Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Dù đi đâu, làm gì chúng ta cũng tự hào về con người Việt Nam”
Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, tin cậy chính trị rất cao. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về vốn ODA, thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại.
Gặp gỡ thân mật kiều bào và trí thức
Gặp gỡ kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định dù ở đâu, chúng ta cũng luôn tự hào và cần phải phát huy mạnh mẽ nguồn lực, giá trị và trí tuệ con người Việt Nam, đóng góp cho nước sở tại và góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Tối ngày 23/11 (theo giờ địa phương), tại Tokyo, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam cùng một số trí thức, nhà khoa học trẻ người Việt Nam tại Nhật Bản.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt thân tình, ấm áp, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản bày tỏ xúc động và cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Các đại biểu thông báo về tình hình đời sống, học tập, sinh hoạt và làm việc tại nước sở tại; khẳng định lòng tự hào dân tộc, tình cảm sâu sắc với quê hương, đất nước với những hành động thiết thực, cụ thể, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian vừa qua; bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phát triển mạnh mẽ và tương lai ngày càng tốt đẹp của đất nước trong giai đoạn tới. Đồng thời, các đại biểu nêu một số đề xuất kiến nghị liên quan tới mở lại đường bay Việt Nam-Nhật Bản, dạy Tiếng Việt cho con em kiều bào…
Tiến sĩ Lê Đức Anh, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản gửi tặng Thủ tướng cuốn sách tập hợp 35 bài viết về sáng kiến, công nghệ mới tại Nhật Bản. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Nhiều câu chuyện xúc động được chia sẻ tại cuộc gặp mặt, như các sinh viên Việt Nam hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong lúc dịch bệnh phức tạp, công việc làm thêm của các em bị ảnh hưởng. Cộng đồng người Việt sẽ luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên và đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đóng góp cho nước sở tại và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng cảm ơn kiều bào đã dành thời gian, đi từ nhiều nơi rất xa tới Tokyo tham dự cuộc gặp mặt. Chia sẻ với đồng bào về truyền thống văn hóa-lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta trải qua nhiều năm chiến tranh với nhiều gian khổ, hy sinh mới giành được độc lập, thống nhất đất nước, lại trải qua thời gian bao vây, cấm vận kéo dài, sau đó mới tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986.
Từ lúc rất khó khăn khi bắt đầu đổi mới, “làm không đủ ăn, xuất không đủ nhập, thu không đủ chi”, thu nhập bình quân đầu người chỉ 100 USD, đến nay, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, quy mô GDP đứng thứ tư trong ASEAN, thu nhập bình quân đầu người 3.500 USD. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có kiều bào tại Nhật Bản, trong công cuộc xây dựng đất nước nói chung và phòng chống dịch bệnh, bà con dù còn những khó khăn nhưng luôn hướng về Tổ quốc.
Về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng nêu rõ, mối quan hệ giao lưu Việt Nam-Nhật Bản đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, để lại nhiều di sản quý báu cho thế hệ hôm nay, điển hình như Hội An, tỉnh Quảng Nam. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những duyên nợ với nhau, ngày nay, Việt Nam và Nhật Bản là những người bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của nhau trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, tin cậy chính trị rất cao. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về vốn ODA, thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại.
Nhật Bản rất tích cực ủng hộ Việt Nam về nhiều vấn đề trên các diễn đàn song phương và đa phương. Nhiều Thủ tướng của Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm xuất ngoại đầu tiên sau khi nhậm chức. Chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này Thủ tướng cũng là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nước ngoài sau khi Nhật Bản bầu Thủ tướng và Nội các mới. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ giúp nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, đi vào thực chất, hiệu quả hơn nữa.
“Dù đi đâu, làm gì chúng ta cũng tự hào về con người Việt Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh vấn đề an ninh con người và phát huy giá trị con người, lấy con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là trung tâm, là chủ thể của sự phát triển”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn bà con kiều bào làm ăn, sinh sống ổn định, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khẳng định được năng lực, tuân thủ pháp luật, đóng góp cho nước sở tại, phát huy vai trò rất quan trọng trong việc làm cầu nối giữa hai nước, góp phần cùng cố vững chắc nền tảng của quan hệ hợp tác hữu nghị bền vững, lâu dài giữa hai nước, đồng thời luôn hướng về quê hương, chia sẻ khó khăn với đồng bào, đồng chí trong nước, đóng góp cho đất nước.
Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản càng thể hiện sâu sắc những lúc khó khăn và thách thức
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Nhật Bản. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung trả lời phỏng vấn của Thủ tướng.
Ngài đánh giá thế nào về quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua và kỳ vọng của ngài về mối quan hệ này trong tương lai? Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Nhật Bản trong những lĩnh vực nào?
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tôi đã từng làm Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản và cũng đã nhiều lần đến thăm, làm việc với đất nước Nhật Bản tươi đẹp, mến khách của các bạn. Tôi rất vinh dự khi trên cương vị Thủ tướng và là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức lần này. Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn cùng Nhật Bản mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước, sâu sắc và hiệu quả hơn, vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Như các bạn đã biết, mối quan hệ giao lưu Việt Nam-Nhật Bản đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, để lại nhiều di sản quý báu cho thế hệ hôm nay, điển hình như Hội An, tỉnh Quảng Nam. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những duyên nợ với nhau; ngày nay, Việt Nam và Nhật Bản là những người bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của nhau trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của nguyên Thủ tướng Nhật Bản Suga vào tháng 10 năm 2020. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về vốn ODA, thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản khi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài. Hiện nay nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Nhiều công trình sử dụng vốn ODA và các dự án đầu tư của Nhật Bản đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Về an ninh-quốc phòng, chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua viện trợ giúp rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, hợp tác huấn luyện cứu hộ cứu nạn, tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc... Hai nước có trao đổi, hợp tác trên các lĩnh vực về lao động, nông nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu... Nhật Bản và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về những giá trị văn hóa. Chính vì vậy, giao lưu nhân dân phát triển vượt bậc, là cầu nối hữu nghị làm sâu sắc hơn sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và tình cảm chân thành giữa nhân dân hai nước, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển quan hệ song phương bền vững.
Mối quan hệ của Nhật Bản và Việt Nam càng thể hiện sâu sắc những lúc khó khăn và thách thức. Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội toàn cầu. Trong dịch bệnh Covid-19, hai nước đã luôn chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ hiệu quả, kịp thời của Nhật Bản trong phòng, chống dịch bệnh với các khoản viện trợ trên 4 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị, vật tư y tế. Về phía Việt Nam, chúng tôi rất quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam duy trì, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm chuỗi sản xuất và cung ứng.
Trên bình diện đa phương, hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Mekong... cũng như trong ứng phó với các thách thức chung như biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường..., qua đó đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Hai bên cùng nhau và cùng các đối tác khác thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do thương mại, ký kết, triển khai các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện và Tiến bộ Khu vực (RCEP).
Để kế thừa và khai thác có hiệu quả hơn nữa truyền thống hợp tác, tiềm năng, thế mạnh của nhau, Việt Nam mong muốn cùng Nhật Bản thực hiện hiệu quả hơn nữa cơ chế hợp tác hiện nay, đồng thời xây dựng cơ chế hợp tác mới để cùng nhau mở ra giai đoạn phát triển mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản; trong đó thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương trên các lĩnh vực:
(1) Tiếp tục tập trung vào trụ cột hợp tác kinh tế trong đại dịch Covid-19; trước hết là trong lĩnh vực thương mại song phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau, qua đó thúc đẩy khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân hai nước trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, chúng tôi kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút từ Nhật Bản nguồn vốn tài chính, vốn đầu tư, vốn ODA với gói đủ lớn, ưu đãi, linh hoạt, thủ tục đơn giản nhất có thể, phù hợp trong điều kiện bối cảnh cần nhanh chóng phục hồi kinh tế xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra. Tập trung cho phục hồi kinh tế, hạ tầng chiến lược, hợp tác y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, kinh tế số, ứng phó với biến đổi khí hậu…
(2) Tăng cường hợp tác về y tế, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine phòng, chống Covid-19; phát triển công nghiệp dược; nghiên cứu xây dựng Trung tâm An toàn sinh học cấp độ 4; tăng cường năng lực y tế cho các bệnh viện tuyến cuối, hợp tác đầu tư nâng cấp một số BV lớn của Việt Nam như BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai, BV Trung ương Quân đội 108…
(3) Đẩy mạnh hợp tác về giáo dục đào tạo, lao động, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ; thúc đẩy hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân.
