Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo xung lực mới thúc đẩy Thủ đô phát triển mạnh mẽ và bền vững
Tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư
THCL Tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” được tổ chức vào đầu tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo chí về một số nội dung liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ý kiến của một số chuyên gia cho rằng Hà Nội có tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội nhưng sự phát triển hiện nay đang ở dưới mức tiềm năng, xin Thủ tướng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nội là Thủ đô, là “trái tim của cả nước”, trung tâm chính trị hành chính quốc gia, hội tụ tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc. Là trung tâm khoa học, giáo dục, y tế lớn nhất cả nước, là trung tâm kinh tế tài chính, du lịch dịch vụ của cả nước. Hà Nội hội tụ mọi tiềm năng và cơ hội phát triển trở thành Thủ đô Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, để phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội phát triển, đặc biệt là cơ hội mới từ một loạt các cam kết hội nhập quốc tế mới ký kết và có hiệu lực, nhất là trong khuôn khổ cộng đồng ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hà Nội cần quyết liệt gỡ bỏ các rào cản kìm hãm, cản trở môi trường đầu tư, đặc biệt là các rào cản lớn đối với việc gia nhập thị trường và khả năng tiếp cận đất đai; bộ máy hành chính nặng nề kém năng động, hiệu quả chưa cao. Giải quyết tốt những bất cập này, tôi tin chắc rằng sẽ tạo những xung lực mới thúc đẩy Thủ đô tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thưa Thủ tướng, Thủ tướng đánh giá hoạt động của chính quyền Thành phố thời gian gần đây như thế nào?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quan sát mấy tháng vừa qua, tôi thấy sự chủ động của lãnh đạo Hà Nội là đúng hướng và rất tích cực. Vấn đề quan trọng trong công tác quản trị nhà nước cũng như quản trị Thành phố là phải xây dựng năng lực hệ thống, và Hà Nội đang làm theo hướng này với tinh thần quyết tâm cao, bài bản nhưng thận trọng. Đó là điều rất đáng mừng.
Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức hội nghị lớn về doanh nghiệp có sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo Thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp tiêu biểu, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế và tổ chức ngay sau hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” ngày 29/4/2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị đưa ra 5 nội dung rất ý nghĩa: Gặp mặt doanh nghiệp - Giải quyết kiến nghị - Kêu gọi đầu tư - Ký kết hợp tác - Vinh danh doanh nghiệp. Điều đó cho thấy một tinh thần rất tích cực, khẩn trương trong xúc tiến đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tôi tin tưởng rằng đây là sự khởi đầu tốt đẹp cho một giai đoạn mới, Hà Nội sẽ có sự chuyển biến nhanh chóng, đúng hướng, xứng đáng với niềm tin của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Thưa Thủ tướng, Chính phủ hiện rất quan tâm đến phát triển doanh nghiệp và năm nay được coi là năm khởi nghiệp, Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm lớn của cả nước về mọi mặt, nơi tập trung nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, Thủ tướng kỳ vọng gì về hoạt động khởi nghiệp của Thủ đô?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. Muốn như vậy, chính quyền Thành phố phải luôn có tinh thần khởi nghiệp; thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới với nhiều sáng kiến khuyến khích hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài. Hà Nội trở thành thành phố khởi nghiệp là định hướng đúng, là khao khát chính đáng.
Chính quyền Thành phố cần khẩn trương tạo điều kiện để có môi trường kinh doanh thông thoáng; thu hút và khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân yên tâm khởi nghiệp và đầu tư; đây chính là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân, huy động nhân lực, vật lực của toàn xã hội vào phát triển kinh tế.
Tôi cũng lưu ý rằng, không thể trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước mà lại đứng vị trí 24 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Các cấp chính quyền của Hà Nội cần sớm trả lời cho các câu hỏi như: Làm thế nào để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực khởi nghiệp, các trường đại học ở Hà Nội sẽ làm gì, cần những hỗ trợ gì để xây dựng ý thức khởi nghiệp trong sinh viên? Rồi lãnh đạo Thành phố sẽ làm gì để khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp?
