Nhiều người tiêu dùng thưởng thức cà phê với những nhu cầu khác nhau. Thế nhưng, thực tế hầu hết đều không phân biệt được đâu là cà phê nguyên chất và đâu là cà phê dởm.

Thói quen của NTD đang “tiếp tay” cho cà phê bẩn - Hình 1

 NTD phải bỏ tiền uống cà phê “trộn” mỗi ngày dưới cái mác cà phê “nguyên chất”

Càng dởm... càng được chuộng (?)

Khi nói về việc ngăn chặn nạn cà phê bẩn thì hãy thử tìm hiểu xem: Liệu có phải tất cả những người giữ thói quen uống một ly cà phê vào buổi sáng - đều thực sự thích cà phê?

Mỗi người có quan niệm thưởng thức khác nhau. Có người coi cà phê là điểm tâm buổi sáng hay chiều tối, nhưng lại có người coi cà phê là thức uống chủ đạo trong ngày… Và một thực tế đó là quan sát tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, bao nhiêu quán mở ra, phần lớn kín chỗ.

Anh Tùng, một nhân viên văn phòng (trú tại Thanh Đa, Q. Bình Thạnh) thừa nhận: “Ngày nào tôi cũng uống ít nhất một ly cà phê đá. Uống nhiều nên cũng biết cà phê ngon hay dở, đôi khi chỉ cần ngửi mùi, nhưng để phát hiện thiệt hay dởm cũng không phải là chuyện dễ”.

Tuy nhiên, theo anh Tùng, không phải lúc nào người uống cũng cảm nhận được chất lượng cà phê một cách chính xác bởi nhiều lý do khác nhau.

Bạn Minh Hoàng, sinh viên một trường đại học chia sẻ: “Mình thích cà phê nên thường xuyên cùng bạn bè rủ nhau đi uống. Nhưng bọn mình chủ yếu tìm đến những quán cà phê vỉa hè vì giá rẻ hơn, cũng nghĩ cà phê ở đây không thể nguyên chất được, thậm chí có được 50% cà phê thật cũng khó”.  

Nhiều người thừa nhận, vào quán uống cà phê chỉ là cái cớ để trò chuyện, chứ cũng chẳng biết ngon hay dở, mà dù có dở thì cũng quen rồi. Nói cách khác, chính thói quen uống cà phê của người Việt từ bình dân cho đến sành điệu, đều vô tình tiếp tay cho loại cà phê bẩn, cà phê trộn bày bán công khai.

Bỏ tiền thật, mua hàng rởm!

Thực tế, cà phê vỉa hè, cà phê dạo… đang được không ít khách hàng ưa chuộng, bởi giá rẻ chỉ từ 5.000 – 15.000 đồng/ly. Như vậy, thị trường cạnh tranh - buộc người bán phải giảm giá thành, muốn giảm giá mà hệ số lợi nhuận không thay đổi thì phải giảm chất lượng. Có câu “Cái khó ló cái khôn” - Đây chính là “hoàn cảnh đưa đẩy” để người kinh doanh tìm cách dối trá, đánh lừa người tiêu dùng.

Đương nhiên, chất lượng của những quán cà phê “dã chiến” trên vỉa hè, bệnh viện, chợ cóc, trường học…, khó ai có thể kiểm chứng. Nhiều người có thói quen uống cà phê vỉa hè dù chênh lệch giá không nhiều so với quán nhỏ ven đường. Thậm chí, nhiều người chỉ thích dùng cà phê đậm màu, nhiều bọt mà không quan tâm đến nguồn gốc. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về thực phẩm, với số tiền này, chắc chắn người dùng sẽ không được uống cà phê làm từ hạt cà phê. Bởi tất cả những cơ sở rang, xay cà phê giả đều dùng đậu tương hoặc bắp thay hạt cà phê, nhưng phần lớn là dùng đậu tương vì giá rẻ.

Việc cà phê bẩn, cà phê giả hoành hành cũng là một phần xuất phát từ chính thói quen tiêu dùng của người Việt hiện nay khi mà cách đánh giá cà phê ngon vẫn chủ yếu dựa vào thị hiếu “đặc, đắng, sánh, bọt”.  

Trong khi vì lợi nhuận, các cơ sở kinh doanh tìm mọi cách đánh lừa người tiêu dùng thì mặt khác, chính người Việt đang đánh lừa vị giác của mình bởi những thói quen “phổ thông” khi uống cà phê. Thậm chí, những người sành điệu - vốn biết cách thưởng thức cà phê nguyên chất, cũng “khuất mắt trông coi” bỏ qua chất lượng cà phê trên thị trường hiện nay?

Chỉ ngay tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, liệu có bao nhiêu cơ sở, cửa hàng bán cà phê nguyên chất cho khách hay chỉ gắn mác và đánh lừa vị giác của người tiêu dùng?

H. Anh