Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc: Nâng cao trách nhiệm đào tạo nghề - Hình 1

Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc luôn đứng Top đầu trong công tác dạy nghề

Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc là cơ sở đào tạo công lập, trực thuộc UBND Tỉnh Vĩnh Phúc. Trường có chức năng đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ: Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề và Sơ cấp nghề theo quy định của Bộ Lao động TB&XH. Bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động. Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc đã chú trọng công tác nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Hiện nay, nhà trường có hơn 260 cán bộ, giáo viên, trong đó, gần 50% có trình độ thạc sĩ trở lên, trên 40% có trình độ đại học. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường có chuyên môn nghiệp vụ tốt, kỹ năng nghề cao, nhiệt tình trong công việc, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, nhờ tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, những năm qua, tại các hội thi dạy nghề, giáo viên nhà trường luôn đạt thành tích cao, nằm trong những đoàn dẫn đầu hội thi cấp tỉnh, nhiều giáo viên đạt giải cao tại hội thi giáo viên giỏi nghề toàn quốc…

Trong công tác tuyển sinh, hiện nay Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc đang tổ chức tuyển sinh và đào tạo 10 nghề trình độ Cao đẳng: Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, Hàn, Công nghệ thông tin (ƯDPM), Điện tử công nghiệp, Kế toán doanh nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Cơ điện tử, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí. Tuyển sinh và đào tạo 8 nghề trình độ Trung cấp: Nghề Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, Công nghệ ô tô, Hàn, May  thời trang, Kế toán doanh nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí. Chương trình dạy nghề trình độ Sơ cấp và dạy nghề thường xuyên đào tạo theo nhu cầu của thị trường trên địa bàn.

Tại Quyết định số 854/QĐ-BLĐTBXH ngày 06/6/2013 của Bộ trưởng Bộ lao động TB&XH Nhà trường đã được Bộ Lao động TB&XH phê duyệt đầu tư 06 nghề trọng điểm trong đó: 02 nghề cấp độ Thế giới (Công nghệ thông tin, Cắt gọt kim loại), 02 nghề cấp độ ASEAN (Điện tử công nghiệp, Cơ điện tử), 02 nghề cấp độ Quốc gia (Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính).

Trường Cao đẳng nghề còn chú trọng công tác kiểm định chất lượng dạy nghề. Hiện nay công tác tự kiểm định của Nhà trường được thực hiện thường xuyên hằng năm theo đúng quy định của Tổng cục dạy nghề. Năm 2015, Nhà trường được Tổng Cục dạy nghề - Bộ lao động TB&XH kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề và được công nhận đạt cấp độ 3 (cấp độ cao nhất). Đây là một trong những tiêu chí để Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc thành trường dạy nghề chất lượng cao đến năm 2020 (Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020).

Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc: Nâng cao trách nhiệm đào tạo nghề - Hình 2

Giáo viên Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc giới thiệu máy móc trong giảng dạy đào tạo nghề

Trong quá trình hình thành và phát triển, trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc còn chú trọng công tác hợp tác quốc tế. Theo đó, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc đã nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của các đơn vị và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế như: Dự án Hỗ trợ kỹ thuật dạy nghề Việt Nam (TVET). Thông qua đó, trường đã có mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức của Đức: Tổ chức hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam (GTZ), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), Các tổ chức hỗ trợ chuyên gia và cố vấn kỹ thuật DED, CIM, Tổ chức đào tạo kỹ thuật InWEnt.

Ngoài mối quan hệ với các tổ chức của CHLB Đức, trường cũng thường xuyên quan hệ với các tổ chức quốc tế khác như: Tổ chức tình nguyện viên Hàn Quốc (KOICA), Hội đồng Anh (British Council), Đại sứ quán Nhật Bản… Nhà trường đã thực hiện ký kết hợp tác đào tạo với Trường Đại học Soeil (Nam Hàn Quốc) và đang xây dựng kế hoạch và đề xuất hợp tác đào tạo với Trường Đại học Porland State. Ngoài ra, hội đồng Vương quốc Anh thường xuyên tổ chức các Hội nghị trao đổi chuyên môn, tìm hiểu hợp tác giữa Nhà trường và một số trường của Vương quốc Anh.

Song song với công tác nâng cao chất lượng đào tạo công tác tư vấn và giới thiệu việc làm cũng được Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc chú trọng. Hiện nay, trường có Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật công nghệ và xuất khẩu lao động có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp và Nhà trường có quan hệ thân thiết với hơn 30 doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Piago Việt Nam, Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Công ty TNHH chính xác Việt Nam 1, Công ty TNHH SBK Vina, Công ty TNHH Partron Vina, Công ty TNHH TAL Việt Nam...

Hàng năm, trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp Nhà trường phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm – Sở Lao động TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức sàn giao dịch việc làm nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đào tạo của Nhà trường đó là sự gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Thông qua sàn giao dịch việc làm, học sinh, sinh viên có cơ hội được làm quen với môi trường làm việc tại các doanh nghiệp và tìm kiếm được việc làm phù hợp với năng lực của bản thân và ngành nghề được đào tạo.

Trong quá trình học tập tại trường các em học sinh có thể tham gia các khóa đào tạo tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản… để xuất khẩu lao động hoặc tu nghiệp sinh tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Thông qua chương trình khảo sát học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đi làm tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập ổn định từ 4,5 triệu đồng/tháng đến 7,0 triệu đồng/tháng.

Trong thời gian tới, trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc tiếp tục chủ động nắm bắt cơ hội, tăng cường xúc tiến hợp tác quốc tế, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, tiến tới trở thành trường chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của quốc gia và khu vực.

Lê Sơn