Các bạn cũng đã biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp của một quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Hiện nay, nhiều mặt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xuất hiện ở Việt Nam và mạnh mẽ nhất là ở Hà Nội như xu hướng phát triển của nền kinh tế chia sẻ, cộng tác. Ví dụ tiêu biểu là mô hình Uber, mô hình Grab… Hay, đã có rất nhiều thanh thiếu niên ở Hà Nội tham gia học các mô hình giáo dục mở miễn phí chất lượng cao cho đại chúng của các trường đại học uy tín hàng đầu thế giới, như Harvard, Stanford, Princeton. Do vậy, Hà Nội cần đi tiên phong trong xây dựng cơ chế thúc đẩy mô hình kinh tế mới phát triển; thực sự thu hút, ươm mầm và phát huy những tài năng trẻ tận tâm cống hiến cho Thủ đô, cho Tổ quốc.
Như trên Thủ tướng có đề cập, bộ máy hành chính của Hà Nội còn nặng nề, kém năng động, hiệu quả chưa cao. Vậy theo Thủ tướng, giải pháp cốt lõi nào để khắc phục tình trạng này?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi cho rằng để bộ máy hiệu quả, hiệu năng, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức Thủ đô, tạo thuận lợi hơn về thủ tục hành chính thì cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, bảo đảm công khai, minh bạch, chống nhũng nhiễu và tiêu cực. Hà Nội cần lưu ý ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để phục vụ doanh nghiệp và người dân trong thực hiện thủ tục hành chính cũng như xây dựng hệ thống quản lý thông tin để lãnh đạo Thành phố có thể theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời, bảo đảm thực hiện nghiêm túc cam kết với doanh nghiệp và người dân. Cần tạo được động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được tốt hơn. Chẳng hạn, thí điểm áp dụng chương trình chấm điểm của người dân và doanh nghiệp ở một số cơ quan quận, huyện, thành phố hoặc có cơ chế ghi nhận khuyến khích kịp thời thích đáng với những cán bộ, cơ quan làm tốt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tôi xin nhắc lại rằng, xây dựng năng lực hệ thống, tạo được động lực làm việc chính là nền tảng quan trọng để thực hiện sự đổi mới, cải cách kinh tế xã hội và kết quả mới bền vững lâu dài.
Thưa Thủ tướng, gần đây Chính phủ đề cập nhiều hơn đến vai trò của liên kết trong phát triển, đặc biệt là liên kết vùng, vậy Thủ tướng mong muốn Hà Nội đóng vai trò như thế nào trong thực hiện mối liên kết này?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hội nhập, liên kết, kết nối, hợp tác để cùng phát triển, cùng thắng là một xu thế của thế giới. Việt Nam chúng ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng là thể hiện chủ trương mở rộng, hợp tác, liên kết nhằm tăng thêm các cơ hội về thương mại, đầu tư và thị trường.
Thời gian tới khi Việt Nam gia nhập TPP cùng với 12 FTA khác đã ký kết, Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 20 quốc gia thuộc nhóm G20, các doanh nghiệp ở Hà Nội sẽ đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn. Hà Nội là điểm đến quốc tế quan trọng với nhiều dự án FDI công nghệ hiện đại đang và sẽ đầu tư trên địa bàn. Cần tận dụng cơ hội đó để “nâng cấp” các doanh nghiệp trong nước thông qua sự kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là công nghiệp phụ trợ. Hà Nội cần phát triển trong mối liên hệ liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, cộng hưởng với những lợi thế sẵn có. Hà Nội cần phát huy và trở thành đầu tầu dẫn dắt sự phát triển cho cả cả vùng Thủ đô như quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu Hà Nội cần một cơ chế đặc biệt để hình thành liên kết vùng và giữ vai trò trung tâm trong mối liên kết đó thì có thể làm đề án đề xuất với Chính phủ.
Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, Thủ tướng muốn nhắn nhủ điều gì tới lãnh đạo Thủ đô trong quản lý quá trình đô thị hóa hiện nay?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đô thị hóa là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển. Chúng ta phải quản lý sao cho quá trình này diễn ra một cách trật tự, có kiểm soát để tạo sự tương thích, hài hòa giữa những nét hiện đại và giá trị cổ kính, truyền thống; xây dựng được nếp sống văn minh đô thị. Hà Nội là một trong những thành phố đẹp nhất cả nước. Nhưng vẻ đẹp truyền thống có thể dần dần mất đi trong quá trình đô thị hóa ồ ạt, nếu không có giải pháp thỏa đáng, Hà Nội sẽ trở thành một thành phố tắc nghẽn, ô nhiễm như một số thành phố khác trong khu vực châu Á, Đông Nam Á.
Hà Nội cần phải “bẻ ghi” để Thành phố không trượt đi trên con đường này. Để làm được việc này thì cần thực hiện rất nhiều việc. Đầu tiên là đổi mới việc làm quy hoạch, quản lý quy hoạch. Quy hoạch của một thành phố nhất là Hà Nội không phải là bản vẽ kỹ thuật mà là tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, văn hóa để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Hà Nội cần đi đầu trong việc đổi mới cách làm quy hoạch với sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, của người dân, các chuyên gia và các ngành có liên quan.
Nhân dịp này, Thủ tướng muốn truyền đạt điều gì tới tới Hà Nội cũng như các bộ, ngành và chính quyền địa phương cả nước, thưa Thủ tướng?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ liêm chính; hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho trong tất cả mọi lĩnh vực. Chính phủ tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế quản lý điều hành bằng cơ chế chính sách, công cụ kinh tế, hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính của hoạt động kinh tế; đề cao trách nhiệm cá nhân.
Vấn đề gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm. Khu vực doanh nghiệp nhà nước càng ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn. Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh. Thời gian tới cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá tài sản công, bảo đảm công khai minh bạch và gia tăng hiệu quả sử dụng vốn, tài sản công, đất đai, tránh thất thoát lãng phí, tham nhũng. Hà Nội cũng như các bộ ngành, địa phương cần quán triệt tinh thần này.
Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng!
Theo Chinhphu.vn
Tin mới
Thu hồi thuốc viên nang cứng Fluconazole do vi phạm mức độ 3
Thanh tra Bộ Y tế mới đây đã ra thông báo xử phạt và yêu cầu thu hồi thuốc viên nang cứng Fluconazole vi phạm mức độ 3 do công ty Kausikh Therapeutics (P) Ltd sản xuất.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa lịch sử với quan hệ Việt Nam-Cuba
Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đánh dấu một thời khắc quan trọng với ý nghĩa lịch sử.
Thừa Thiên Huế bắt được trăn gấm quý hiếm, giao nộp Kiểm lâm
Ngày 20/9, Công an xã Giang Hải. huyện Phú Lộc tiếp nhận một cá thể trăn gấm nặng khoảng 10kg do người dân tự nguyện giao nộp.
Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu
Mới đây, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kon Tum và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm công tác phối hợp.
Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh giải ngân cho 1.620 hộ vay vốn phục hồi kinh tế, phát triển sản xuất
Bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương, tính từ ngày 8/9 (sau cơn bão số 3) đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh đã giải ngân cho 1.620 hộ vay vốn với số tiền là 108,7 tỷ đồng, trong đó có nhiều hộ dân bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 để khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia làm việc tại Nghệ An: Đánh giá kết quả chống buôn lậu và gian lận thương mại
Chiều ngày 19/9, Đoàn công tác từ Văn phòng Thường trực (VPTT) Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An nhằm kiểm tra, đôn đốc và đánh giá tình hình thực hiện các kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Câu chuyện thương hiệu
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM
MobiFone trao tặng hàng trăm phần quà tận tay người lao động, hỗ trợ dạy học trực tuyến mùa bão lũ