Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (Huba) , UBND TP. HCM phân công Huba chủ trì phối hợp với Sở Công Thương TP. HCM xây dựng “Đề án xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu”. Động thái này diễn ra trong bối cảnh khi nền kinh tế Việt Nam đang thực sự hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) đồng loạt tin rằng đây là “thời khắc vàng” để cùng liên kết các nguồn lực hiệu quả, thúc đẩy các thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới, phát triển cộng đồng DN Việt Nam có tầm ảnh hưởng quốc tế.
Riêng tầm quan trọng của nỗ lực ESG và bền vững, ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Châu Á Thái Bình Dương, Brand Finance cho rằng ESG và bền vững là động lực chính của giá trị thương hiệu. Để minh chứng, ông Alex Haigh cho biết nghiên cứu từ Brand Finance, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm 9,7% cho sản phẩm bền vững ngay cả khi chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng.
Ở góc độ DN, Pernod Ricard vừa tiếp tục ra mắt sáng kiến E-label – sáng kiến thứ hai của Tập đoàn về ESG - tại Việt Nam. Việt Nam cũng là quốc gia thứ hai, sau Singapore Tập đoàn này áp dụng E-label. Trong đó, nhãn điện tử E-label có thể được truy cập thông qua mã QR được in trên nhãn sau của các sản phẩm Pernod Ricard. Khi quét mã QR bằng bất kỳ thiết bị di động nào, người tiêu dùng tại Việt Nam sẽ được dẫn trực tiếp đến một nền tảng chuyên dụng, cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm đồ uống đó.
Chia sẻ bên lề sự kiện thương hiệu, bà Trần Phương Nga - Giám đốc điều hành CTCP Tập đoàn Thiên Long – cho biết tạo ra xu hướng và duy trì vị trí của thương hiệu, DN phải luôn có tinh thần đa dạng và hội nhập. Đáng chú ý, theo bà Nga, khi thương mại điện tử phát triển đã kéo hàng giá rẻ từ Trung Quốc đổ bộ thị trường Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh vô cùng lớn cho DN.
Do đó, DN một mặt đầu tư tối ưu hóa chi phí để sản phẩm có giá cạnh tranh, mặt khác cũng đầu tư nhiều hơn cho kênh bán hàng trên thương mại điện tử. Điều này giúp doanh thu từ chỗ chỉ vài tỷ đồng mỗi năm thì trong năm 2023 vừa qua đã tăng lên hơn trăm tỷ đồng.
Ở mảng nước, DN Việt vừa có hợp tác trong ngành xử lý nước bền vững với đối tác Đài Loan (Trung Quốc) tại Taiwan Excellence 2024. Giáo sư Lê Hùng Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam (AWATEN) tại TP.HCM ghi nhận: "Đài Loan sở hữu những lợi thế công nghệ đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và công nghệ thông tin. Với hợp tác lần này, bao gồm chuyển giao công nghệ nước sạch, sẽ giúp doanh nghiệp trong nước thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững”.
Hà Trần(t/h)