Ngày 22/8/2024, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị "Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ" với sự tham gia của 150 đại biểu tại điểm cầu chính và 118 điểm cầu trực tuyến tại 17 phòng y tế quận/huyện và các phòng khám thẩm mỹ trên địa bàn.

Tham gia tham luận tại Hội nghị có 07 chuyên đề khác nhau gồm: (1) Thực trạng sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa (BV Da Liễu TPHCM); (2) Những thách thức trong công tác thanh tra chuyên ngành về hoạt động quảng cáo và hành nghề trái phép trong lĩnh vực thẩm mỹ trên địa bàn Thành phố (Thanh tra Sở Y tế); (3) Một số kinh nghiệm thực tiễn trong công tác đảm bảo an toàn cho người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện (Bệnh viện thẩm mỹ Thanh Vân); (4) Sự cần thiết phải củng cố hoạt động gây mê hồi sức của cơ sở y tế có   triển khai dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ (Liên chi hội Gây mê - Hồi sức); (5) Mô hình gắn biển cảnh báo người dân đối với các cơ sở trong thời gian đình chỉ hoạt động (UBND Quận 10); (6) Cấp giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp và công tác hậu kiểm (UBND Quận 3); (7) Những khoảng trống cần được lấp đầy để đảm bảo an toàn trong phẫu thuật thẩm mỹ (Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh).

Một bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ đến Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh khám
Một bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ đến Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh khám (Ảnh: BVCC)

Các tham luận đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao của các đại biểu tham dự về nhận dạng những “biến tướng” vì lợi nhuận mà bất chấp tuân thủ pháp luật của một số cơ sở hành nghề trái phép trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ.

Đồng thời, đại biểu tham dự hội nghị cũng đồng thuận cao về những nguyên nhân gốc - rễ của các các sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ.

Trước những sai phạm và sự cố y khoa liên quan đến thẩm mỹ, Ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã xác định rõ 05 nhóm giải pháp bao gồm những giải pháp đã và đang được triển khai, những giải pháp mới cần được kiến nghị cấp có thẩm quyền và những giải pháp mang tính sáng tạo của chính Ngành y tế TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: 

Thứ hất, siết chặt đảm bảo tuân thủ nghiêm những quy định trong hành nghề thẩm mỹ, cả về giấy phép hành nghề chuyên khoa thẩm mỹ và thẩm định cho phép một cơ sở y tế cung ứng dịch vụ thẩm mỹ; 

Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tiếp tục công khai minh bạch thông tin các cơ sở thẩm mỹ vi phạm pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ;

Thứ  ba, chuẩn hoá các hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật của chuyên khoa thẩm mỹ, trong khi chờ Bộ Y tế tiếp tục ban hành các hướng dẫn quy trình kỹ thuật, Sở Y tế sẽ huy động các chuyên gia đầu ngành có liên quan thống nhất và biên soạn hướng dẫn, phổ biến, tập huấn, giám sát, kiểm tra sự tuân thủ của tất cả phòng khám thẩm mỹ trên địa bàn; 

Thứ tư, kiến nghị Bộ Y tế bổ sung những quy định pháp luật trong việc kiểm soát chặt các sản phẩm được sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ (bao gồm thuốc, vật tư, thiết bị y tế); 

Thứ năm, tạo lập dữ liệu số trong công tác quản lý thuộc lĩnh vực thẩm mỹ, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện đa khoa có khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc thẩm mỹ nội khoa và các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, tạo dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý hành nghề thẩm mỹ trên địa bàn thành phố.

Riêng đối với hoạt động “thẩm mỹ chui”, Thanh tra Sở y tế TP. Hồ Chí Minh xác định rõ các nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện: 

Thứ nhất, khuyến khích người dân cùng giám sát và báo cáo đến cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện các cá nhân, tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ không phép, hoạt động "trá hình" để ngăn chặn và xử lý theo quy định thông qua phần mềm “Y tế trực tuyến” hoặc qua các số diện thoại đường dây nóng của Sở Y tế (0967.771.010) và Thanh tra Sở  tế (0989.401.155). 

Thứ hai, báo cáo nhanh khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ biến chứng liên quan đến thẩm mỹ: đề nghị các bệnh viện Bộ, ngành, bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, Trung tâm Cấp cứu 115 chủ động liên hệ Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế (thông qua Thanh tra Sở) để kịp thời kích hoạt quy trình phản ứng nhanh.  

Thứ ba, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong công tác thẩm định, giám sát hoạt động quản lý đào tạo, dạy nghề, theo Quy chế phối hợp mà 2 Sở đã ký kết.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ không phép, nhờ đó tạo được “mạng lưới” hiệu quả để có thể kịp thời xử lý triệt để các vi phạm hành nghề lĩnh vực này.

Thứ năm, xử lý các vụ việc trọng tâm, trọng điểm: đối với các trường hợp cố tình vi phạm lặp đi lặp lại, Sở Y tế sẽ chuyển vụ việc đến Công an TP.HCM để xử lý theo thẩm quyền. 

Thứ sáu, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế trong việc chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các quảng cáo trái phép trong lĩnh vực thẩm mỹ.

Hoàng Bách(t/h)