Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã trải qua năm Đinh Dậu (2017) với những thành công ngoài kỳ vọng. Nhìn lại năm 12 năm trước cũng vào một năm “con gà” khác 2005, thị trường có ít nhiều những điểm tương đồng.

Điều đầu tiền, cả năm Ất Dậu 2005 và Đinh Dậu 2017 đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2005, VN-Index tăng 30% chạm mốc 307,5 điểm, trong khi năm 2017, VN-Index cũng tăng gần 43% lên 952,32 điểm. Điều đáng chú ý là sự gia tăng của chỉ số trong 2 năm đều tập trung về giai đoạn 4 tháng cuối năm cùng với khối lượng giao dịch bùng nổ.

Diễn biến của VN-Index trong 2 năm 2005 và 2017

TTCK Việt Nam năm Tuất nhìn từ lịch sử 2006 - Hình 1

Mặt khác, trong cả 2 năm đều diễn ra những sự kiện quan trọng đánh dấu sự phát triển của TTCK Việt Nam, trong đó có thể kể tới như Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chính thức hoạt động (2005), Thành lập Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (2005); ra đời thị trường chứng khoán phái sinh (2017), thị trường trái phiếu tăng trưởng mạnh,…

Bên cạnh đó, nhiều nghị định nghị quyết mang tính quan trọng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán cũng đều được ban hành trong 2 năm “con gà” như: Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần, Quyết định nới room ngoại hay nghị định liên quan đến quản trị công ty, nghị quyết về xử lý nợ xấu với các ngân hàng…

Từ sợi dây liên hệ giữa các năm cùng con giáp trên thị trường, bước sang năm Mậu Tuất 2018, nhà đầu tư cũng nhìn về năm Bính Tuất 2006, kỳ vọng một năm tốt đẹp với thị trường.

Quay ngược trở lại năm Bính Tuất (2006), đây là khoảng thời gian rất khởi sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam, trước khi rơi vào khủng hoảng trong 2 năm sau đó.

Kết phiên 29/12/2006, VN-Index tăng 307,5 điểm, tăng 69% so với hồi đầu năm, đạt 751,77 điểm. Trước đó, ngày 20/12/2006, VN-Index đã lập đỉnh cao nhất từ khi thị trường chứng khoán mở cửa ở mức 809,86 điểm.

Năm 2006, thị trường đã ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Trong đó, 75 công ty niêm yết mới và 1 chứng chỉ quỹ, nâng tổng số lượng doanh nghiệp niêm yết lên con số 106 và 2 chứng chỉ quỹ.

Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết tính theo giá thị trường đạt 221.156 tỷ đồng, chiếm 22,7% GDP của năm 2006, tăng 20 lần so với cuối năm 2005.

Ngoài ra, việc niêm yết trái phiếu cũng tăng đáng kể, đến cuối năm có gần 400 loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu đô thị và trái phiếu ngân hàng niêm yết với tổng giá trị trên 70.000 tỷ đồng, bằng 7,7% GDP của năm 2006. Trong đó có 3.550 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), khoảng 1.000 tỷ đồng là các loại chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán.

Với sự tăng trưởng của thị trường, số lượng nhà đầu tư gia nhập cũng tăng hơn 3 lần so với cuối năm 2005, với khoảng 100.000 tài khoản giao dịch tại các công ty chứng khoán, cao hơn 31.300 tài khoản của năm 2005. Trong đó 1.700 tài khoản (chiếm 1,7%) của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm một số nhà đầu tư quốc tế như JP Morgan, MerrII Lynch, Citigroup…

Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu niêm yết của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 25-30%. Giá trị giao dịch chứng khoán (bao gồm cả trái phiếu) của nhà đầu tư nước ngoài năm 2006 cũng tăng cao, giá trị giao dịch mua năm 2006 khoảng 17.000 tỷ đồng (năm 2005 khoảng 3.000 tỷ đồng), giá trị giao dịch bán năm 2006 khoảng 9.500 tỷ đồng (năm 2005 khoảng 2.900 tỷ đồng).

Tính đến cuối 2006, có 23 quỹ với quy mô vốn đầu tư ước đạt 2,3 tỷ USD và gần 50 tổ chức đầu tư nước ngoài mở tài khoản hoặc ủy thác đầu tư trên TTCK Việt Nam.

TTCK Việt Nam năm Tuất nhìn từ lịch sử 2006 - Hình 2

Có thể thấy trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, năm Bính Tuất 2006 là thời kỳ “đâm chồi” và phát triển mạnh mẽ của thị trường. Qua 12 năm, trải qua đợt ‘khủng hoảng’ 2007-2008, thị trường Việt Nam đã dần trưởng thành và vững chắc hơn.

TTCK hiện nay đã không còn là quả bong bóng được thổi phồng trong thời kỳ 2007 mà tăng trưởng dựa trên nền tảng bền vững của kinh tế vĩ mô với những chính sách thúc đẩy và ổn định kinh tế của Chính Phủ, cùng với sự gia nhập của hàng loạt doanh nghiệp quy mô lớn trên sàn chứng khoán.

Bên cạnh đó, câu chuyện về việc MSCI xem xét nâng hạng thị trường Việt Nam từ nhóm cận biên lên mới nổi, cũng là yếu tố chứng minh thị trường chứng khoán Việt Nam đã dần hoàn thiện hơn.

Qua đó, nhà đầu tư có thể tự tin về sự tăng trưởng thị trường trong năm Mậu Tuất 2018. Hầu hết các CTCK điều cho rằng 2018 vẫn là năm khả quan cho TTCK Việt Nam.

Cùng với dòng vốn từ NĐT nước ngoài, tỷ suất sinh lợi khoảng 48% của VN-Index trong năm 2017 khiến TTCK trở nên hấp dẫn để lôi kéo kênh tiền gửi tiết kiệm gia nhập.

Dòng tiền trên sẽ là lực cầu đối ứng hấp thụ nguồn cung cổ phiếu dự báo cũng tăng mạnh không kém trong năm 2018, bao gồm nhóm doanh nghiệp Nhà nước IPO, niêm yết mới và phát hành thêm. Điều này cho phép NĐT kỳ vọng vào một năm Mậu Tuất thành công tương tự những gì đã diễn ra trong 12 năm trước.

Theo NDH