(4) Hợp tác về văn hóa-du lịch: Sự tương đồng và lịch sử quan hệ lâu đời trong lĩnh vực văn hóa, chan hòa tình cảm hữu nghị, tin cậy, hiểu biết của hai dân tộc, của nhân dân hai nước là giá trị quý báu hai bên cần khai thác và phát triển. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác văn hóa và du lịch, nhất là khai thác du lịch đến các địa điểm nổi tiếng của hai nước, tổ chức các sự kiện văn hóa để thắt chặt hiểu biết, chia sẻ và tình hữu nghị.
(5) Thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh, trong đó có các thỏa thuận về chuyển giao thiết bị, công nghiệp quốc phòng, tàu tuần tra, khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ…
(6) Chia sẻ, hợp tác chặt chẽ về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm. Đẩy mạnh toàn diện các lĩnh vực hợp tác, phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2023).
Nhân dân Việt Nam luôn dành tình cảm, sự trân trọng, quý mến và tin cậy lớn dành cho đất nước và con người Nhật Bản. Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực, đồng lòng, sự tin cậy cao của cả hai bên, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục đà phát triển tốt đẹp của mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, Việt Nam đã phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, những biện pháp này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Việt Nam cam kết như thế nào để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để chính phủ cũng như doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong dài hạn?
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vừa qua, biến thể Delta của dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh, nguy hiểm, diễn biến phức tạp, lại tấn công vào các khu đô thị đông dân cư và các khu công nghiệp lớn, trong khi chưa đủ vaccine, thuốc điều trị…, nên chúng tôi buộc phải sử dụng mọi biện pháp để phòng, chống dịch, trong đó có các biện pháp hành chính để bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân là trên hết, trước hết. Đến nay, nhờ nỗ lực của hệ thống chính trị và cách tiếp cận toàn dân tham gia chống dịch và có thêm kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19 cùng với sự hỗ trợ của các nước bạn bè, đối tác và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhất là Nhật Bản, Việt Nam cơ bản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển chiến lược từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội”. Đây là hướng đi phù hợp vì các chỉ số kinh tế 2 tháng gần đây sau khi thực hiện chuyển hướng kiểm soát dịch bệnh đã thể hiện sự tích cực và phục hồi kinh tế rõ nét. Chúng tôi xác định cách tiếp cận toàn dân và lấy người dân và doanh nghiệp vừa là mục tiêu, động lực, vừa là trung tâm, là chủ thể trong ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế-xã hội.
Chính phủ Việt Nam luôn thấu hiểu và hết sức chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Vừa qua, tôi đã có nhiều buổi làm việc và trực tiếp lắng nghe những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp của Nhật Bản. Hiện nay, để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục kinh doanh và đầu tư mới vào Việt Nam, chúng tôi đang tập trung vào một số định hướng chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh:
(1) Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để hợp tác và phát triển. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là điều hành kinh tế tạo môi trường vĩ mô ổn định để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam.
(2) Nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, quản trị ngành; hoàn thiện thể chế, tiến hành sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thiểu tối đa thủ tục đầu tư-kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính…
(3) Xem xét xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc hiện nay của các hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư và đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
(4) Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống (thực hiện miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, cước phí viễn thông; thúc đẩy việc mở lại đường bay quốc tế, hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới…).
(5) Triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư cho hạ tầng chiến lược. Chúng tôi kêu gọi các phương thức đầu tư có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công-tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu.
(6) Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nhân lực số, lao động có kĩ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
Nhân đây, tôi đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ, nhân dân, và các doanh nghiệp Nhật Bản đã chung sức, đồng lòng, chia sẻ với chúng tôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đóng góp cho Quỹ vaccine của Việt Nam. Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đây là giá trị hết sức quý báu trong quan hệ bạn bè tin cậy, chân thành giữa hai nước.
Nhật Bản đang tiếp nhận nhiều lao động và sinh viên từ Việt Nam. Họ đã và đang trở thành những thành viên quan trọng trong xã hội Nhật Bản. Ngài mong muốn điều gì từ phía Nhật Bản để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước thông qua hệ thống trao đổi nhân lực này?
Vừa qua, do đại dịch Covid-19, có nhiều công dân Việt Nam đang bị mắc kẹt tại Nhật Bản. Chính phủ Việt Nam đã và sẽ làm gì để hỗ trợ công dân mình sớm quay về Việt Nam?
Chúng tôi cũng hiểu rằng các vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, rác thải nhựa trên biển... cũng là một trong những quan tâm lớn của Việt Nam và vừa qua, cộng đồng quốc tế cũng đã thảo luận rất nhiều nhằm tìm ra các giải pháp mang tính toàn cầu. Theo ngài, Nhật Bản có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam trong lĩnh vực này?
