ThS. BS Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá
Với gần 20% thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam không được kiểm soát chất lượng, không đảm bảo các điều kiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu… ảnh hưởng như thế nào tới công tác phòng chống tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá nhập lậu nói riêng, thưa ông?
Thuốc lá lậu gây rất nhiều tiêu cực cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá cũng như kiểm soát chất lượng thuốc lá của nhà nước. Thuốc lá lậu không được nhà nước kiểm soát về in nhãn, cảnh báo theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Đồng thời, chính sách thuế cũng không được thực hiện hiệu quả. Điểm quan trọng nữa, hiện nay các công ty thuốc lá hay dùng thuốc lá nhập lậu làm một rào cản đối với các đề xuất tăng thuế thuốc lá của Chính phủ.
Mặt khác, tôi cho rằng, con số ước tính nhập lậu vào Việt Nam chưa chính xác, mức độ tin cậy chưa được cao vì chỉ dựa vào số liệu ước tính từ chính các công ty thuốc lá, hoặc các đơn vị do các công ty này thuê. Cần có một cơ quan, tổ chức độc lập đánh giá chính xác lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam để thấy được mức độ tác động đến đâu.
Ngày 18/4/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3828/VPCP-V.I thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất thuốc lá nhập lậu còn chất lượng. Theo ông, việc thực hiện thí điểm này có phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam hay không?
Văn bản chỉ đạo này mới dừng lại ở mặt nguyên tắc. Chính phủ cũng đã giao cho một số Bộ ngành: Tài chính, Công Thương cùng với Chính phủ phải đưa ra hướng dẫn cụ thể dự thảo quyết định chính thức của Thủ tướng. Đứng ở khía cạnh chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá, tôi thấy việc này rất khó: Thứ nhất, việc đánh giá thuốc lá còn chất lượng hay không là rất khó. Nếu muốn xác định phải đưa đi kiểm nghiệm và kiểm nghiệm tất cả các lô được tái xuất hoặc đấu giá tiêu thụ nội địa… việc này sẽ gây tốn kém và mất rất nhiều thời gian.
Thứ hai, nếu cho đấu giá bán trong nước, phải thực hiện chính sách thuế: thuế nhập khẩu, thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt… như vậy, giá thuốc nhập lậu khi đó sẽ rất cao và khó có thể cạnh tranh được, ngược lại nếu không áp thuế thì sẽ gây ra việc cạnh tranh không lành mạnh, làm thiệt hại tới các sản phẩm trong nước và thiệt hại cho Chính phủ. Theo tôi, việc đấu giá tiêu thụ trong nước sẽ không khả thi.
Thứ ba, nếu xuất khẩu thì phải có đơn vị đứng ra đảm bảo nguồn gốc các sản phẩm thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là an toàn; đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Hiện nay đa số các sản phẩm thuốc lá của các nước đều có cảnh báo bằng chữ hoặc hình ảnh, trong khi đó, các sản phẩm nhập lậu lại không đáp ứng các tiêu chí này. Như vậy, việc tái xuất đi đâu rất khó xác định. Giả định, thuốc lá nhập lậu có vật liệu gì đó hút vào gây cháy nổ, gây tai nạn thương tích thì cá nhân, tổ chức nào sẽ là người chịu trách nhiệm.
Việt Nam là thành viên của Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, có nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện các điều khoản của Công ước này như thế nào. Nếu Việt Nam không thực hiện theo Công ước khung đã ký kết có ảnh hưởng gì không, thưa ông?
Tôi được biết, năm 2003 Việt Nam đã ký và sau đó đã phê chuẩn tham gia vào Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC). Theo Khoản 4c Điều 15 của FCTC quy định rõ các bên tham gia công ước (các quốc gia thành viên) phải “Tiến hành các bước thích hợp để đảm bảo rằng tất cả các thiết bị sản xuất, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá nhập lậu và các sản phẩm thuốc lá khác bị tịch thu được tiêu hủy”. Khi Việt Nam phê chuẩn tham gia Công ước coi như Chính phủ đã tham gia cam kết quốc tế thực hiện các nội dung trong Công ước đó, đồng thời thể hiện cái nhất quán của Chính phủ.
Bản chất của Công ước quốc tế là tham gia tự nguyện và các nước khi tham gia thể hiện bằng uy tín của Chính phủ.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm xử lý thuốc lá nhập lậu ở một số nước trên thế giới nhằm kiểm soát thuốc lá nhập lậu có chất lượng không đảm bảo, gây tổn hại tới sức khỏe cộng đồng?
Theo tôi được biết, đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay đều chọn phương pháp tiêu hủy, đáp ứng nhu cầu trong nước và tránh được các vấn đề về chất lượng, nhãn mác như chúng ta đã nói. Một số nước như: Australia, Singapore; Thái Lan… thực hiện việc xử lý thuốc lá nhập lậu rất nghiêm ngặt và đây cũng là các nước kiểm soát thuốc lá nhập lậu rất tốt.
Các quốc gia kiểm soát thuốc lá nhập lậu tốt đều có đặc điểm chung là thực hiện pháp luật tương đối nghiêm từ biên giới tới thị trường nội địa và có những hình phạt rất nặng với những người vận chuyển số lượng lớn qua biên giới và cả bán lẻ. Ở Việt Nam, tôi thấy quy định pháp luật khá nghiêm, tuy nhiên, các nỗ lực có vẻ đặt nhiều vào kiểm soát vận chuyển qua biên giới, còn thị trường trong nước thì nới lỏng.
Để công tác phòng chống tác hại thuốc lá nói chung và thuốc lá nhập lậu nói riêng được kiểm soát có hiệu quả, theo ông Việt Nam cần có biện pháp kiểm soát và xử lý thuốc lá nhập lậu như thế nào?
Tôi cho rằng, Chính phủ và các Bộ ngành cần có chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, công an kiểm soát nghiêm ngặt thị trường nội địa. Theo đó, bắt toàn bộ thuốc lá nhập lậu tại các của hàng và phạt thật nặng, có như vậy công tác chống buôn lậu mới có hiệu quả. Thực tế những năm 1990, Chính phủ đã ra quyết định, bắt và phạt thật nặng các cửa hàng bán thuốc lá lậu, sau một thời gian thuốc lá nhập lậu giảm đi rất nhiều.
Vì vậy, tôi mong Chính phủ nên cân nhắc việc cấm tất cả công chức dùng thuốc lá nhập lậu, và bắt giữ thuốc lậu ở các cửa hàng bán lẻ. Đối với công tác xử lý, từ trước tới nay vẫn thực hiện phương pháp tiêu hủy thì Chính phủ nên tiếp tục thực hiện phương pháp này để đảm bảo kiểm soát thuốc lá nhập lậu được tốt hơn.
Nhân đây, từ phía Tổ chức Y tế thế giới, chúng tôi cũng khuyến cáo Việt Nam tiếp tục tăng thuế thuốc lá để tăng thu ngân sách cho Chính phủ và giảm tiêu thụ sản phẩm độc hại này, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời với tăng thuế thuốc lá, Chính phủ cần đẩy mạnh phòng chống thuốc lá nhập lậu như đã nêu ở trên.
Theo Báo Công thương