Chiều 13/7, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông chiến lược khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông chiến lược khu vực ĐBSCL - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông chiến lược khu vực ĐBSCL - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng tham dự cuộc họp có các đồng chí: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Trước đó, trong chiều 12/7 và sáng 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cách đây 3 năm, cũng tại Cần Thơ, ông đã có cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL để thống nhất quyết tâm cao triển khai các tuyến cao tốc trong vùng.

Trước đây, việc phát triển hạ tầng giao thông tại ĐBSCL đã được quan tâm qua các thời kỳ, song do điều kiện khó khăn nhiều mặt nên các tuyến cao tốc tại ĐBSCL chưa được triển khai mạnh mẽ.

Theo quy hoạch tới năm 2030, ĐBSCL sẽ có khoảng 1.200 km cao tốc với 3 tuyến theo trục Bắc-Nam và 3 tuyến theo trục Đông-Tây, kết nối TP. HCM, miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Cùng với đó, chúng ta đã hoàn thành quy hoạch cảng biển, quy hoạch hàng không, giao thông thủy nội địa và quy hoạch vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, chúng ta quyết tâm, phấn đấu trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 500-600 km cao tốc tại ĐBSCL và chuẩn bị để nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km nữa.

Thủ tướng
Thủ tướng kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Nhìn lại những công việc, kết quả đã đạt được thời gian qua, Thủ tướng chúc mừng, hoan nghênh các địa phương vùng ĐBSCL dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đã đồng hành, sát cánh cùng các cơ quan Trung ương, có nhiều nỗ lực trong công tác quy hoạch, xác định hướng tuyến các dự án cao tốc ngắn nhất, thẳng nhất có thể; cảm ơn các địa phương, các cấp, các ngành đã hợp tác, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia và người dân đã ủng hộ, nhường mặt bằng cho các dự án.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc xây dựng các dự án cao tốc tại ĐBSCL nói riêng, các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên cả nước nói chung là công việc rất vinh dự, tự hào, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng và phát triển hạ tầng theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có mục tiêu 3.000 km cao tốc tới năm 2025 và 5.000 km cao tốc tới năm 2030.

Thủ tướng đánh giá, các công việc đến giờ này tương đối suôn sẻ, với 8 kết quả nổi bật về quy hoạch, xác định hướng tuyến, bố trí nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguyên vật liệu, thúc đẩy tiến độ các dự án, công tác hỗ trợ tái định cư và chăm lo đời sống cho nhân dân.

Trong đó, khó khăn lớn nhất về nguồn vốn được khắc phục bằng cách huy động đa dạng nguồn vốn Trung ương, địa phương, ngắn hạn và dài hạn, trong và ngoài nước… Cùng với đó, khó khăn về nguyên vật liệu cho các dự án cũng cơ bản được tháo gỡ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các bộ trưởng đã nhiều lần vào khu vực ĐBSCL để tháo gỡ vấn đề này. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án đang triển khai cũng cơ bản hoàn thành, đến nay dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng chỉ còn khoảng 1%.

Cùng với đó, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp ngày càng trưởng thành, có kinh nghiệm hơn, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, tự hào; những sản phẩm đạt được khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể phát triển hệ thống cao tốc tại ĐBSCL. Những kết quả đạt được cũng cho thấy, muốn phát triển đất nước thì phải có đội ngũ cán bộ giỏi, có tâm, có đức, có trí tuệ, hoài bão, trách nhiệm và sản phẩm cụ thể; đồng thời quản trị đất nước phải thông minh, số hóa; phát triển kinh tế-xã hội và môi trường phải hài hòa, hợp lý, nhanh, bền vững, xanh, sạch, đẹp.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta quyết tâm, phấn đấu trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 500-600 km cao tốc tại ĐBSCL, chuẩn bị để nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km nữa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta quyết tâm, phấn đấu trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 500-600 km cao tốc tại ĐBSCL, chuẩn bị để nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km nữa. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Theo Thủ tướng, cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục tạo động lực, truyền cảm hứng để hoàn thành khoảng 500-600 km cao tốc tại ĐBSCL trong nhiệm kỳ này, thiết thực kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, 80 năm Quốc khánh và chào mừng Đại hội XIV của Đảng; đồng thời những kết quả trong nhiệm kỳ này sẽ là nền tảng, cơ sở để tiếp tục xây dựng khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL tuy còn khó khăn nhưng tương lai rất sáng, hoàn toàn có thể "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể". Cùng với việc xây dựng các tuyến cao tốc, chúng ta triển khai đồng bộ việc xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp các cảng biển, sân bay để hoàn thiện hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh tại ĐBSCL, cũng như các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, hạn mặn… đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Các dự án này gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau gồm 02 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần do 4 địa phương (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng) là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu gồm dự án thành phần 1 (Đồng Tháp), dự án thành phần 2 (Tiền Giang); dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (Bộ GTVT là cơ quan chủ quản).

Đến nay, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công, trong đó dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu đã khởi công dự án thành phần 1 (Đồng Tháp), dự án thành phần 2 do tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản dự kiến khởi công trong tháng 7/2024; dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công, cụ thể: Dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đạt 98,9%; dự án Cần Thơ-Cà Mau đạt 99,9%; dự án Cao Lãnh-An Hữu: Thành phần 1 - tỉnh Đồng Tháp đạt 99,7%, thành phần 2 - tỉnh Tiền Giang đạt 82%; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận đoạn qua địa phận tỉnh Kiên Giang đạt khoảng 18% (khởi công tháng 3/2024).

Thủ tướng
Thủ tướng kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Mặc dù khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều, nhưng nếu không được giải quyết dứt điểm trong tháng 7/2024 sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành thi công toàn bộ các dự án.

Về công tác triển khai thi công, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, 2 dự án phải cơ bản hoàn thành năm 2025 (gồm: Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận); dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu và dự án Mỹ An-Cao Lãnh hoàn thành năm 2027.

Để đảm bảo hoàn thành các dự án, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết và quyết liệt chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện. Để có thể hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn vật liệu cát đắp, vật liệu cấp phối đá dăm và công tác chỉ đạo, điều hành của chủ đầu tư, cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà thầu trong tổ chức thi công là yếu tố quyết định đến tiến độ hoàn thành các dự án.

Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường, để đảm bảo hoàn thành các dự án, Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp mỏ vật liệu nhằm rút ngắn quá trình thực hiện.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cùng với sự nỗ lực của các tỉnh, đến nay, đã xác định nguồn cung ứng với tổng trữ lượng khoảng 63,1 triệu m3 so với nhu cầu 55,5 triệu m3 (An Giang 22 triệu m3, Đồng Tháp 9,3 triệu m3, Vĩnh Long 5 triệu m3, Bến Tre 5,4 triệu m3, Tiền Giang 9,3 triệu m3, Sóc Trăng 12,1 triêu m3 bao gồm cả 5,5 triệu m3 cát biển), trong đó đã đủ điều kiện khai thác khoảng 36,83 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục cung ứng cho 26,27 triệu m3.

PV/chinhphu.vn