Từ 0h ngày 21/5, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) sẽ tăng cường áp dụng 1 số biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch.
Theo đó, thành phố Hải Dương sẽ dừng các cuộc hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người; không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học; yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu, đóng cửa các nhà hàng, quán ăn uống bao gồm việc bán mang về, giao hàng tận nhà; tạm dừng tổ chức liên hoan, giao lưu, gặp mặt; tạm dừng ăn uống tập trung đông người tại các lễ cưới, đám tang.
Ông Lê Đình Long, Bí thư Thành ủy Hải Dương cho biết, toàn hệ thống chính trị thành phố sẽ đặt trong trạng thái chống dịch cao nhất, cấp bách nhất.
“Cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở áp dụng toàn diện và cao hơn Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, 1 số nội dung áp dụng theo tinh thần Chỉ thị 16. Chủ động chống dịch, tấn công dập dịch; kích hoạt lại tất vả các biện pháp chống dịch đợt 3 từ nhân lực đến trang thiết bị, vật tư y tế”, ông Long yêu cầu.
Sáng 20/5, tại cuộc họp thường kỳ Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng chống dịch COVID-19, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và xây dựng nông thôn mới năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng yêu cầu TP Hải Dương siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, áp dụng Chỉ thị 15 đối với toàn bộ thành phố, có nơi cần thực hiện theo Chỉ thị 16, bắt đầu từ ngày 21/5.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng yêu cầu người dân toàn tỉnh từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau nếu không có việc thật sự cần thiết không được đi ra đường. Các địa phương dừng các hoạt động dịch vụ không cần thiết.
Ngoài thành phố Hải Dương đã cho học sinh lớp 9, lớp 12 nghỉ học tại trường để học trực tuyến, các địa phương khác tùy tình hình thực tế để có quyết định phù hợp.
Ông Thăng yêu cầu các cấp, ngành chỉ đạo, phối hợp, đặt toàn bộ hệ thống chống dịch vào trạng thái cao nhất. Công tác phòng chống dịch cần khẩn trương, cấp bách, chủ động ngăn chặn, tấn công dập dịch.
Các địa phương kích hoạt lại các tổ chức, lực lượng chống dịch đã được thành lập trước đó, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện... để sử dụng ngay khi cần. Đặc biệt, quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu, người phụ trách công việc tại các cấp, ngành.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu khi dịch bùng phát trên diện rộng, các ủy viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn cần có chỉ đạo, huy động các cơ quan chức năng và các nguồn lực để giải quyết công việc nhanh nhất.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ các tỉnh giáp ranh với Hải Dương như Bắc Ninh, Bắc Giang, tập trung dập dịch ở TP Hải Dương và huyện Kim Thành.
Kiểm tra chặt chẽ người lao động của tỉnh làm việc tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và người từ 2 tỉnh này vào Hải Dương làm việc, nếu đến làm việc phải ở lại địa phương, không được đi và về.
Công an tỉnh Hải Dương chỉ đạo các chốt cấp tỉnh tại các vị trí giáp ranh với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang kiểm soát chặt chẽ hơn nữa người và phương tiện. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Y tế tăng cường nhân lực, thiết bị cho các chốt.
Đồng thời chỉ đạo UBND tỉnh cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc mua sắm máy móc, thiết bị để nâng công suất xét nghiệm của tỉnh lên 10.000 mẫu đơn/ngày.
Đầu tháng 6, Sở Y tế phải hoàn thành việc lắp đặt hệ thống dàn phun khử khuẩn tại chốt cấp tỉnh tiếp giáp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh; phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả để đáp ứng tốt nhiệm vụ chống dịch, trước mắt tập trung cho TP Hải Dương và huyện Kim Thành.
Sở Y tế phối hợp khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp để đưa Bệnh viện dã chiến số 2, khu nhà 9 tầng của Trường Đại học Sao Đỏ vào hoạt động. Công an tỉnh, các địa phương đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm phòng chống dịch.
Bùi Tú