Rượu, bia là thức uống thường thấy trong dịp Tết Nguyên đán. Không cần bày mâm, chỉ cần chai rượu, bia và một hai món đơn giản cũng có thể nhâm nhi cả buổi. Tuy nhiên, do quá "chén" và tình trạng rượu giả, rượu chất lượng kém khiến nhiều người phải nhập viện. Không chỉ mất cái Tết mà nhiều người còn thiệt mạng vì bia, rượu.
Năm 2017, ghi nhận số vụ mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có methanol, tổng số có 10 vụ với 115 người nhập viện và 11 người tử vong. Đặc biệt qua theo dõi nhiều năm, số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều nhất vào thời gian từ tháng 2-4, trùng với thời điểm trước và sau Tết nguyên đán. Tính chung 5 năm qua, số ca ngộ độc rượu ở thời điểm tháng 2-4 hàng năm đều tăng vọt 40-50% so với các tháng còn lại.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Vào dịp Tết, lượng rượu được tiêu thụ tăng mạnh, kéo theo đó là nguy cơ các sản phẩm rượu không bảo đảm chất lượng, rượu chứa hàm lượng methanol cao, rượu giả… tuồn ra thị trường.
Trong khi người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm pháp luật thì ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng cũng còn hạn chế. Nhiều người, dù biết là rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được nấu thủ công, rượu ngâm động vật, thực vật không nhãn mác nhưng vẫn “nhắm mắt” uống, nhất là người dân ở vùng nông thôn, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Đó là điều nguy hiểm trong bối cảnh công tác quản lý kinh doanh, sản xuất rượu, nhất là rượu nấu thủ công, vẫn còn gặp nhiều khó khăn” - ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh.
Cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu bia trong dịp Tết Nguyên đán
Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu chiếm khoảng 6% và đang có xu hướng gia tăng nhanh. Nguyên nhân là do thị trường vẫn tồn tại rượu không bảo đảm an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao, rượu giả tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và nhiều người dân còn chưa nhận thức đúng về tác hại của sử dụng rượu bia.
Nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác do rượu trong dịp tết cổ truyền Mậu Tuất năm nay, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:
- Không lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác. Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 02 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 01 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới. Trẻ em dươi 18 tuổi không uống rượu bia
- Đặc biệt không uống rượu bia khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, khi vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn hoặc có các tình trạng bệnh lý phải tránh đồ uống có cồn.
- Lựa chọn rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh nguy cơ uống phải rượu giả pha cồn công nghiệp gây những vấn đề nghiêm trọng, ngộ độc khi uống phải, thậm chí tử vong.
- Trong trường hợp có uống rượu, để phòng ngừa ngộ độc rượu, cần thực hiện các nguyên tắc sau:
1. Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt hoặc tử vong
2. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hoặc ngâm theo kinh nghiệm cá nhân
3. Không uống rượu khi: Không biết rõ đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Ngọc Linh