Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, ông Nguyễn Thành Nam cho biết: Trong thời gian qua, các lực lượng thực thi pháp luật trong đó có lực lượng quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, gian lận thương mại... đạt kết quả tích cực;
Tuy vậy, nhìn chung những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự bền vững, chưa được như kỳ vọng; tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến ngày càng phức tạp;
Việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng thực thi gặp không ít khó khăn trong cách nhận biết hàng thật, hàng giả, các hàng hóa được bảo hộ là những loại nào; các hình thức gian lận mới của các đối tượng sản xuất, kinh doanh; các phương thức kinh doanh mới, sự phối hợp giữa chủ thể quyền và cơ quan kiểm tra...
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khi khoa học, công nghệ phát triển giúp các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh ứng dụng để nâng cao năng lực quản lý, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là những điều kiện thuận lợi để các đối tượng áp dụng khi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước khó phát hiện hàng thật hay hàng giả.
Việc rao bán, quảng cáo, khuyến mại hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,... công khai, tràn lan trên các website thương mại điện tử và trên các mạng xã hội nhưng các cơ quan chức năng rất khó phát hiện nơi kinh doanh, kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý. Nguyên do phần lớn các thông tin này trên website là giả, không đúng sự thật hoặc không có thông tin.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp chia sẻ về cách phân biệt hàng thật, giả cũng như những xu hướng làm giả sản phẩm của các nhãn hiệu nổi tiếng.
Theo đại diện các doanh nghiệp, những hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không những gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp mà còn có thể dẫn đến sự phá sản của doanh nghiệp và làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước e ngại, hạn chế đầu tư vào Việt Nam hoặc đã đầu tư nhưng không dám mở rộng sản xuất kinh doanh nên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, cần có sự chung tay của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ thể quyền trong thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ là rất quan trọng. Đây là quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nên doanh nghiệp không được buông lỏng quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật và phải chủ động phối hợp với cơ quan thực thi để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng thời tích cực nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ vào việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phát triển sản xuất, cải tiến mẫu mã, năng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; có kênh phân phối và chính sách hậu mãi chăm sóc khách hàng hiệu quả, nhanh chóng, hiện đại; đáp ứng được nhu cầu và tạo được niềm tin của người tiêu dùng.
NK