Rất nhiều giải pháp trong công tác quản lý thuế đã được thực hiện như: Tổ chức nhận dạng DN có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp; Giám sát chặt chẽ đối với người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn, kiểm soát việc in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn theo chế độ quy định; Kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán với ngân sách Nhà nước.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: internet)

Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin dữ liệu về người nộp thuế do cơ quan thuế quản lý và thông tin giao dịch đáng ngờ từ cơ quan quản lý Nhà nước khác, theo dõi qua đơn thư tố cáo, phương tiện thông tin truyền thông... cũng đang được ngành thuế chú trọng. Ngoài ra, ngành thuế tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại mà người nộp thuế giao dịch, đề nghị cung cấp thông tin về giao dịch, chứng từ thực tế thanh toán qua ngân hàng để làm cơ sở xử lý về thuế, thanh tra, kiểm tra các trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trốn thuế, mua bán hóa đơn, xử lý theo quy định.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, giám sát các DN có rủi ro cao về hóa đơn; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế và công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về hóa đơn nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế. Ngành thuế sẽ sớm đưa vào áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ để tạo thuận lợi đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, truy lần hóa đơn và xử lý các sai phạm kịp thời.

Hà Trần