Cục Thú y vừa có báo cáo về số liệu nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt. Theo đó, tính đến ngày 13/4 nước ta nhập khẩu hơn 46.402 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó nhập khẩu từ Canada 24,59%, Đức 19,32%, Ba Lan 14,14%, Braxin 9,50%, Hoa Kỳ 8,39%, Tây Ban Nha 6,72%, LB Nga 4,04%....
Việt Nam đang đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn để bù đắp nguồn cung thiếu hụt
Trong khi đó, tính cả năm 2019 số lượng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu của nước ta là 67.131 tấn (tăng 63% so với năm 2018); trong đó chủ yếu nhập khẩu từ các nước: Đức, Ba Lan, Braxin, Canada, Hoa Kỳ.
Ngoài thịt lợn, từ đầu năm đến nay nhập khẩu hơn 37.104 tấn thịt trâu bò, trong đó thịt bò tăng khoảng 200% và thịt trâu tăng 135% so với cùng kỳ năm 2019. Thịt trâu nhập khẩu 99,6% từ Ấn Độ, thịt bò nhập khẩu chủ yếu từ Úc 52,23%, Hoa Kỳ 29,62%, LB Nga 5,53%. Canada 3,90%...
Đối với thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm, Việt Nam nhập khẩu hơn 78.376 tấn; tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ 65,09%, Hàn Quốc 14,07%, Braxin 9,90%, Ba Lan 3,56%, Hà Lan 4,44%, LB Nga 0,35%....
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có 788 doanh nghiệp của 19 quốc gia được phép xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.
Đáng chú ý, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Italia là 3 quốc gia có số lượng doanh nghiệp xuất khẩu thịt vào Việt Nam nhiều nhất, lần lượt là: 141, 139, 120.
Trong khi đó, số doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn thay đổi theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào nhu cầu kinh doanh và tình hình thị trường. Từ đầu năm 2020 đến 13/4, có 108 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn.
Hằng Vương