Đến thời điểm này, tình hình hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC) được đánh giá khá khả quan, liên tiếp các thương vụ mua - bán đã được tiến hành trong thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận đang quan tâm là VAMC đang hoạt động thế nào và sẽ giải quyết các khoản nợ xấu mua lại từ các tổ chức tín dụng (TCTD) ra sao?

Ảnh minh họa

VAMC ra đời được nhìn nhận là một giải pháp bước đầu khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. Trước đó, không ít ý kiến lo ngại rằng việc mua bán nợ xấu của VAMC sẽ gặp nhiều thách thức.

Xử lý phù hợp với từng khoản nợ

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch VAMC khẳng định, việc mua nợ xấu trước mắt là giai đoạn đầu của VAMC, giai đoạn tiếp theo là phân loại nợ. Sau khi phân loại nợ, VAMC xác định những khoản nợ nào, doanh nghiệp (DN) nào có khả năng khắc phục được thì sẽ tiếp tục điều chỉnh, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, hỗ trợ DN để DN có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh, trường hợp cần thiết, TCTD có thể cho DN tiếp tục vay để sản xuất kinh doanh, trả được nợ mới và 1 phần nợ cũ. Đối với những DN không có khả năng sản xuất kinh doanh nữa và dẫn đến ngừng sản xuất, phá sản thì VAMC sẽ cùng với các TCTD tiến hành các thủ tục phá sản hoặc phát mại tài sản.

Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra giám sát, NHNN, về quy định, sau khi mua nợ xấu, VAMC phải giữ lại giống như giữ hàng trong kho và họ có trách nhiệm xử lý những khoản nợ xấu ấy thông qua rất nhiều biện pháp khác nhau. Họ có thể cơ cấu lại khoản nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm… Ngoài ra, VAMC có thể bán khoản nợ, thậm chí họ có thể nhận các tài sản đảm bảo thay cho nghĩa vụ nợ của khách hàng, trên cơ sở có các tài sản ấy họ tiến hành việc đầu tư, khai thác để tạo ra lợi nhuận.

Một giải pháp nữa ông Nghĩa cho rằng cũng có thể triển khai với VAMC, đó là có thể chuyển đổi các khoản nợ ấy thành vốn góp vào DN sau đó tái cấu trúc DN. “Có thể nói có rất nhiều giải pháp, VAMC sẽ phải lựa chọn sao cho phù hợp với từng khoản nợ và VAMC cũng không thể áp dụng giải pháp như nhau đối với tất cả các nhóm nợ”, ông Chánh thanh tra giám sát NHNN khẳng định.

NHNN cho biết, hiện nay có tới gần 50.000 tỷ đồng nợ xấu đang được các NHTM chào bán. Mục tiêu mà NHNN đặt ra cho VAMC là từ nay đến cuối năm có thể xử lý được 30.000 – 35.000 tỷ đồng nợ xấu mua được. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, NHNN không coi đây là phương thức duy nhất để xử lý nợ xấu mà chỉ góp phần xử lý nợ xấu. “Chúng tôi đặt mục tiêu VAMC góp phần xử lý khoảng 40% - 50% tổng số nợ xấu của các TCTD”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói.

Cần tận dụng nhà đầu tư nước ngoài

Dư luận cũng đang quan tâm đến việc các tổ chức nước ngoài muốn mua nợ xấu của các TCTD Việt Nam. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nợ xấu mà được các tổ chức nước ngoài quan tâm đến chứng tỏ rằng các khoản nợ xấu có giá. Tuy nhiên, giá như thế nào lại là điều đáng bàn. Nếu giá rẻ quá, chúng ta phải xem xét lại, cũng phải đặt vấn đề là không thể trong lúc này bán tống bán tháo tài sản của DN. Nhưng nếu người ta mua với giá hợp lý thì đây là cơ hội rất tốt. “Vì vậy, tận dụng được và được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến, họ đầu tư vốn vào để khai thác những tài sản, tái cấu trúc lại DN, đấy là điều tốt”, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Với việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đang được ví như “bệnh viện” chữa trị căn bệnh nợ xấu góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cùng với những giải pháp quyết liệt khác của NHNN, nợ xấu đang tăng chậm và bước đầu đã được xử lý. Đến ngày 30/9, con số nợ xấu theo Cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho biết, ở mức 4,62%. Người đứng đầu cơ quan này cũng khẳng định: “Nếu như ngành ngân hàng không quyết liệt trong vấn đề xử lý nợ xấu thì ngày hôm nay chúng ta phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu là 12,7%”.

Trong tương lai, NHNN kỳ vọng VAMC sẽ phát triển được năng lực chuyên môn của mình và từng bước chuyển sang mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Cùng với đó, VAMC có thể tự đứng vững và lành mạnh về tài chính, lấy thu bù chi, giảm thiểu rủi ro trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt, NHNN kỳ vọng VAMC không cần phải dùng đến tiền Nhà nước trong xử lý nợ xấu. Hiện nay, NHNN cũng đang khẩn trương hoàn thiện những thủ tục pháp lý cần thiết để hình thành thị trường mua bán nợ tập trung, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào việc mua bán nợ, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu tại các TCTD.

An Nhiên