Hai sàn giao dịch chứng khoán lớn của Trung Quốc - Thượng Hải và Thâm Quyến - mới đây đã ra thông báo rằng họ sẽ tăng cường giám sát các giao dịch được thực hiện bởi các quỹ định lượng - các quỹ này sử dụng các thuật toán và phân tích tự động do máy tính điều khiển để nắm bắt cơ hội về cổ phiếu và hàng hóa, đặc biệt là các quỹ định lượng có sản phẩm đòn bẩy.
Hai sàn giao dịch chứng khoán trên sẽ tăng cường và mở rộng phạm vi báo cáo các giao dịch định lượng và nâng cấp tiêu chuẩn giám sát đối với các giao dịch "bất thường".
Trong đó, sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến xác định rằng "giao dịch định lượng, đặc biệt là giao dịch tần suất cao, có lợi thế rõ ràng về kỹ thuật, thông tin và tốc độ so với các nhà đầu tư vừa và nhỏ".
Trước đó, cả hai sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã áp dụng lệnh cấm giao dịch ba ngày đối với một trong những quỹ định lượng lớn nhất Trung Quốc - Lingjun Investment mà sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải cáo buộc "ảnh hưởng đến an ninh của hệ thống sàn giao dịch hoặc lệnh giao dịch thông thường" với một loạt giao dịch được thực hiện giữa 09:30 và 09:31 sáng giờ địa phương.
Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự và chỉ ra "hành vi giao dịch bất thường" trong khoảng thời gian từ 09:30:00 sáng đến 09:30:42 sáng giờ địa phương. Đồng thời, sàn này cho biết Lingjun Investment đã được cảnh báo bằng văn bản và các biện pháp giám sát khác đối với “giao dịch bất thường” trong các trường hợp trước.
Lingjun Investment đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc trên và thừa nhận rằng khối lượng giao dịch trong vòng một phút kể từ khi thị trường mở cửa giao dịch ngày 19/2 là "lớn".
Lingjun Investment thông báo trên website của mình rằng họ đang tiến hành đánh giá các hoạt động giao dịch của mình, đồng thời khẳng định họ "lạc quan và quyết tâm đầu tư lâu dài trong dài hạn".
Các động thái điều chỉnh thị trường mới nhất của Trung Quốc đi ngược lại với nỗ lực tái cơ cấu trên diện rộng các thị trường tài chính đang gặp khó khăn của nước này, vốn đang bị xáo trộn bởi khủng hoảng bất động sản và niềm tin thị trường suy giảm.
Đầu năm nay, Bắc Kinh đã áp dụng chính sách "không khoan nhượng" đối với cái gọi là "bán khống độc hại" - một hành vi thương mại đặt cược vào sự trượt giá của một số tài sản.
Đầu tháng này, Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Wu Qing làm chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC), thay thế người tiền nhiệm Yi Huiman đảm nhận vai trò này vào tháng 1/2019.
Ông Wu Qing có thời gian dài làm việc tại các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc. Ông từng giữ chức chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải từ năm 2016 đến năm 2018.
Hà Trần(t/h)