Như TH&CL đã có loạt bài: “TP.HCM - Áp lực giao thông từ các dự án chung cư” đã phản ánh thực trạng có những tuyến đường rất nhỏ như đường Phổ Quang (Q.Tân Bình), đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh) dù rất nhỏ, nhưng chung cư mọc lên dày đặc để đón đầu việc con đường này được quy hoạch mở rộng... Đây là những điển hình của việc cấp phép tràn lan, cấp phép theo quy hoạch hạ tầng, chứ không phải theo thực tế hạ tầng đô thị. Hay có doanh nghiệp được hỗ trợ làm dự án xây dựng lại Bệnh viện Sài Gòn (Q.1), nhưng bệnh viện đó lại được di dời, nên khu vực bệnh viện hiện hữu được DN phát triển dự án bất động sản (BĐS). Như vậy chủ trương di dời bệnh viện, trường học ra ngoại thành của TP đã không được thực hiện mà còn dồn dân thêm vào khu vực nội đô. Chính những điều này đã gây áp lực lớn lên hạ tầng đô thị, từ giao thông, trường học, bệnh viện...

Dự án “ăn theo” hạ tầng - “đúng quy trình”?

Đại biểu Trương Lâm Danh, Trưởng Ban pháp chế HĐND TP. HCM cho biết hàng loạt chung cư được cấp phép xây dựng tại quận 10 đã vượt quy mô tăng dân số theo quy hoạch của quận này đến năm 2020. Ông Danh yêu cầu Sở Xây dựng giải trình việc cấp phép cho nhiều chung cư trong các con hẻm, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. “Vì sao chưa thực hiện quy hoạch mở đường, thậm chí quy hoạch không khả thi vẫn cấp phép xây chung cư trong hẻm, gây kẹt xe khiến người dân bức xúc?”, ông Danh chất vấn.

Ùn tắc giao thông vì … chung cư tại TP. HCM: Nghịch lý trong quản lý - Hình 1

Nhiều chung cư được cấp phép xây dựng đã vượt quy mô tăng dân số theo quy hoạch

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, trên địa bàn TPHCM hiện có 935 tòa chung cư với 1.249 khối nhà (block) và trên 141.000 căn hộ. Tỷ lệ nhà chung cư chiếm 8,4% tổng số nhà ở toàn thành phố và đang có xu hướng ngày càng tăng. Chung cư phân bố đều ở nội thành hiện hữu và nội thành phát triển, trong đó khu vực nội thành hiện hữu có mật độ cao hơn, tập trung chủ yếu tại các quận 1, 5,10, Tân Bình, Tân Phú.

Về cấp phép xây dựng cho các dự án chung cư trong thời quan qua, ông Tuấn khẳng định là “đúng quy trình”, trên cơ sở thống nhất các ý kiến của các sở ngành, địa phương. Đối với một số chủ đầu tư vi phạm trong xây dựng chung cư, Sở Xây dựng sẽ làm rõ trách nhiệm các cá nhân công chức, thanh tra xây dựng để xử lý nghiêm. 

Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết đã xây dựng xong dự thảo về “Đánh giá tác động giao thông khi xây dựng các công trình nhà ở” và đang lấy ý kiến rộng  rãi trước khi trình UBND Thành phố ban hành. “Khi triển khai quy định này, chắc chắn vấn đề cấp phép xây dựng các tòa nhà chung cư sẽ được đặc biệt chú ý trong việc đảm bảo hạ tầng giao thông”, ông Cường cho biết.

Quy hoạch“quên” quyền lợi người dân

Một số đại biểu chỉ ra tại nhiều dự án chung cư, chủ đầu tư sai phạm trong thi công, thậm chí lặng lẽ thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để vay nợ khiến người mua nhà trở thành “con tin” của các ngân hàng, không được cấp sổ đỏ. Một số chủ đầu tư còn cắt xén các tiện ích công cộng như công viên, trường học, xâm hại đến quyền lợi người dân.

Ùn tắc giao thông vì … chung cư tại TP. HCM: Nghịch lý trong quản lý - Hình 2

Một số chủ đầu tư còn cắt xén các tiện ích công cộng như công viên, trường học, xâm hại đến quyền lợi người dân

Ông Trần Trọng Tuấn cho biết TP. HCM còn 17 chung cư chủ đầu tư chưa thực hiện việc lập thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua căn hộ do chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất. Một số chủ đầu tư vi phạm các quy định về chuyển nhượng dự án, quá trình đầu tư xây dựng hoặc công trình xây dựng sai phép, đang chờ xử lý theo quy định.

Đối với việc “bán lúa non”, ông Tuấn nói theo quy định, chủ đầu tư phải đăng ký với Sở Xây dựng. Sở kiểm tra, khi đủ điều kiện như dự án không có thế chấp, hoặc có thế chấp nhưng ngân hàng cho phép bán thì mới được bán nhà hình thành trong tương lai. “Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro, bản thân người mua nhà cũng phải tự kiểm tra”, ông Tuấn thừa nhận.

Trao đổi với chúng tôi, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết nguyên tắc quản lý đô thị thế giới là hạ tầng đi trước đô thị. Nếu chỗ nào hạ tầng không đảm bảo thì không cấp phép, nhưng nếu doanh nghiệp vẫn muốn xây dựng nơi đó thì họ phải đóng góp tiền để làm hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu người dân tại dự án đó. “Lấy lý do phát triển mà xâm phạm quyền lợi của người dân là không ổn. Do đó, muốn làm dự án ở những nơi hạ tầng quá tải trong khi nhà nước chưa đủ nguồn lực để đầu tư, DN phải nâng cấp hạ tầng hoặc có thể làm mới. Nếu không doanh nghiệp có thể đóng tiền cho nhà nước làm thay”, KTS Sơn nói.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thừa nhận một số chung cư hiện nay thiếu mảng xanh so với quy hoạch được duyệt nhưng không nhiều. Tình trạng này là do khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư xin điều chỉnh, bỏ ra ngoài ranh dự án… “Sở sẽ tái phân bố mảng xanh khi điều chỉnh quy hoạch phân khu để đảm bảo chỉ tiêu cây xanh cho người dân”, ông Nhã hứa.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, quản lý nhà nước về chung cư trên địa bàn còn nhiều hạn chế: Chung cư cũ thì cơi nới, kiểm kê đánh giá còn nhiều sai sót. Chung cư mới vi phạm về xây dựng, vệ sinh môi trường... còn nhiều do buông lỏng quản lý sau cấp phép xây dựng. Để đảm bảo quyền lợi của người dân tại các chung cư, chậm nhất đến ngày 30/12, UBND TPHCM sẽ báo cáo với HĐND TPHCM danh mục 935 chung cư về tình trạng pháp lý, những tồn tại và vướng mắc của từng chung cư cũng như trách nhiệm cụ thể từng nơi (quận-huyện, sở-ngành, cơ quan- đơn vị) và công khai để người dân tìm đúng địa chỉ khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp.

Cao Diên – Hải Dương