Ngày 28/10, Ngoại trưởng Szijjarto tuyên bố, nước này không ủng hộ đợt trừng phạt tiếp theo của Châu Âu đối với Nga nếu những biện pháp này nhắm vào ngành năng lượng Moscow. Các biện pháp hạn chế năng lượng của Nga sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Hungary.

Ông Szijjarto nhấn mạnh: “Nếu những gói trừng phạt tiếp theo của Liên minh Châu Âu (EU) đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, chúng tôi sẽ kiên quyết không thực hiện chúng. 'Lằn ranh đỏ' của chúng tôi rõ ràng có liên quan đến năng lượng, khí đốt, dầu mỏ, hạt nhân và bất cứ lĩnh nào gây tổn hại đến nền kinh tế”.

EU đã khởi động các cuộc đàm phán kín về gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga. (Nguồn: Ukrainian World Congress)
EU đã khởi động các cuộc đàm phán kín về gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga. Nguồn Ukrainian World Congress.

Ngoại trưởng Hungary cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang không phát huy tác dụng. Do đó, việc tiếp tục theo đuổi những chính sách này không mang lại nhiều ý nghĩa.

“Chính sách trừng phạt rõ ràng là không có tác dụng. Chúng có thể sẽ ảnh hưởng đối với Nga, tuy nhiên lại càng có hại đối với toàn bộ nền kinh tế Châu Âu", ông nhấn mạnh.

Về vấn đề cung cấp khí đốt, ông Szijjarto tiết lộ, Moscow đang cung cấp đều đặn cho Hungary theo một bản hợp đồng có thời hạn 15 năm giữa Budapest và công ty năng lượng Gazprom.

Ngoại trưởng Hungary khẳng định: "Đất nước chúng tôi tiếp tục mua khí đốt của Nga. Gần đây, nhà máy điện hạt nhân Paks đã nhận được chuyến hàng vận chuyển nhiên liệu hạt nhân từ Nga. Đây là lần thứ ba trong năm nay Budapest nhận nhiên liệu từ Moscow.

Nếu tôi không nhầm, nhiều nước Trung Âu vẫn tiếp tục hợp tác nhiên liệu hạt nhân với Nga bất chấp những ngăn cản của phương Tây”.

Hungary nhiều lần phản đối việc Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp năng lượng của Nga.

Hồi tuần trước, Bloomberg đưa tin, EU đã khởi động các cuộc đàm phán kín về gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine. Nếu được thông qua, đây sẽ là gói trừng phạt thứ 12 của EU nhằm vào Moscow.

Gói trừng phạt mới nhất có thể bao gồm lệnh cấm kim cương của Nga, ngăn chặn tối đa việc nước này “né” lệnh cấm vận và trừng phạt các công ty ở các nước thứ ba đang đứng sau hỗ trợ Moscow thực hiện điều đó.

Theo Bloomberg, với gói trừng phạt thứ 12, Brussels đang muốn mở rộng danh sách hạn chế “hàng hóa có công dụng kép” - loại sản phẩm có thể ứng dụng trong quân sự, mà Nga đã mua được thông qua các quốc gia thứ ba.

Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo, nếu các kênh ngoại giao không đủ để ngăn chặn các nước bên thứ ba tái xuất khẩu các sản phẩm bị trừng phạt, EU có thể cấm xuất khẩu sang các quốc gia đó.

10 nước EU muốn gia hạn các biện pháp khẩn cấp về khí đốt được đưa ra trong cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa Đông năm ngoái. (Nguồn: Reuters)
10 nước EU muốn gia hạn các biện pháp khẩn cấp về khí đốt được đưa ra trong cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa Đông năm ngoái. Nguồn Reuters.

TASS dẫn kết quả nghiên cứu của Cơ quan xếp hạng quốc gia Nga cho biết, trong năm 2022, khoảng 78% số doanh nghiệp lớn nhất của Nga vẫn duy trì ổn định về tài chính và 20% trong số này ghi nhận có biến động nhẹ trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ có 2% công ty hàng đầu tại Nga có báo cáo về tình hình “căng thẳng tài chính”.

Theo nghiên cứu trên, các biện pháp trừng phạt chống Moscow của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine trên thực tế khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng đầu nước này giảm so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch CO-19 bùng phát. Nhưng nhờ sự hỗ trợ về chính sách từ chính phủ Nga trong quý II và III năm ngoái, các doanh nghiệp lớn trong nước đã duy trì ổn định về tài chính.

Hồi tháng Chín, Reuters đưa tin, các nước Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dự định áp đặt lệnh trừng phạt với lĩnh vực kim cương của Nga từ ngày 01/01/2024. Hiện Mỹ đã thực hiện lệnh cấm nhập khẩu kim cương thô từ Nga, trong khi Vương quốc Anh đã đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với mặt hàng này của Moscow.

Dù vậy, bất chấp các lệnh cấm của Mỹ và Anh, doanh số bán kim cương của Nga vẫn tăng mạnh trong năm nay. Cuộc điều tra của Kyiv Independent tiết lộ, Alrosa - nhà sản xuất kim cương hàng đầu của Nga - vẫn tiếp tục bán hàng sang phương Tây thông qua trung gian ở các nước bên thứ ba.

Về phía Moscow, bình luận về khả năng EU sắp thông qua gói trừng phạt thứ 12, ngày 21/10, Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko khẳng định, nếu phương Tây có bất kỳ biện pháp hạn chế bổ sung nào, phía Nga cũng sẽ cân nhắc động thái nhằm vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt đó và có hành động đáp trả nếu cần thiết.

Theo baoquocte.vn