“vạch mắt võng” trên đại lộ Lê Lợi.
“Vạch mắt võng” trên đại lộ Lê Lợi

TP. Thanh Hóa với vị trí là trung tâm hành chính của cả tỉnh, có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông luôn có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về trật tự ATGT, nhất là tình trạng ùn tắc giao thông trong các khung giờ cao điểm

Qua rà soát, hiện nay trên tuyến đường nội thị TP. Thanh Hóa có 30 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc. Với mục tiêu kiềm chế và làm giảm vi phạm, tai nạn giao thông, trước đó, Công an TP. Thanh Hóa đã chủ động khảo sát và tham mưu cho Thành ủy, UBND và Ban ATGT thành phố tăng cường các giải pháp công tác bảo đảm trật tự ATGT, TTCC.

Lực lượng chức năng đã điều chỉnh thời gian đèn xanh tăng lên, cho phép tất cả các phương tiện rẽ phải tại các ngã tư, lắp đặt các dải phân cách cứng tại những vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm; tập trung xây dựng và triển khai các phương án phân công lực lượng thường xuyên cắm chốt, hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến chống ùn tắc giao thông.

Và để tránh tình trạng ách tắc giao thông do việc dừng phương tiện khi tham gia giao thông tại làn đường ưu tiên “Đèn đỏ được rẽ phải”, cơ quan chức năng TP. Thanh Hóa cũng đã tiến hành kẻ nhiều “vạch mắt võng” màu vàng tại một số ngã tư đèn xanh - đỏ có mật độ các phương tiện tham gia giao thông cao. Tại ngã tư Phú Sơn, trên đại lộ Lê Lợi cơ quan chức năng đã kẻ một điểm “vạch mắt võng” màu vàng. Tại ngã tư tượng đài Lê Lợi - Bưu điện, cơ quan chức năng đã kẻ ba điểm “vạch mắt võng” màu vàng trên đại lộ Lê Lợi, đường Quang Trung và đường Bà Triệu.

Người dân khi tham gia giao thông, đến khu vực các ngã ba, ngã tư thì không được dừng xe tại khu vực “vạch mắt võng”, nếu cố ý dừng xe hoặc đỗ xe tại khu vực này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Theo Phụ lục G Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT, vạch mắt võng là vạch kẻ đường được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường được bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông. Vạch mắt võng có thể sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng trong phạm vi nút giao cùng mức, trên nhánh dẫn cửa vào hoặc cửa ra của nút giao hoặc những vị trí mặt đường cần thiết không cho phép dừng xe.

Tại khoản 1 Điều 11, khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Trong đó, hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn vạch kẻ đường của người điều khiển phương tiện giao thông như sau: Ô tô mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng; Xe máy mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; Máy kéo, xe máy chuyên dùng mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; Xe đạp mức phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

Đồng thời, áp dụng biện pháp phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 2 tháng đến 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.

Lê Nam