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cộng đồng người Việt Nam hiện lớn thứ hai tại Nhật Bản với hơn 450.000 người, trong đó số lượng thực tập sinh tăng lên nhanh chóng với 200.000 người, đứng đầu số thực tập sinh tại Nhật Bản. Đây là nguồn nhân lực quan trọng với Việt Nam, đồng thời cũng đang đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội tại Nhật Bản, là cầu nối hữu nghị làm sâu sắc hơn sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và tình cảm chân thành giữa nhân dân hai nước, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển quan hệ song phương bền vững.
Trong bối cảnh Nhật Bản nới lỏng các quy định nhập cảnh từ tháng 11/2021, chúng tôi mong muốn Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi cho các thực tập sinh Việt Nam đã có visa được nhập cảnh vào Nhật Bản, đồng thời tiếp tục hỗ trợ cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, qua đó đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, địa phương nơi sinh sống và góp phần đóng góp tạo cầu nối thúc đẩy hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.
Chính phủ, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để triển khai các biện pháp hỗ trợ, bảo hộ công dân Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản và tổ chức nhiều chuyến bay đưa công dân về nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản tuyên truyền, quản lý cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản tuân thủ các quy định của pháp luật sở tại. Với những vấn đề phát sinh, cơ quan chức năng hai nước sẽ phối hợp triển khai các biện pháp chặt chẽ, hiệu quả.
Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ quý báu, thiết thực mà Nhật Bản đã dành cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản nói chung và cho những công dân Việt Nam bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua. Tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của hai bên, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, đóng vai trò then chốt trong giao lưu nhân dân hai nước, vì lợi ích của cả hai nước.
Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động của biến đổi khí hậu, nên hợp tác chống biến đổi khí hậu và môi trường luôn là ưu tiên của Việt Nam trong phát triển. Với tinh thần trách nhiệm cao, Việt Nam đã đưa ra cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); khẳng định sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việt Nam đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi từ than sang điện sạch.
Để triển khai các cam kết, chúng tôi sẽ rà soát, điều chỉnh, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế có liên quan, như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… Đồng thời, Việt Nam mong muốn hợp tác với các quốc gia, trong đó có Nhật Bản, nhất là về tài chính, chuyển giao công nghệ, năng lượng, giao thông, quản lý chất thải, nông nghiệp, nâng cao năng lực quản trị... Hai nước cũng cần tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án hiện có về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp biển và hải đảo, khí tượng thuỷ văn và phòng chống thiên tai, quản lý đất đai, tài nguyên nước, hợp tác Mekong... Tôi tin rằng, hai nước chúng ta có rất nhiều cơ hội và tiềm năng hợp tác, vì lợi ích của hai bên cũng như để đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế.
Theo Chinhphu.vn
Tin mới
TP. Hồ Chí Minh: Vẫn áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013
Trong thời gian TP. Hồ Chí Minh chưa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020 QĐ-UBND, thành phố chấp thuận việc sử dụng Bảng giá đất được ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trong giai đoạn từ ngày 1/8/2024.
Ông trâu số 4 đến từ phường Hải Sơn đã xuất sắc giành chức vô địch tại Lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024
Sáng 21/9 (tức 19/8 âm lịch), tại Sân vận động Trung tâm quận Đồ Sơn, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng diễn ra Lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024.
Hưng Yên: Xử lý hộ kinh doanh đồ chơi trẻ em không có dấu hợp quy
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã xử lý một hộ kinh doanh đồ chơi trẻ em không có dấu hợp quy theo quy định pháp luật.
Tạm dừng hoạt động 15 cơ sở sản xuất mì ở làng nghề bánh đa Lộ Cương
Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hải Dương phát hiện 15 cơ sở sản xuất mì ở làng nghề bánh đa Lộ Cương chưa bảo đảm các điều kiện hoạt động theo quy định về bảo vệ môi trường. UBND TP. Hải Dương yêu cầu các hộ này tạm dừng hoạt động để khắc phục.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam thăm, tặng quà người dân bị ảnh hưởng do bão số 3
Vừa qua, Đoàn công tác BHXH Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Hùng Sơn đã đến thăm, tặng quà người dân và làm việc với BHXH tỉnh Lạng Sơn về công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3.
Không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam
Ngày 21/9, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị quân đội về việc dừng huấn luyện diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Câu chuyện thương hiệu
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM