chính phủ, đã xử lý kỷ luật hơn 17.800 trường hợp. Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần đánh giá, bóc tách các nhóm vi phạm, nhất là nhóm liên quan tới vi phạm Luật Cán bộ công chức, về đạo đức công vụ, cụ thể là trốn tránh trách nhiệm, thoái thách nhiệm vụ, tự ý bỏ công việc.
“Phải đánh giá để có định lượng, chứ nêu chung chung và định tính và cảm tính tinh thần thái độ… thì rất khó. Bởi như vậy mới có thể đưa ra giải pháp, xử lý nghiêm theo Luật Cán bộ công chức mới có thể chuyển biến. Cần phải xem đơn vị nào xảy ra tình trạng như vậy. Trường hợp đơn vị nào có cán bộ công chức vi phạm thì cũng phải xem xét trách nhiệm lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó. Chính phủ cần báo cáo cụ thể hàng năm về vấn đề này”, vị đại biểu nêu ý kiến.
Ông Đồng Ngọc Ba cũng lo ngại chất lượng vị trí việc làm cán bộ công chức trong bộ máy Nhà nước. Theo ông, vừa qua Chính phủ và các cơ quan liên quan đã nỗ lực xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm, đúng người đúng việc, rõ quy trình, song chất lượng và sự phù hợp vị trí việc làm để tạo động lực, đảm bảo chất lượng hoạt động bộ máy hoạt động còn rất bất cập. Do đó, cần sự đầu tư thoả đáng để đánh giá.
“Vị trí việc làm phù hợp là tiền đề cho cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương. Nếu cải cách tiền lương trên nền vị trí việc làm chưa đảm bảo chất lượng, sẽ không đảm bảo về dài hạn”, đại biểu Ngọc Ba nói. Đồng thời, đại biểu Ngọc Ba cho biết, theo phản ánh cán bộ, công chức, nhiều đơn vị có công việc nặng, quan trọng nhưng họ lo thu nhập sẽ giảm khi chế độ tiền lương mới thực hiện vì hiện ngoài lương còn có các thu nhập khác, nhưng theo cải cách tiền lương thì sẽ chỉ còn lương.
Thiếu các chức danh hành chính nhà nước khiến mọi việc bị tắc
Đại biểu Nguyễn Tạo, tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Tình hình thực tế hiện nay cho thấy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ có lẽ cần chấn chỉnh một số bất cập. Theo ông Tạo, nhiều địa phương đang khuyết các chức danh Chủ tịch UBND, HĐND.
“Như địa phương chúng tôi (Lâm Đồng – PV) là hơn 150 ngày rồi không có Chủ tịch UBND tỉnh. Không có Chủ tịch HĐND thì cũng không có vấn đề gì lắm vì HĐND làm việc theo chế độ tập thể. Hiện chúng tôi chỉ có một Phó Chủ tịch phụ trách, mà “phụ trách” thì trong luật không có”, ông Tạo nêu thực tế.
Đại biểu Nguyễn Tạo phân tích: Nghị quyết của Đảng và Nhà nước thì cũng nói trách nhiệm của người đứng đầu, Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nói chức trách thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh.
“Thi đua khen thưởng phải ông chủ tịch, trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự phải là ông chủ tịch, chủ thể ủy quyền tố tụng hành chính phải là ông chủ tịch. Chúng tôi trên dưới 60 vụ án hành chính, kể cả sơ thẩm, phúc thẩm gần 100 vụ, nhưng mà vi phạm hết vì không có ai ủy quyền”, đại biểu Nguyễn Tạo nói và cho hay ông rất trăn trở về những vấn đề thuộc chức trách của Chủ tịch UBND tỉnh đều bị tắc.
Đại biểu Nguyễn Tạo kiến nghị, cần có tính toán để có thể giao “Quyền Chủ tịch” như trong luật. Còn Lâm Đồng bây giờ, Chủ tịch đã không có, Quyền chủ tịch cũng không. Trong khi, đây là một địa phương có tới 1,5 triệu dân với 42 dân tộc anh em sinh sống, ngân sách thu khá nhất trong các tỉnh miền núi (đạt trên 15.000 tỷ/năm).
“Vậy mà không có Chủ tịch tỉnh nên tắc hết. Từ đầu năm đến giờ chúng tôi không có một dự án đầu tư nào cả. Tha thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có giải pháp khắc phục ngay lỗ hổng pháp lý này trong trường hợp không có chủ tịch kéo dài do các cơ chế, quy trình, chính sách của Đảng và Nhà nước thì trong bao nhiêu ngày phải có chế định Quyền Chủ tịch để thực hiện các vấn đề”, đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ mong muốn.
PV (t/h)
Tin mới
Triển lãm và diễn đàn công nghệ đổi mới sáng tạo ngành khách sạn tại Đà Nẵng có gì mới
Đà Nẵng không chỉ là tâm điểm sự kiện MICE trong nước và quốc tế, là địa điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách, mong muốn góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm chia sẻ tâm điểm của nhà lãnh đạo trong ngành du lịch mến khách, và đào tạo chuyên sâu về ngành du lịch – dịch vụ.
Khởi động Chương trình Phân loại rác tại nguồn và Khánh thành Cơ sở thu hồi Vật liệu (MRF) tại Quy Nhơn
UBND thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đã chính thức khởi động Chương trình Phân loại rác tại nguồn và khánh thành Cơ sở thu hồi Vật liệu (MRF).
Mong muốn Việt Nam tiếp tục có nhiều đóng góp hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình thế giới
Phó Tổng Thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix tin tưởng, Việt Nam tiếp tục có những đóng góp hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình thế giới, qua đó khẳng định nghĩa vụ và trách nhiệm với hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời tăng cường mối quan hệ tin cậy, hợp tác với LHQ cũng như các đối tác.
Đà Nẵng công bố kế hoạch chuẩn bị đường hoa và điện chiếu sáng dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
UBND TP. Đà Nẵng vừa công bố kế hoạch đầu tư hơn 18,6 tỷ đồng cho dự án trang trí hoa và điện chiếu sáng nhằm tạo ra những điểm tham quan hấp dẫn cho người dân và khách thập phương trong dịp Tết Ất Tỵ năm 2025.
VN-Index hôm nay: Nhà đầu tư nên lưu ý tới các rủi ro tiềm ẩn
Hôm nay, ngày 23/9, thị trường cần thêm thời gian để cân bằng lại trước khi hướng tới vùng điểm 1.290 điểm, tương đương mốc 0,5 của thang đo Fibonacci mở rộng.
Tháng 10 và 11, miền Trung sẽ đón đỉnh điểm của mùa mưa bão
Từ nay đến cuối năm 2024, La Nina xuất hiện khiến tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trên cả nước. Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia nhận định, đỉnh điểm mùa mưa bão năm nay ở miền Trung có thể xuất hiện trong tháng 10 và tháng 11, không loại trừ nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ như từng xảy ra trong mùa mưa bão lịch sử năm 2020.
Câu chuyện thương hiệu
Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tháng 8 đạt 1.172 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững